Hà Nội: Nhiều giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông năm 2023
Trong năm 2022, Hà Nội đã xử lý được 8/35 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, đã xử lý được 20/26 điểm đen về tai nạn giao thông đảm bảo việc đi lại của nhân dân trong và ngoài thành phố.
Nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sáng 13/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, nguyên nhân ùn tắc giao thông trên địa bàn là do quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khi số lượng phương tiện giao thông tăng hàng năm.
Mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường đông Tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện đông, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông khi có tai nạn.
Quá trình tổ chức thi công các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, chưa có thói quen tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ cũng là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc giao thông.
Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng để giảm ùn tắc giao thông
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, năm 2023 Thành phố tiếp tục lấy chủ để phát triển đô thị là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".
Để giảm ùn tắc, hoàn thành hạ tầng giao thông theo quy hoạch, Thành phố thực hiện 6 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được xác định là trọng tâm quan trọng đầu tiên.
Thành phố tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như quốc lộ 1, quốc lộ 6; các tuyến đường có tính kết nối như Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho hay, hiện nay, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%. Trong khi đó, hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm.
Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để đảm bảo giao thông, tỷ lệ diện tích đất cho giao thông phải đạt từ 20%-26%; diện tích đất cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt được từ 50-55%.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google