Hải Phòng: Chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, thành phố Hải Phòng đã lên phương án, triển khai các biện pháp phòng, chống bão.

Công điện yêu cầu, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn.UBND các xã, phường, đặc khu tiếp tục rà soát, chủ động phương án sơ tán. Ảnh: Minh họa
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng yêu cầu tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống bão số 3
Nhận định bão số 3 là cơn bão được đánh giá là rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi, cường độ ảnh hưởng rộng và nguy hiểm. Để tiếp tục chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa có Công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, đặc khu và thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung ở cấp độ cao nhất, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão theo các nội dung chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ.
Công điện nêu rõ: Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão, lũ, mưa lớn gây ra.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, mưa lớn, lũ, bảo vệ an toàn về người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn để đảm bảo an toàn.
Công điện cũng yêu cầu, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn.
Ủy ban nhân dân các xã, phường, đặc khu tiếp tục rà soát, chủ động phương án sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các vùng ven biển, nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; đồng thời chuẩn bị phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu để đảm bảo ổn định đời sống cho người dân phải sơ tán.
Các địa phương kiểm tra, rà soát kỹ các công trình xung yếu, công trình đang thi công dở dang, các hồ chứa đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực, sẵn sàng vận hành điều tiết nhằm đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du khi có mưa lũ. Có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các đảo và khu vực ven biển; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách lưu trú trong trường hợp không thể di chuyển do ảnh hưởng của bão. Đồng thời, xây dựng phương án dự phòng ứng phó khi xảy ra sự cố mất điện lưới, đảm bảo duy trì công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt trong mọi tình huống.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; tuyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là du khách trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự thành phố (Sở Nông nghiệp và Môi trường) căn cứ diễn biến của bão, chủ động ban hành văn bản đình chỉ các hoạt động của tàu cá, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, ven biển, đảo và ven sông theo quy định.
Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm đảm bảo an toàn giao thông thủy, bộ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các phương tiện vận tải thủy, yêu cầu các tàu, thuyền neo đậu tại vị trí an toàn trước khi bão đổ bộ, đồng thời kiên quyết không cho phép hoạt động các bến đò ngang, đò dọc trong thời điểm bão ảnh hưởng đến đất liền. Chủ động theo dõi, ban hành thông báo cấm hoặc dừng hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, các bến phà, bến đò theo đúng thẩm quyền. Rà soát, kiểm tra các khu chung cư cũ, yếu, có nguy cơ mất an toàn, xây dựng phương án sơ tán người dân trước khi bão đổ bộ; chủ động phòng chống, cứu hộ, cứu sập nhà cửa.
Kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi, hồ đập, thực hiện phương án bảo vệ công trình trọng điểm, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố khi bão đổ bộ, mưa, lũ; thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố; bố trí nhân lực trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm "bốn tại chỗ".
Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, căn cứ diễn biến của bão để chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục dừng các hoạt động giảng dạy, tập trung học sinh, sinh viên; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, chằng chống công trình lớp học, cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên các cơ sở giáo dục.
Đề nghị Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Bắc chỉ đạo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện thủy neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các công trình kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra; chỉ đạo các doanh nghiệp cảng hạ thấp độ cao xếp tầng các container, cẩu trục để đảm bảo an toàn.
Gần 56.000 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân, Phòng cháy chữa cháy tại Hải Phòng sẵn sàng ứng trực phòng chống bão số 3
Tính đến 11 giờ ngày 20/7, toàn thành phố Hải Phòng đã thông báo, hướng dẫn 1.657 phương tiện với 4.668 lao động vào nơi tránh trú an toàn; cảnh báo gần 9.900 lồng bè và hơn 16.000 khách du lịch tại Cát Bà, trong đó có khoảng 2.500 khách quốc tế. Không còn tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm hay mất liên lạc.
Tại vùng nước cảng biển Hải Phòng, 71 phương tiện (trong đó có 31 tàu nước ngoài) với 690 thuyền viên đã neo đậu an toàn. Toàn bộ 114 xã, phường, đặc khu đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, xây dựng phương án sơ tán dân theo phương châm “bốn tại chỗ”, thiết lập nhóm Zalo kết nối trực tiếp với lãnh đạo xã, các sở ngành để điều hành nhanh chóng.
Thành phố Hải Phòng đã chủ động tiêu nước đệm, vận hành hồ chứa, hệ thống tiêu thoát; kiểm tra 75 điểm đê điều xung yếu; bảo vệ hơn 56.000ha lúa, gần 29.000ha cây ăn quả, 12.000ha rau màu, 21.000ha thủy sản và đàn vật nuôi (640.000 gia súc, 16 triệu gia cầm). Đã kiểm tra 180 khu chung cư cũ, trong đó có 59 chung cư cấp độ D nguy hiểm; hoàn thành cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị và lên phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công.
Các khu công nghiệp, cảng biển chủ động chằng chống, hạ thấp độ cao chất tầng container, neo buộc tàu thuyền. Ngành điện đảm bảo cấp điện ổn định, có phương án dự phòng; thông tin liên lạc thông suốt.
Thành phố Hải Phòng cũng đã rà soát 7.000 hộ dân (20.000 người) tại khu vực nguy hiểm sẵn sàng sơ tán khi có lệnh; chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, vệ sinh môi trường tại các điểm sơ tán. Về hậu cần, dự trữ hơn 1,1 triệu bao tải, 165.000m bạt, 47.000kg dây thép và nhiều vật tư thiết yếu khác. Gần 56.000 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân, Phòng cháy chữa cháy sẵn sàng ứng trực.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google