Hà Nội: Tạm giữ hình sự nam thanh niên trộm cắp tài sản trong đêm

Lam Linh
14:30 - 03/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Do thiếu tiền tiêu xài, Nguyễn Vũ Tâm (sinh năm 2000) đã tìm nhà dân có sơ hở để trộm cắp tài sản. Nam thanh niên này vừa qua đã bị Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi phạm tội.

Trộm cắp tài sản vì thiếu tiền chi tiêu cá nhân

Ngày 3/8, theo thông tin từ Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đơn vị đã tạm giữ hình sự Nguyễn Vũ Tâm (sinh năm 2000, có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Hà Nội: Tạm giữ hình sự nam thanh niên trộm cắp tài sản trong đêm - Ảnh 1.

Nguyễn Vũ Tâm đã bị cơ quan công an tạm giữ hình sự để điều tra về tội "Trộm cắp tài sản". Ảnh: CACC

Theo điều tra của cơ quan công an, do không có nghề nghiệp, thiếu tiền tiêu xài cá nhân nên Nguyễn Vũ Tâm đã nảy sinh ý định đi trộm cắp tài sản. Đêm ngày 25/7/2023, Nguyễn Vũ Tâm điều khiển xe máy từ nhà trọ ở ngõ 81 Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội đi đến khu vực quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 25/7/2023, khi đến khu vực ngõ 167 Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Nguyễn Vũ Tâm phát hiện một cửa hàng bán dụng cụ thể thao có cửa xếp khoá ngoài, không có người trông coi.

Ngay sau đó, Tâm liền lấy kìm cộng lực cắt khoá cửa, đột nhập vào bên trong lấy trộm 13 chiếc đồng hồ, 4 đôi dép và 1 chiếc máy tính xách tay. Tổng giá trị tài sản khoảng 125 triệu đồng. Số tài sản sau khi trộm cắp được, Tâm mang đi bán để lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã bắt giữ Nguyễn Vũ Tâm để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Tại cơ quan công an, Nguyễn Vũ Tâm đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Hiện Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.

Phạm tội trộm cắp tài sản bị xử lý như thế nào?

Trộm cắp tài sản được hiểu là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức khác để thu lợi bất chính từ giá trị tài sản đó mang lại. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội và xâm phạm quyền sở hữu của người khác.

Sự chiếm đoạt của hành vi trộm cắp tài sản này được thực hiện bằng hành vi lén lút, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của chủ thể quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan như chen lấn, xô đẩy,... để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Hậu quả của tội trộm cắp tài sản là gây ra thiệt hại về giá trị tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp. 

Lưu ý: Chỉ những giá trị tài sản bị trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm tội trộm cắp tài sản. Nếu tài sản trộm cắp có trị giá dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo các điều kiện khác như: gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hay tài sản trộm cắp là di vật, cổ vật... thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản 

Đối với cá nhân thực hiện hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, không gây ra hậu quả nghiêm trọng về giá trị tài sản (cụ thể là dưới 2.000.000 đồng) và chưa bị kết án về các tội về chiếm đoạt tài sản thì chỉ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể tại điểm a, khoản 1, điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp tài sản. Theo quy định này, trộm cắp tài sản là hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác.

Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự

Theo điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Trộm cắp tài sản" có 4 khung hình phạt như sau:  

Khung 1:

Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

- Tài sản là di vật, cổ vật.

Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

- Hành hung để tẩu thoát;

- Tài sản là bảo vật quốc gia;

- Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, tùy thuộc vào thiệt hại về tài sản và mức độ nghiêm trọng của hành vi trộm cắp tài sản gây ra; các tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì áp dụng khung hình phạt phù hợp theo quy định pháp luật.