Học sinh mang thai - giáo dục giới tính bị chậm nhịp

Trương Thuý Hằng
16:21 - 18/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Liên tiếp các sự việc học sinh nữ ở độ tuổi phổ thông trung học mang thai xảy ra gần đây khiến dư luận lo lắng không yên. Phải chăng, giáo dục giới tính là việc khó và hệ thống giáo dục đã chậm nhịp so với sự phát triển của trẻ em ngày nay?

Nhức nhối gia tăng tình trạng trẻ dậy thì làm mẹ

Nữ sinh T.T.M.C, sinh năm 2010 và mới 13 tuổi, trú tại xã An Bá, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Em sinh con vào khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 11/2. Gia đình kể lại, trong lúc đang ở nhà, em M.C. đau bụng dữ dội đã vào phòng tắm và sinh bé trai nặng khoảng 2,7kg.

Ngày 17/2, truyền thông đưa tin bé gái V.T.H.T. ở xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ sinh con vào cuối năm 2022 khi mới 11 tuổi và đang là học sinh lớp 5. 

Một bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới đây chia sẻ bệnh viện này đã tiếp nhận một ca khám bệnh là học sinh nữ lớp 10 tại Hà Nội mang song thai. 

Liên tiếp nhiều trẻ vị thành niên mang thai khiến các bậc cha mẹ bàng hoàng, lo lắng. Nhìn lại các con số thống kê về tình trạng mang thai sớm thì thấy việc các học sinh nữ mang thai, ngưng học vì thai sản ngoài ý muốn diễn ra không ít. Phải chăng thời kỳ khủng hoảng phát triển nhanh ở trẻ đã tới và hệ thống giáo dục đã nỗ lực giáo dục giới tính tuy nhiên không hiệu quả?

Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững quốc gia do Tổng cục Thống kê công bố năm 2022, có khoảng 22-28% thanh niên từ 15- 24 tuổi có quan hệ tình dục.

Tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2% trong khi ở nữ là 0,9%. Gần 9% phụ nữ từ 15-19 tuổi đã quan hệ với bạn tình hơn mình 10 tuổi trở lên.

Một nghiên cứu khác của Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong 3 năm 2017-2019, có 210 sản phụ tuổi dưới 18 (91 ca ở Hà Nội), chiếm khoảng 0,3% tổng số sinh tại bệnh viện đầu ngành này, trong đó có 1 trường hợp 13 tuổi. 

Hầu hết các trường hợp này đều sinh con lần đầu, ngoài ra có 4 sản phụ 16 tuổi sinh con lần 2, tuy nhiên con đầu đều đẻ non hoặc đủ tháng nhưng đã mất.

Học sinh mang thai - giáo dục giới tính bị chậm nhịp - Ảnh 2.

Dậy thì sớm và trưởng thành nhanh về tâm sinh lý dẫn tới trẻ có quan hệ tình dục sớm, khó kiểm soát. Minh hoạ: IT/image

Làm mẹ tuổi teen - chuyện không phải là chuyện nhỏ

Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học, GS.TS. Phạm Tất Dong, nhà khoa học giáo dục giàu kinh nghiệm thẳng thắn nhận định: "Khi đời sống tâm lý và sự phát triển thể chất diễn ra sớm hơn thì trẻ em có khả năng sinh đẻ rất sớm vì hiện tượng dậy thì và quan hệ luyến ái giữa các học trò ở cấp phổ thông cơ sở rất dễ xảy ra. 

Cùng với việc soạn những chương trình và bài giảng về giáo dục giới tính, bất đắc dĩ nhiều trường phổ thông trên thế giới đã phải khuyên học sinh gái uống thuốc tránh thai nhằm không để các em không bị ngắt quãng thời gian đi học do thai nghén và sinh nở". 

Như vậy, hiện tượng dậy thì sớm vì nhiều nguyên nhân đã được các nhà khoa học cảnh báo. Việc hoạch định các chương trình giáo dục phù hợp với "gia tốc phát triển" ở trẻ ngày càng nhanh trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin dẫn đường cho khám phá giới tính sớm ở trẻ là việc đã phải tính đến từ thập kỷ trước. 

Ở thời kỳ giãn cách do COVID-19, các nhóm phụ huynh học sinh đã làm dậy sóng mạng xã hội vì chia sẻ họ phát hiện con mình dậy thì rất sớm và có các biểu hiện khám phá giới tính ngay từ bậc học phổ thông, thậm chí là tiểu học. Trẻ học online có điều kiện tiếp xúc với thông tin truyền thông đại chúng và mạng xã hội nhiều hơn. Chúng cũng bị "nhốt" ở nhà nhiều hơn dẫn đến tâm lý thay đổi, khao khát giao tiếp và sinh hoạt tập thể bị hạn chế khiến tâm sinh lý càng bất ổn. Chúng có xu hướng thu mình, cô đọc và bám víu vào những mối quan hệ nhỏ hẹp và dần đi đến mất kiểm soát về tâm lý, vượt qua ranh giới của độc lập giới tính. 

Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội hiện nay, hiện tượng trẻ vị thành niên yêu đương, trốn học, có hành vi không phù hợp như ôm ấp, hôn nhau ở quán cà phê khi đang mặc đồng phục học sinh khá nhiều. Ngay cả các bác sĩ chuyên khoa phụ sản cũng chia sẻ việc nữ vị thành niên mang thai không hiếm. Việc sinh con sớm coi như đình chỉ luôn con đường học vấn một con người dẫn tới  nhiều hệ luỵ cho cá nhân, gia đình và xã hội. Mặt khác, việc tảo hôn và mang thai sớm diễn ra ở các khu vực dân cư vùng sâu, vùng xa do tập tục, thói quen sinh hoạt chưa thuyên giảm, mặc dù các con số thống kê đã nói giảm, nói tránh khá nhiều. 

Rõ ràng giáo dục giới tính đã được đưa vào trường học, nhưng chưa thực sự hiệu quả triệt để. Trẻ vị thành niên ảnh hưởng của văn hoá nước ngoài thường có quan niệm "tình dục là chuyện nhỏ" ý nói chúng có thể tự giải quyết được các vấn đề tâm sinh lý tuổi dậy thì. Tuy nhiên, thực tế, trẻ đang cần cha mẹ, nhà trường và cả xã hội phải can thiệp vào quá trình trưởng thành của mình bằng những phương pháp khoa học, phù hợp và văn minh. 

Tạp chí Công dân và Khuyến học sẽ trở lại vấn đề này cùng ý kiến, giải pháp của các chuyên gia giáo dục.