Hạ tầng giao thông và con người – yếu tố quan trọng để Cao Bằng phát triển mạnh thời gian tới

N.Cường
15:13 - 16/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, khu kinh tế cửa khẩu của Cao Bằng đã được phê duyệt quy hoạch vào tháng 3/2022, đây chính là động lực phát triển mới của tỉnh Cao Bằng. Đồng thời, hai yếu tố quan trọng để Cao Bằng phát triển mạnh thời gian tới là hạ tầng giao thông và con người.

Động lực phát triển mới của Cao Bằng

Theo VGP, sáng 16/1, trong chương trình công tác tại Cao Bằng, tại cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nghe Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh báo cáo về quy hoạch, định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng.

Theo quy hoạch, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích của 31 xã và 3 thị trấn biên giới (từ xã Cần Nông, huyện Hà Quảng đến xã Đức Long, huyện Thạch An). Quy mô lập quy hoạch khu kinh tế có diện tích khoảng 30.130ha.

Hạ tầng giao thông và con người – yếu tố quan trọng để Cao Bằng phát triển mạnh thời gian tới - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh báo cáo về quy hoạch, định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, khu kinh tế cửa khẩu của Cao Bằng đã được phê duyệt quy hoạch vào tháng 3/2022, đây chính là động lực phát triển mới của tỉnh Cao Bằng. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Cao Bằng triển khai một số nhiệm vụ như tiếp tục chủ động, tích cực xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển Việt Nam - Trung Quốc.

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có các tuyến đường cao tốc kết nối với Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Trong đó, hiện cầu Tà Lùng 1 nhỏ hẹp, Thủ tướng hoan nghênh tỉnh đã tiến hành xây dựng cầu Tà Lùng 2 và tuyến đường kết nối để xe container có thể qua được. Nghiên cứu xây dựng sân bay, phát triển hàng không, trước hết là trực thăng để có thể phục vụ nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng.

Phát huy nguồn lực con người

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị quan tâm xây dựng hạ tầng xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục để phục vụ người dân và các lực lượng thực thi nhiệm vụ yên tâm công tác. Xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch để tăng tính liên kết vùng, kêu gọi các nhà đầu tư, huy động hợp tác công tư, phát huy các vùng nguyên liệu, phát triển du lịch...

Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát huy nguồn lực con người với những phẩm chất như yêu nước, gắn bó với quê hương, thân thiện, hữu nghị, có trình độ và trách nhiệm được nâng cao, thông minh, sáng tạo.

Thủ tướng cũng lưu ý Cao Bằng khai thác, phát huy tốt hơn nữa thác Bản Giốc, khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Pó - nơi Bác Hồ trở về sau nhiều năm ra đi tìm đường cứu nước; đồng thời nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng để Cao Bằng phát triển mạnh thời gian tới là hạ tầng giao thông và con người.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, dự án đầu tư công quan trọng

Tiếp đó, Thủ tướng đã đi khảo sát thực địa, nghe báo cáo về tiến độ triển khai, các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết liên quan tới tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối Cao Bằng với Lạng Sơn - dự án đầu tư công quan trọng nhất của Cao Bằng trong nhiệm kỳ này, một trong những dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Hạ tầng giao thông và con người – yếu tố quan trọng để Cao Bằng phát triển mạnh thời gian tới - Ảnh 3.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối Cao Bằng với Lạng Sơn - dự án đầu tư công quan trọng nhất của Cao Bằng trong nhiệm kỳ này, một trong những dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Ảnh: VGP

Được triển khai theo hình thức đối tác công tư, dự án có chiều dài 121km, trong đó, trên địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52km và trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63km. Điểm đầu dự án tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn); điểm cuối tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Cùng với dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có ý nghĩa rất quan trọng, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc kết nối hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn với mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Đồng thời kết hợp với tuyến từ Lạng Sơn đi Tiên Yên - Quảng Ninh sẽ tạo ra trục giao thông kết nối trực tiếp Cao Bằng, Lạng Sơn ra biển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo hành lang phát triển kinh tế-xã hội, là không gian, động lực phát triển mới cho khu vực miền núi Đông Bắc.

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành 4 phân vùng, trong đó mỗi phân vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính, là những cực phát triển của phân vùng. Các trung tâm của phân vùng được kết nối trực tiếp với hệ thống cửa khẩu của Trung Quốc và kết nối với trung tâm kinh tế của tỉnh (thành phố Cao Bằng), các khu vực trong và ngoài tỉnh Cao Bằng thông qua các tuyến giao thông chính: đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, quốc lộ 3, quốc lộ 4, quốc lộ 34.

Vùng 1 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Tây), bao gồm các xã biên giới của huyện Hà Quảng; diện tích quy hoạch khoảng 4.018 ha, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 8.000 - 9.000 người, trung tâm là khu cửa khẩu - đô thị Sóc Giang.

Vùng 2 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Bắc) bao gồm khu vực các thôn xã của huyện Trùng Khánh; diện tích quy hoạch khoảng 8.134 ha, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 30.000 - 32.000 người; trung tâm là khu cửa khẩu - thị trấn Trà Lĩnh.

Vùng 3 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông Bắc), bao gồm các xã biên giới của huyện Hạ Lang; diện tích quy hoạch khoảng 3.346 ha, dân số đến năm 2040 khoảng 7.500 - 8.000 người; trung tâm là khu cửa khẩu Lý Vạn.

Vùng 4 (Vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông), bao gồm các khu vực biên giới của huyện Quảng Hòa và Thạch An; diện tích quy hoạch khoảng 14.632 ha, quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 51.000 - 53.000 người, trung tâm là cửa khẩu Tà Lùng - đô thị Phục Hòa.

(Quyết định 295/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040)

Bình luận của bạn

Bình luận