Hà Nội đã xử lý hơn 5.900 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

H.Ngọc
08:30 - 03/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ban Chỉ đạo 197 (Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) vừa có báo cáo kết quả giai đoạn 1 và 15 ngày giai đoạn 2 thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, công cộng trên địa bàn thành phố.

Nêu tên hàng loạt quận, huyện còn tồn tại vi phạm trật tự đô thị 

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, các đơn vị thực hiện tổng kiểm tra trật tự đô thị theo nguyên tắc triển khai phải kiên trì, bài bản và tổ chức thực hiện tuân thủ với 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (từ ngày 15-28/2/2023). Giai đoạn 2, ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ 1-30/3/2023) và giai đoạn 3 là giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ 30/3-1/11/2023).

Hà Nội đã xử lý 5.921 trường hợp vi phạm trật tự đô thị - Ảnh 1.

Đỗ xe vi phạm trên vỉa hè trước cổng Trường Trung học cơ sở Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Ảnh: Cổng TTĐT Công an Hà Nội

Kết thúc giai đoạn 1 và 15 ngày của giai đoạn 2, với yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức “cuốn chiếu” làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm, bộ mặt đô thị của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Với các trường hợp chống đối được lực lượng chức năng kiên quyết cưỡng chế, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật.

Về trật tự an toàn giao thông, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 14.252 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền 9,7 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là nồng độ cồn, dừng đỗ sai quy định, vi phạm về tải trọng.

Về vi phạm về trật tự đô thị, đã kiểm tra, xử lý 5.921 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền 2,65 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa. Trong đó cưỡng chế vi phạm đối với 310 trường hợp, xử lý 35 trường hợp tái phạm.

Ban Chỉ đạo 197 cho biết một số đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý cao là: Hoàng Mai (959 trường hợp), Nam Từ Liêm (659 trường hợp), Hà Đông (540 trường hợp), Thanh Trì (448 trường hợp).

Ban Chỉ đạo 197 đã nêu tên hàng loạt quận, huyện có những tuyến phố còn tồn tại vi phạm trật tự đô thị và yêu cầu khắc phục; đồng thời có văn bản nhắc nhở Trưởng ban Chỉ đạo 197 các quận về tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị (có các tuyến phố kèm theo). Đó là quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân,...

Lập quy hoạch quản lý, giải quyết căn cơ vấn đề trật tự vỉa hè, lòng đường

Ngày 31/3/2023, thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân thành phố với lãnh đạo quận, huyện, thị xã Quý I/2023.

Phát biểu kết luận Hội nghị, về vấn đề trật tự đô thị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đinh Tiến Dũng nêu rõ: “Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch; từ thiếu công khai, minh bạch nên dân cứ tràn ra, tràn vào sau mỗi lần ra quân." Vì vậy cần phải có các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”. Thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại không thể cứ quanh năm đi dẹp vỉa hè, lòng đường.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới. Nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp... 

Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của người dân thì tiến hành “số hóa” để tổ chức thực hiện; trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay.