Học sinh trượt lớp 10 công lập - cơ hội học tập còn nhiều

Thành Phúc
12:24 - 05/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2023, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập chỉ có 55,7% trong tổng số hơn 100.000 thí sinh đăng ký dự thi, thấp hơn so với năm 2022. Như vậy, có hơn 33 ngàn học sinh (hơn 40%) bị trượt lớp 10 công lập, trong đó rất nhiều học sinh giỏi trung học cơ sở không đỗ trường nào dù điểm rất cao.

Học sinh trượt lớp 10 công lập - cơ hội học tập còn nhiều  - Ảnh 1.

Học sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Ảnh: Ngọc Ánh

Lẽ thường, khi dự thi tuyển sinh vào lớp 10, những thí sinh có học lực trung bình trở xuống mới trượt, nhưng tại Hà Nội, rất nhiều học sinh giỏi vẫn trượt lớp công lập. Một số thí sinh không chỉ trượt nguyện vọng 1 mà ngay cả nguyện vọng 2, 3 cũng không đậu dù thi đạt tới 42 điểm. 

Trung bình 8,0 điểm thi/ môn vẫn có thể trượt lớp 10 công lập

Năm 2023, các trường tốp đầu lấy điểm cao hơn 1 điểm so với năm 2022. Các trường nội thành không có trường nào lấy điểm chuẩn dưới 37. 

Cuộc chạy đua 1 suất lớp 10 công lập không chuyên của Hà Nội năm nay đối với một số trường còn khó hơn rất nhiều trường trung học phổ thông chuyên của nhiều tỉnh, thành khác. Bởi vì, năm nay Hà Nội chỉ tuyển 55,7% số lượng học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 công lập. 

Bảng điểm chuẩn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa qua, nhiều phụ huynh sốc thực sự. Có những trường trung học phổ thông không chuyên nhưng phải đạt điểm trung bình từ 8,9 điểm/1 môn thi thì thí sinh mới có cơ hội trúng tuyển. Vì thế, học sinh giỏi đại trà ở các trường trung học cơ sở cũng khó có cơ hội đậu vào những trường tốp điểm chuẩn cao. 

Chính vì tỉ lệ chọi của Hà Nội chọi ở mức cao nên việc địa phương này lấy điểm chuẩn cao hơn các địa phương khác là điều bình thường. Tuy nhiên, ít ai nghĩ đến khả năng tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên mà có những trường lấy mức điểm chuẩn là 8,9 điểm/1 môn thi như vậy. 

Trường Trung học phổ thông Chu Văn An có mức điểm chuẩn cao nhất ở khối không chuyên là 44,50 điểm. Với mức điểm chuẩn này, thí sinh phải đạt trung bình các môn thi từ 8,9 điểm/môn trở lên mới trúng tuyển.

Tiếp theo là Trung học phổ thông Kim Liên (quận Đống Đa) có mức điểm chuẩn là 43,25 điểm; Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) 42,75 điểm; Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Đông) và Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy) năm nay cùng lấy mức điểm chuẩn là 42,25 điểm.

Trung học phổ thông Trần Phú, Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều năm nay cùng ở mức điểm chuẩn là 41,75 điểm; Trung học phổ thông Cầu Giấy 41,5 điểm; Trung học phổ thông Quang Trung (Đống Đa), Trung học phổ thông Quang Trung (Hà Đông), Trung học phổ thông Đoàn Kết (Hai Bà Trưng) cùng có mức điểm chuẩn là 40.

Nhìn mức điểm chuẩn của hơn 10 trường lấy từ 40-44,5 điểm trên, công chúng choáng ngợp. Mức điểm chuẩn này không dành cho những học sinh có học lực khá ở các nhà trường trung học cơ sở. Thậm chí, những học sinh được tổng kết ở lớp học lực giỏi đại trà vẫn rớt vì điểm học và điểm thi bao giờ cũng có sự chênh lệch. Thông thường, điểm trung bình môn của học sinh được tổng kết trên lớp cũng sẽ cao hơn điểm thi tuyển sinh vào lớp 10.

Đối với các gia đình lâu nay vẫn dựa vào điểm số của con để đinh ninh rằng con học giỏi, học tốt nhìn vào bảng điểm chuẩn không khỏi choáng váng. Có những học sinh bình thường điểm giỏi, đã trượt không đỗ vào các trường này. 

Hơn nữa, mức điểm chuẩn là mức điểm thấp nhất đối với những thí sinh trúng tuyển vào trường nên những thí sinh đậu vào các trường trung học phổ thông có điểm chuẩn từ 40 trở lên là những em cực giỏi. Các em không chỉ giỏi về kiến thức, năng lực mà phải rất nhạy bén với các vấn đề xã hội (Ngữ văn), nhạy bén trong tính toán (Toán) và có năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) tốt mới có thể đạt được ngưỡng điểm như thế này.

Khi thi tuyển sinh vào lớp 10 trở thành kỳ thi khốc liệt nhất

Lứa học sinh lớp 9 năm nay thi vào lớp 10 công lập nói chung và Hà Nội nói riêng, các em phải chịu rất nhiều thiệt thòi so với các lớp học trước đây vì suốt năm lớp 7 và lớp 8 đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Nhiều giai đoạn, học sinh phải gián đoạn việc học hoặc phải học online trong nhiều thời điểm khác nhau.

Thế nhưng, nhìn chung điểm thi, điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 năm nay của Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác có phần nhích hơn so với các năm trước đây. Có trường, điểm chuẩn tăng hơn đến vài điểm. Điều này cho thấy dù trong hoàn cảnh nào thì học sinh cũng đều nỗ lực, cố gắng vươn lên trong chuyện học hành của mình.

Nếu so sánh với nhiều tỉnh, thành khác, rõ ràng những thí sinh ở Hà Nội phải đầu tư nhiều hơn rất nhiều mới có cơ hội đậu vào các trường trung học phổ thông công lập thuộc khu vực nội đô, nhất là đối với những thí sinh thi vào các lớp chuyên của các trường chuyên. Bởi vì, với mức điểm chuẩn như vậy đòi hỏi học sinh phải có một quá trình học tập nghiêm túc mới có thể đạt được.

Phụ huynh buồn khi con không đậu vào lớp 10 công lập, tuy nhiên các em mới bước vào tuổi 15. Có nhiều hình thức học tập và cũng có nhiều cách vào đời khác nhau, chứ không phải chỉ duy nhất có con đường học hết phổ thông rồi vào đại học… mới là người giỏi và thành công.

Chỉ tiêu vào trường công có hạn không hoàn toàn do lực học của các em, cũng không phải do con yếu kém, lười học. Đằng sau việc học sinh giỏi không đỗ vào trường top đầu trung học phổ thông còn nhiều vấn đề khác liên quan đến quy hoạch xã hội. Trẻ không đỗ trường công thì học trường tư, không có gì phụ huynh và học sinh trượt trường công phải đau đớn, khổ sở. 

Chỉ khác nhau cơ bản là trường công học phí thấp hơn thuận lợi cho gia đình có thu nhập không cao. Cơ hội học tập chưa bao giờ dừng lại và còn rất nhiều lựa chọn cho học sinh và các gia đình.