Hà Nội đã xử lý 28 vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng năm 2022

N.Cường (TH)
15:35 - 15/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tập trung chỉ đạo xử lý 28 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Trong đó thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng và 15 đảng viên.

Chiều 14/12, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức phiên họp thứ hai thảo luận, cho ý kiến đối với 4 báo cáo và Chương trình công tác trọng tâm của Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo năm 2023.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhìn nhận: Từ đầu năm 2022 đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, đạt được kết quả cụ thể.

Hà Nội đã xử lý 28 vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng năm 2022 - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức phiên họp thứ hai thảo luận, cho ý kiến đối với 4 báo cáo và Chương trình công tác trọng tâm của Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo năm 2023. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Xử lý 28 vụ việc tham nhũng, tiêu cực

Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xử lý 28 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025" với 10 tổ chức Đảng, 10 đảng viên.

Đồng thời, thành lập đoàn khảo sát, đánh giá thực hiện Đề án 56-ĐA/BCĐ ngày 25/11/2019 về "Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố Hà Nội" đối với 7 đơn vị; giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố đối với 10 tổ chức Đảng, 12 đảng viên...

Kỷ luật 1 tổ chức Đảng, 15 đảng viên

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức Đảng và 7 đảng viên; tiếp tục kiểm tra đối với 6 tổ chức Đảng và 5 đảng viên; thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng và 15 đảng viên; trực tiếp kiểm tra 3 tổ chức Đảng đơn vị y tế và chỉ đạo kiểm tra 5 tổ chức Đảng đơn vị y tế trong nhóm vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á...

Các cơ quan hành chính thành phố đã triển khai 339 cuộc thanh tra, kết luận 201 cuộc; qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 33,9 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 61 tập thể và 85 cá nhân...

Xét xử 105 bị cáo tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ

Các cơ quan tố tụng thành phố Hà Nội đã khởi tố, điều tra 35 vụ/45 bị can, truy tố 20 vụ/42 bị can, xét xử sơ thẩm 41 vụ/105 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 9 vụ án/12 bị can.

Đặc biệt, Tòa án nhân dân thành phố đã đưa ra xét xử sơ thẩm 7 vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phân công cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố thực hành quyền công tố.

Đây đều là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; kết quả xét xử vụ án theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là "Không có ngoại lệ, không có vùng cấm", được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ...

Còn một số hạn chế, tồn tại trong phòng, chống tham nhũng

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đã chỉ rõ 4 hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại thành phố như: Một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý; công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu...

Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn còn hạn chế, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra. Công tác thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 7 vụ việc, vụ án; Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chuyển Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo 11 vụ việc, vụ án; giao Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức theo dõi, chỉ đạo 1 vụ án và Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, đôn đốc thực hiện; bổ sung 2 vụ việc, vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Như vậy, đến nay, Ban Chỉ đạo đã đưa 22 vụ việc, vụ án vào diện tập trung theo dõi, chỉ đạo theo kiến nghị cơ quan Thường trực và các cơ quan tư pháp thành phố.

Trong Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%, 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97% (khởi tố 501 vụ với 1.211 bị can).

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán như vụ Vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; Vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Louis Holdings; Vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA.

(Cổng TTĐT Bộ Công an)