Hà Nội bỏ quy định cấm tách thửa, phân lô

Quang Minh
16:16 - 28/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội vừa có văn bản 2869 về việc bãi bỏ văn bản 1685 trái luật, yêu cầu các địa phương tiếp nhận, giải quyết thủ tục tách, hợp thửa theo quy định để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người mua đất.

Lý do tạm đóng hoạt động phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp...

Trước đó, theo phản ánh của một số địa phương, người dân, doanh nghiệp cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng phân lô, chia tách thửa đất, san lấp đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng diễn ra tại một số quận, huyện, thị xã. 

Để ngăn chặn tình trạng tùy tiện phân lô, tách thửa, chống nhiễu loạn thị trường bất động sản, tháng 3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp theo tinh thần công văn số 1685. 

Theo đó, Hà Nội tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở cho đến khi thành phố có quy định cụ thể.

Cụ thể, Sở yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/1/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2. 

Các loại thửa đất bao gồm thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất. 

Đồng thời, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và điều kiện cụ thể tại địa phương để đề xuất, kiến nghị cụ thể về các nội dung. 

Trong đó, quy định các chi tiết cụ thể như: điều kiện thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại địa phương (gồm thửa đất ở, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất trồng cây hàng năm; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất đất nuôi trồng thủy sản; đất nông nghiệp khác).

Các trường hợp không được phép tách thửa đất; việc quản lý đối với thửa đất có diện tích, kích thước nhỏ hơn mức tối thiểu; việc quản lý đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông sử dụng chung trên diện tích đất không phải là đất ở.

Nay mở quy định cho phép phân lô, tách thửa trở lại

Ngày 26/4 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 2869 về việc bãi bỏ văn bản 1685. Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.

Có được quyết định này là cơ sở giữa trao đổi, xem xét đề nghị của Bộ Tư pháp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị tự kiểm tra, xử lý công văn số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa.

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp việc tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần xem xét và thực hiện đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. 


Bình luận của bạn

Bình luận