Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?

Hồng Ngọc
09:53 - 28/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Hành vi tác động một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp đến quá trình người thi hành công vụ chấp hành, thực hiện nghiệp vụ, từ đó tạo ra khó khăn, cản trở việc chấp hành pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm. Ảnh minh họa: Bộ Công an

Lạng Sơn: Khởi tố 2 vụ chống người thi hành công vụ, vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông

Ngày 27/2/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ, ra Lệnh tạm giam đối với 2 đối tượng gồm: Ngô Văn Linh (sinh năm 1998, trú tại xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) và Nguyễn Văn Giang (sinh năm 1974, trú tại phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) về hành vi "Chống người thi hành công vụ" quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, ngày 24/2/2024, tại Km93+160 Quốc lộ 1A, Tổ công tác Trạm Cảnh sát giao thông Tùng Diễn, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện xe mô tô bỏ chạy khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Người điều khiển xe là Ngô Văn Linh không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe, đâm vào Tổ công tác khiến 1 chiến sĩ Cảnh sát cơ động bị thương phải vào viện cấp cứu. Sau va chạm, Ngô Văn Linh tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến tối cùng ngày, Công an huyện Hữu Lũng đã bắt giữ được đối tượng. Qua test nhanh, Ngô Văn Linh dương tính với chất ma túy tổng hợp.

Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 2.
Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 3.

Đối tượng Ngô Văn Linh (trái) và Nguyễn Văn Giang (phải) tại cơ quan Công an. Ảnh: Bộ Công an

Tiếp đó, ngày 25/2/2024, trên tuyến đường Quốc lộ 1A, Tổ công tác Trạm Cảnh sát giao thông Tùng Diễn, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện ô tô khách nhãn hiệu Hyundai 29 chỗ ngồi, biển kiểm soát 29F-06.08, di chuyển theo hướng Lạng Sơn - Hà Nội do Nguyễn Văn Giang điều khiển chạy quá tốc độ quy định. Mặc dù ra hiệu lệnh dừng xe nhiều lần nhưng lái xe vẫn không chấp hành, lạng lách, đánh võng trên đường gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện khác. Đáng chú ý, ô tô này còn đâm nhiều lần vào đuôi xe chuyên dụng của Cảnh sát giao thông khiến phương tiện này hư hỏng phần đuôi xe.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã buộc chiếc xe ô tô chở khách kể trên phải dừng lưu thông. Qua kiểm tra xác định, ô tô này là xe kinh doanh vận tải hành khách mà không có camera giám sát hành trình, chở hành khách không có hợp đồng và danh sách hợp đồng vận chuyển.

Hình phạt, mức phạt đối với hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ

Bộ Công an cho biết, hành vi “cản trở” là hành vi tác động một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua hành động hoặc lời nói đến quá trình người thi hành công vụ chấp hành, thực hiện nghiệp vụ, từ đó tạo ra khó khăn, cản trở việc chấp hành pháp luật.

Cụ thể, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 208/2013/NÐ-CP quy định hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Mức phạt đối với hành vi cản trở người thi hành công vụ được quy định cụ thể như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ Điều 21 Nghị định số 144/2021/NÐ-CP quy định về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ:

Phạt tiền từ 1-4 triệu đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

- Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

- Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;

- Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

- Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

Ngoài ra, đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định số 144/2021/NÐ-CP ngoài phạt tiền còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm này là buộc xin lỗi công khai.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, mức cao nhất cho tội này có thể phạt tù lên đến 7 năm.

Cản trở người thi hành công vụ gây thương tích bị xử lý thế nào?

Có không ít trường hợp người vi phạm sử dụng vũ lực gây ra thương tích cho người thi hành công vụ, mặt khác, hiện nay Điều 330 Bộ luật Hình sự về Tội chống người thi hành công vụ lại mới chỉ quy định về mức phạt tù với hành vi chống người thi hành công vụ gây thiệt hại về tài sản. 

Với trường hợp gây thương tích với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, nếu gây thương tích cho người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Mức phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.