Hàn Quốc lần đầu tổ chức cuộc thi hùng biện song ngữ cho học sinh tiểu học thuộc các gia đình đa văn hóa

T.Anh
07:36 - 07/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

"Cuộc thi hùng biện song ngữ toàn quốc lần thứ nhất" đã được tổ chức tại Thủ đô Seoul ngày 6/10 dành cho đối tượng là học sinh tiểu học thuộc các gia đình đa văn hóa trên toàn quốc.

Hàn Quốc tổ chức cuộc thi hùng biện song ngữ cho các học sinh tiểu học - Ảnh 1.

Các em tham gia "Cuộc thi hùng biện song ngữ toàn quốc lần thứ nhất".

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, "Cuộc thi hùng biện song ngữ toàn quốc lần thứ nhất" được tổ chức tại Thủ đô Seoul ngày 6/10 dành cho đối tượng là học sinh tiểu học thuộc các gia đình đa văn hóa trên toàn quốc. 

Với chủ đề "Giới thiệu và tự hào về gia đình của chúng ta", cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức chung về đối tượng gia đình đa văn hóa, nâng cao kỹ năng ngôn ngữ của trẻ em các gia đình đa văn hóa. 

Cuộc thi còn nhằm mục tiêu đánh thức vai trò kết nối của các nhà ngoại giao nhân dân thông qua cải thiện khả năng giao tiếp và kết nối song ngữ của con em các gia đình đa văn hóa.

Tham gia cuộc thi có hơn 100 học sinh tiểu học trên toàn quốc, các em tham gia các phần thi để thể hiện khả năng song ngữ của bản thân. 

Lọt vào vòng chung kết có tổng cộng 20 học sinh và được chia thành 2 nhóm: lớp bé (từ lớp 1 đến lớp 3) và lớp lớn (từ lớp 4 đến lớp 6). Các học sinh sẽ tham gia trình bày tổng cộng 5 phút bằng tiếng Hàn và trong vòng 2 phút 30 giây bằng các ngôn ngữ gốc. 

Việt Nam có 3 học sinh vào vòng chung kết.

Đối với các cháu sinh ra trong gia đình đa văn hóa thì mặc nhiên đã nói được hai ngôn ngữ. Đây là điểm tạo ra lợi thế cạnh tranh của đất nước, vì thế cần phải khai thác và phát huy điểm mạnh này.

Ông Sim Jeong-seop, Giám đốc điều hành Trung tâm Il-shihoil (In Si hô In), một tổ chức công ích và là đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi, cho rằng điểm mạnh của gia đình đa văn hóa là đa ngôn ngữ. Trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, các học sinh của chúng ta cần được trang bị ít nhất một ngoại ngữ. Đối với các cháu sinh ra trong gia đình đa văn hóa thì mặc nhiên đã nói được hai ngôn ngữ. Đây là điểm tạo ra lợi thế cạnh tranh của đất nước, vì thế cần phải khai thác và phát huy điểm mạnh này để các cháu có thể tự tin để sử dụng ngôn ngữ của đất nước cha, mẹ mình. Cùng với việc phát triển ngôn ngữ là dòng chảy trao đổi văn hóa giữa các nước. 

Trong số các gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc, gia đình Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao và có sự hòa nhập, thích nghi với xã hội Hàn Quốc vào loại tốt nhất.

Theo ông Sim, trong số các gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc, gia đình Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao. Văn hóa Việt Nam với Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo nên có nhiều điểm tương đồng. Các gia đình đa văn hóa Việt Nam hòa nhập và thích nghi với xã hội Hàn Quốc vào loại tốt nhất.

Ông Kang Hyun-duk, Giám đốc Trung tâm gia đình Hàn Quốc cho biết đây là cuộc thi rất có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự tôn trọng và hội nhập gia đình đa văn hóa. Đồng thời, cuộc thi cũng tạo cơ hội để phát triển tài năng và khám phá tiềm năng của các trẻ em, giúp các em tự tin, tăng cường giao tiếp và nâng cao nhận thức, niềm tự hào của trẻ đối với đất nước của cha mẹ.

Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao tổng cộng 2 giải đặc biệt, 4 giải nhất và 4 giải nhì cho các thí sinh.