Hải Phòng: Phát triển cảng xanh, công nghệ mới
Các diễn giả tham gia Hội thảo "Hạ tầng bền vững và hậu cần thông minh" nhận định, xu hướng phát triển cảng trong thời gian tới là xây dựng cảng xanh, tăng cường kết nối sau cảng, áp dụng công nghệ mới, xu hướng blue-logistics...
Hội thảo vừa diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Ngài Jan Jambon, Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa, Công nghệ thông tin và Quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders, Vương quốc Bỉ tại Hải Phòng.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Thọ khẳng định quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Hải Phòng và các tổ chức, doanh nghiệp Bỉ không ngừng phát triển tốt đẹp. Trên địa bàn thành phố hiện có 8 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ Vương quốc Bỉ với tổng vốn đầu tư 556 triệu USD.
Trong đó, các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và dịch vụ hàng hải, sản xuất điện, đầu tư kinh doanh khách sạn. Hội thảo sẽ mở ra cơ hội mới trong hợp tác giữa Hải Phòng với các đối tác vùng Flanders, tạo tiền đề để các doanh nghiệp của Vương quốc Bỉ, Việt Nam và thành phố Hải Phòng triển khai các hoạt động hợp tác thiết thực trong tương lai".
Bộ trưởng - Thủ hiến Chính phủ vùng Flanders (Bỉ) Jan Jambon cho biết, Vương quốc Bỉ nói chung và vùng Flanders nói riêng có rất nhiều thế mạnh và tiềm năng tương đồng với thành phố Hải Phòng. Đó là tiền đề để hai bên tăng cường hợp tác; cụ thể như các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp dịch vụ, logistics, năng lượng sạch, năng lượng thay thế, công nghiệp hóa dầu, vận tải. Đây cũng là dịp doanh nghiệp hai bên tìm hiểu nhu cầu và đánh giá về khả năng hợp tác trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các diễn giả, doanh nghiệp của vùng Flanders, Việt Nam và Hải Phòng trao đổi, làm rõ những thách thức đối với phát triển cảng biển nói chung, cảng biển Việt Nam, cảng biển Hải Phòng nói riêng; chia sẻ kinh nghiệm phát triển cảng biển; nhận định xu thế phát triển cảng biển trong tương lai.
Từ đó, tìm ra các giải pháp thúc đẩy cảng biển phát triển bền vững, trong đó, thúc đẩy phát triển cảng biển Việt Nam theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các diễn giả nhận định xu hướng phát triển cảng trong thời gian tới là xây dựng cảng xanh, tăng cường kết nối sau cảng, áp dụng công nghệ mới, xu hướng blue –logistics...
Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, Bruno Jaspaert chia sẻ tại Hội thảo, để phát triển cảng biển Việt Nam nói chung, cảng biển Hải Phòng nói riêng bền vững, trước hết cần tập trung một số giải pháp như đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển mạng lưới đường thủy nội địa; phát triển hệ thống vận tải đa phương thức, kết nối vận tải đường thủy nội địa phương với đường bộ, đường sắt; tăng tính kết nối giữa các cảng biển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hạ tầng cảng biển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Đặc biệt, cần nghiên cứu và phát triển Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D, các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm của Vùng Flanders để áp dụng vào Việt Nam".
Hội thảo cũng đã chứng kiến Lễ ký kết hợp đồng mua bán Chứng nhận năng lượng tái tạo giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng xanh DEEP C (Việt Nam) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Polarium Việt Nam (Thụy Điển). Cụ thể, Polarium Việt Nam sẽ mua Chứng chỉ năng lượng tái tạo từ DEEP C để trở thành Công ty đầu tiên trong Khu Công nghiệp DEEP C vận hành cơ sở của mình hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo (100% sử dụng năng lượng xanh).
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Công nghệ Camco (Camco Technologies NV, Vương quốc Bỉ) cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng (HHIT). Theo đó, Camco sẽ triển khai hệ thống OCR cổng tự động và hệ thống OCR cẩu giàn STS độc quyền tại HHIT. Thông qua việc hợp tác này, HHIT khẳng định mục tiêu liên kết chặt chẽ giữa cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam với thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google