Hoàn thiện trùng tu di tích cổng Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài

Thuỵ Văn
20:31 - 09/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cùng với việc xây dựng Nhà hát Hồ Gươm trên phố Hàng Bài (Hà Nội), di tích cổng Trại Bảo an binh, từng gắn liền với sự kiện Cách mạng tháng Tám của lịch sử cũng được trùng tu, sửa sang lại tô điểm thêm cho công trình hoành tráng này.

Hoàn thiện trùng tu di tích cổng Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài - Ảnh 1.

Di tích cổng Trại Bảo an binh tại Hàng Bài được trùng tu lại sau khi xây dựng Nhà hát Hồ Gươm tại đây. Ảnh: TTH

Trại Bảo an binh là tên gọi cuối cùng vào thời điểm Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra. Đây là trại lính Bảo an - lực lượng vũ trang có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho chính quyền vào lúc đó là Chính phủ Trần Trọng Kim, thành lập ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), khi nền cai trị của Pháp đã chấm dứt.

Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, Bảo an binh là lực lượng lính khố xanh (garde indigène) mà thực dân Pháp thành lập khi đặt ách bảo hộ lên Bắc kỳ và Trung Kỳ.

Với nhiệm vụ bảo đảm anh ninh trật tự nội địa được tổ chức tại từng địa phương, lính khố xanh còn là lực lượng quân sự chính quy bảo vệ thuộc địa của Pháp. Khi quân Pháp bị quân Nhật giải giáp và bắt giữ, lực lượng lính khố xanh của thực dân còn nguyên vẹn cả về quân số và vũ khí, được chuyển giao cho Chính phủ Trần Trọng Kim với cái tên mới là Bảo An binh.

Kiến trúc Pháp đậm màu Á Đông

Một kiến trúc sư người Pháp tên là Henri Vidieu thiết kế công trình Trại Bảo An vào cuối thế kỉ 19. Kiến trúc sư này từng thiết kế các kiến trúc nổi tiếng như Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Tòa thượng thẩm, Hỏa Lò… cho đến nay vẫn còn hiện hữu ở Hà Nội. 

Tuy nhiên, riêng Trại Bảo An thì chỉ còn lại cổng công trình. Cổng có quy mô nhỏ, đẹp, giống hệt như cổng tam quan chùa chiền bản địa. Có lẽ, kiến trúc sư khá ấn tượng với các cổng tam quan đền chùa Việt Nam nên đã đưa kiến trúc này vào công trình do ông thiết kế? Phía trong cổng từng có các toà nhà dáng vẻ kiến trúc Pháp đã biến dạng theo thời gian và phân chia cho các cơ quan sau ngày tiếp quản 1954. 

Tư liệu ảnh của chiếc cổng đặc biệt này có nhiều, và nó gần như là một trong những hình ảnh đại diện của Hà Nội. Bởi phố Hàng Bài ngày nay vốn là phố Đồng Khánh xưa, là phố chính cách Hồ Gươm không xa. Vị trí này nằm ngoài mặt phố đông người qua lại và không ít khách du lịch đã chụp ảnh, ghi lại những thước phim có hình ảnh chiếc cổng Trại Bảo an. 

Những tấm ảnh tư liệu cho thấy vòm cổng Trại Bảo an rất đẹp kiểu Á Đông, tuy gắn với một công trình kiến trúc thuộc địa cũ nhưng hài hòa, phù hợp với cảnh quan phố xá có vẻ cổ kính của Hà Nội.  

Điều thú vị nữa là khi giải tán Trại Bảo an binh, hầu như binh lính về theo cách mạng Việt Nam, trong đó có đơn vị quân nhạc của Trại. Sau này, đội quân nhạc đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và nhà nước Việt Nam độc lập có nòng cốt là đội quân nhạc của Trại Bảo an binh. Đội quân nhạc này cũng được coi là tiền thân của Đoàn quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Cổng Trại Bảo an binh sau khi tu sửa đã có diện mạo mới, di tích sẽ là một công trình đẹp bên cạnh Nhà hát Hồ Gươm. 

Xin trích giới thiệu một vài bức ảnh tư liệu về công trình độc đáo này.

Hoàn thiện trùng tu di tích cổng Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài - Ảnh 3.

Hình ảnh cổng Trại Bảo an binh trên bưu thiếp Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Hoàn thiện trùng tu di tích cổng Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài - Ảnh 4.

Cánh cổng đặc biệt mang phong cách Á Đông của một trại lính Pháp. Ảnh: Tư liệu

Hoàn thiện trùng tu di tích cổng Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài - Ảnh 5.

Bức ảnh chụp Trại Bảo an binh năm 1920. Ảnh: Tư liệu

Hoàn thiện trùng tu di tích cổng Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài - Ảnh 6.

Trại Bảo an binh khi đang hoạt động. Ảnh: Tư liệu

Hoàn thiện trùng tu di tích cổng Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài - Ảnh 7.

Lực lượng quân nhạc của quân đội Việt Nam tham gia duyệt binh chủng với quân Pháp tại Hà Nội sau khi ký Hiệp ước 6/3. Ảnh: Tư liệu

Cổng trại Bảo an binh là một trong những dấu tích hiếm hoi còn lại gắn liền với sự kiện lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nằm bên cạnh quảng trường Cách mạng Tháng Tám, nhà số 101 Trần Hưng Đạo (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam).

Trại lính được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Henri Vidieu. Trại lính nằm trên diện tích rộng, từng đồn trú hơn 1.000 lính đến nay dấu tích chỉ còn lại một cánh cổng.

Tháng 4/2023, Bộ Công an và Thành phố Hà Nội đã tổ chức tham vấn ý kiến giới chuyên gia để tìm phương án tu bổ, tôn tạo lại dấu tích cách mạng.

Sau khi thống nhất phương án, Bộ Công an và Thành phố Hà Nội đã tiến hành trùng tu cổng Trại Bảo An binh, phục hồi gần nhất với hiện trạng cổng cũ năm 1945.