Hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở trường học vùng cao
Linh hoạt và sáng tạo trong lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là cách làm của nhiều trường học vùng cao Tây Bắc hiện nay. Đây là hướng đi đã mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phù hợp với đặc thù vùng miền
Xuất phát từ đặc thù là một môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được đưa vào dạy học ở lớp 6, 7 cấp trung học cơ sở và lớp 10 đối với cấp trung học phổ thông, để thực hiện tổ chức chương trình trải nghiệm hướng nghiệp đúng với quy định và mục tiêu đề ra là học sinh vừa được học, vừa được trải nghiệm và qua đó định hướng nghề nghiệp, trong thời gian qua, các trường học ở vùng cao Tây Bắc đã và đang đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với đặc thù vùng miền và điều kiện thực tế của địa phương, hướng tới phương châm và cách tổ chức sao cho linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và thiết thực.
Thay vì tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm bằng hình thức tham quan tại các địa điểm di tích, du lịch như ở miền xuôi, các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc đã chủ động tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại chỗ gắn với đặc thù để học sinh dễ dàng tiếp cận, giảm chi phí, kết hợp với sự tương tác, hỗ trợ của địa phương.
Tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình…nhiều đơn vị trường học đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học môn trải nghiệm hướng nghiệm có sự kết hợp giữa dạy học trên lớp với trải nghiệm thực tế ngay tại khu vực trường.
Nhờ thế, các nhà trường đã phát huy được sự sáng tạo, tính tích cực của học sinh. Có những giờ học không có phấn trắng, bảng đen, không có bàn ghế và không gian lớp học thường ngày, có tiết học trải nghiệm được các thầy cô giáo tổ chức cho học sinh ngay trên đồng ruộng, bên vườn đào, trên không gian nhà sàn, ngày hội STEM văn hóa các dân tộc…
Đặc biệt, các nhà trường đã linh hoạt gắn giờ học trải nghiệm hướng nghiệp với mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”, “Trường học đa văn hóa” để mang lại những tiết học sinh động, đậm sắc màu thực tiễn và văn hóa địa phương.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai) chia sẻ: “Nhà trường có số đông học sinh dân tộc thiểu số, ở bán trú nên các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được tổ chức linh hoạt, không chỉ trên lớp mà học sinh được thực tế tại vườn đào, vườn cây của nhà trường và các địa điểm bản làng văn hóa”.
Mô hình hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
Nhằm tạo sự kết nối giữa kiến thức sách vở và kiến thức thực tế, nhiều nhà trường ở vùng cao Tây Bắc đã tích cực tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo mô hình “Giờ học kết nối”. Ở mô hình này, giờ học được một số nhà trường tổ chức trên cơ sở lựa chọn một yếu tố từ thực tiễn để đưa học sinh tiếp cận, được thực hành và hướng nghiệp.
Mô hình “Giờ học kết nối được các thầy cô giáo và học sinh các nhà trường ở vùng cao Mù Cang Chải, thành phố Yên Bái (Yên Bái) tổ chức hiệu quả như: trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Kim Nọi, cùng các Trường Tiểu học học và Trung học cơ sở Hợp Minh, Tiểu học học và Trung học cơ sở Giới Phiên - thành phố Yên Bái; Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Cu Nha, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang (Mù Cang Chải) cùng hướng học sinh lớp 1 đến trải nghiệm tại xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) về các nghề truyền thống như thêu dệt, làm miến dong. Qua đó, các em học sinh có ý thức giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của địa phương. Cũng tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trường Mầm non Mồ Dề đã mời người dân trong bản biết thành thạo việc đan lát đến trường trình diễn nghề đan tre cho các cháu học sinh của điểm trường Háng Phừ Loa.
Có nơi, tiết học trải nghiệm hướng nghiệp được nhà trường tổ chức tại bản làng. Nơi đó có nhà sàn, có các nghệ nhân dân gian, có các nghề truyền thống và người có kinh nghiệm truyền dạy. Nhờ thế, các nhà trường đã phát huy được vai trò phối hợp của người dân địa phương trong việc truyền thụ kiến thức thực tế cho học sinh. Điển hình như Trường Trung học phổ thông số 3 Bảo Yên (Lào Cai), đóng tại xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), nơi có số đông học sinh người dân tộc Tày, Mông, Dao học tập. Địa bàn của nhà trường là điểm du lịch cộng đồng, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Xác định được điều đó, ngoài việc tổ chức các hoạt động STEM trải nghiệm ngày hội văn hóa các dân tộc, nhà trường còn tổ chức giờ học trải nghiệm hướng nghiệp ngay tại nhà sàn, mời các nghệ nhân, người cao tuổi truyền thụ các nghề truyền thống cho học sinh như đan lát, dệt thổ cẩm, ẩm thực, hát then và hướng dẫn học sinh văn hóa ứng xử của đồng bào các dân tộc.
Thầy giáo Quan Văn Thưởng, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông số 3 Bảo Yên chia sẻ: “Những tiết học trải nghiệm được tổ chức ngoài nhà trường là không gian học sinh được hòa mình với kiến thức thực tiễn, có ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để học sinh hình thành những ý tưởng hướng nghiệp trong tương lai”.
Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ: “Đa số các nhà trường ở các cấp học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều rất chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho học sinh phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực”.
Tăng cường hoạt động trải nghiệm vừa rèn kỹ năng, vừa giúp học sinh kết nối giữa kiến thức sách vở bản thân học được với kiến thức thực tế để định hướng nghề nghiệp trong tương lai là hướng đi hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy học mà yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra. Từ những hoạt động phong phú, sinh động và hiệu quả được các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc tổ chức đã minh chứng cho việc không nhất thiết phải cố định giờ học trải nghiệp hướng nghiệp tại giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp hay trong không gian lớp học. Điều đó đòi hỏi sự chủ động, tích cực và linh hoạt của các nhà trường, các thầy cô giáo để các em học sinh được hòa nhập với thực tiễn cuộc sống với những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google