Hà Nội đạt nhiều thành tích trong đợt tổng rà soát phòng cháy, chữa cháy

PV
12:24 - 27/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chiều 26/12, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết đợt rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố và triển khai Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 24/10/2022 về thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Hà Nội đạt nhiều thành tích trong đợt tổng rà soát phòng cháy, chữa cháy  - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Anninhthudo


Những con số đáng ghi nhận

Tính đến ngày 12/12/2022, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn thành phố là 159.990. Kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy  và cứu nạn cứu hộ cho thấy, các đơn vị đã kiểm tra 160.212 lượt cơ sở (đạt 100,16% chỉ tiêu), trong đó, kiểm tra 19.986/19.955 lượt cơ sở do cơ quan Công an quản lý (đạt 100,16% chỉ tiêu); 140.224/140.035 lượt cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý (đạt 100,14% chỉ tiêu); 42.393 cơ sở đảm bảo các điều kiện phòng cháy chữa cháy; 10.188 cơ sở phải dừng hoạt động. Lực lượng chức năng thành phố đã xử phạt 7.334 cơ sở, 9.037 hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy, phạt tiền trên 72 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.678 cơ sở; đình chỉ 1.304 cơ sở; ban hành 31.950 văn bản kiến nghị về phòng cháy chữa cháy. Sau 2 tháng triển khai thực hiện, Hà Nội đã hoàn thành trước thời hạn 100% chỉ tiêu rà soát, kiểm tra theo yêu cầu của Bộ Công an.

Tính đến ngày 15/12/2022, Hà Nội có tổng số 1.624.477 nhà ở hộ gia đình, trong đó, có 1.499.415 nhà ở riêng lẻ, 125.062 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị đã vận động, hướng dẫn 125.062/125.062 (đạt 100%) các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh mở "lối thoát nạn thứ 2". Về kết quả kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, các đơn vị đã kiểm tra, rà soát 100% cơ sở.

Nhiều nhiệm vụ quan trọng trước mắt

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn biểu dương, đánh giá cao các đơn vị của thành phố đã vào cuộc quyết liệt trong đợt tổng rà soát, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thời gian qua.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy chữa cháy  và cứu nạn cứu hộ để triển khai thực hiện đồng bộ.

Đối với việc khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào hoạt động và công trình sai phạm về xây dựng, đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo quyết liệt, phải có giải pháp để giải quyết căn cơ và bài bản về vấn đề này.

Trước, trong và sau Tết Dương lịch 2023, Tết Nguyên đán Quý Mão, các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố khi xảy ra cháy nổ trên địa bàn.

Nỗ lực lớn của Công an Thành phố Hà Nội

Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an Thành phố Hà Nội): "Thực hiện kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Công an Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ. Qua đó, tính đến ngày 12-12-2022 đã hoàn thành trước thời hạn 100% chỉ tiêu rà soát, kiểm tra theo yêu cầu".

Được biết, ngay sau khi nhận được Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10/2022 của Bộ Công an, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 273/KH-CAHN-PC07 ngày 13/10/2022 và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đồng loạt đến 30 Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chủ tịch, Trưởng Công an 579 xã, phường, thị trấn; chính thức ra quân tổng kiểm tra từ ngày 15/10 theo đúng chỉ đạo của Bộ Công an. Đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành văn bản số 3447/UBND-NC ngày 17/10/2022 để chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đồng loạt vào cuộc.

Để việc triển khai chiến dịch 60 ngày đêm đảm bảo hiệu quả, Công an Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị công an quận, huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải rà soát, lập danh sách tổng số cơ sở thuộc diện quản lý, đăng ký chỉ tiêu kiểm tra theo từng ngày, từng tuần để thực hiện.

Công an Thành phố đã thành lập 6 tổ công tác thường xuyên, giám sát từng quận, huyện, thị xã để hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai của công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, công an cấp xã.

Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của các đơn vị, thường xuyên tổng hợp, báo cáo, đôn đốc, chấn chỉnh cũng như tăng cường tuyên truyền triển khai Kế hoạch 513/KH-BCA-C07 của Bộ Công an với mục đích nhằm tạo sự ủng hộ, đồng tình, cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền và toàn dân trong đợt tổng kiểm tra, rà soát.

Riêng đối với loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường, hiện có 1.520 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó có 23 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ theo Phụ lục II Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; 742 cơ sở do cơ quan công an quản lý; 778 cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Riêng cấp cơ sở do Ủy ban nhân dân xã, phường quản lý, qua kiểm tra, rà soát tính đến ngày 12/12/2022, đã tổ chức kiểm tra 3.256 lượt cơ sở, xử phạt 415 trường hợp, phạt tiền trên 3.8 tỷ đồng; tạm đình chỉ 193 cơ sở, đình chỉ 554 cơ sở, đồng thời ban hành, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp quận ban hành 1.081 văn bản yêu cầu các cơ sở dừng hoạt động để khắc phục các tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy; 439 cơ sở tự gửi văn bản thông báo cơ quan quản lý dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục các yêu cầu không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy.


Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận