Góp ý sửa luật - mở rộng cánh cửa cho ngành dầu khí

Thế Vinh
00:59 - 14/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) lần đầu được trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Góp ý sửa luật - mở rộng cánh cửa cho ngành dầu khí - Ảnh 1.

Người lao động dầu khí làm việc trên dàn khoan mỏ Chim Sáo. Ảnh: PVN

Việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan sẽ giúp "mở cánh cửa mới" cho ngành dầu khí Việt Nam nói riêng, cho hành trình phát triển năng lượng của đất nước nói chung.

Gỡ nút thắt cơ chế

Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 6.7.1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, nhất là dầu thô; sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm giai đoạn 2016 - 2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí (là tỷ lệ giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác) suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu; các mỏ mới được phát hiện có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp; môi trường đầu tư dầu khí ngày càng khó khăn, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí mới được ký kết; giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro… Khai thác khí đốt trong nước còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy tương xứng.

Bên cạnh những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, khó khăn trong cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò khai thác. Hoạt động dầu khí là hoạt động có tính đặc thù nhưng không phải tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động dầu khí đã được quy định trong Luật Dầu khí hiện hành. 

Trong quá trình triển khai các dự án dầu khí, trường hợp Luật Dầu khí chưa có quy định hoặc quy định nhưng chưa bao trùm được một số vấn đề thực tế mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, các chủ thể liên quan được yêu cầu thực hiện trên cơ sở tham chiếu các quy định tại các Luật khác. Tuy nhiên, các quy định tham chiếu đó thường không phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí nên rất khó trong quá trình vận dụng hoặc thực hiện.

Mặt khác, quy định của các văn bản pháp luật mới được ban hành trong một số trường hợp chưa phù hợp với quy định của các hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước đó hoặc không thống nhất, đặc biệt là các quy định có ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nhà đầu tư nên rất khó khăn trong việc hướng dẫn nhà thầu thực hiện nghĩa vụ tại thời điểm phát sinh, tiềm ẩn các rủi ro pháp lý. 

Trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của các Hợp đồng Dầu khí, các nhà thầu Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) hoặc doanh nghiệp 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí - PVEP) bên cạnh việc phải tuân theo các quy định của Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí như các nhà thầu nước ngoài khác, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật khác của Việt Nam như Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp... Do có sự khác biệt này nên quá trình triển khai các dự án dầu khí của PVN và PVEP trong thời gian vừa qua đã gặp một số vướng mắc, đặc biệt liên quan đến các thủ tục đầu tư đối với dự án dầu khí. 

Theo các chuyên gia, nếu không sớm sửa đổi, tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách, rất khó có thể hiện thực hóa giá trị tài nguyên dầu khí thành nguồn lực để phát triển kinh tế.
Tạo hành lang pháp lý toàn diện, đồng bộ

Ủy ban Kinh tế đánh giá rằng, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước từ khi Luật Dầu khí được ban hành lần đầu năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và 2018 cho tới nay đã có nhiều thay đổi. Do đó, ngành công nghiệp dầu khí cần có những bước chuyển biến toàn diện, đồng bộ và cần có sự cải cách, từ cách thức quản lý nhà nước đến việc ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại đối với các hoạt động dầu khí theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý, giảm bớt các đầu mối và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi).

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế, chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.

Góp ý sửa luật - mở rộng cánh cửa cho ngành dầu khí - Ảnh 3.

TS. Võ Trí Thành: Cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế, chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư. Ảnh: PVN

Một trong những nội dung sửa đổi của Luật lần này đó là hài hòa các quy định, đặc biệt quy định của Luật Dầu khí với các Luật có liên quan. Có hai thay đổi lớn, một là dự thảo luật có mong muốn làm rõ nếu như có các quy định khác nhau thì nên áp dụng quy định nào, nguyên tắc đưa ra là sẽ áp dụng quy định của Luật Dầu khí. Thêm nữa, dự thảo đã bắt đầu thiết kế những quy định cho dự án dầu khí theo chuỗi, bao gồm rất nhiều hoạt động, nhằm giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện và triển khai hoạt động dầu khí. Đây là nội dung rất quan trọng nhưng về mặt kỹ thuật cũng sẽ có những thách thức và ban soạn thảo cần rà soát, quy định càng chi tiết càng tốt, mang tính khả thi có thể áp dụng được.

Tạo cơ chế để thu hút đầu tư

Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này là tăng cường thu hút đầu tư, để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai.

Theo thông tin về dự thảo Luật, Bộ Công thương cho biết, lần sửa đổi này đã bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (giao Chính phủ quy định chi tiết). Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất, thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm. Đáng chú ý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí từ 25% - 50% và tài nguyên quý hiếm khác từ 32% - 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định thời hạn hợp đồng theo hướng linh hoạt cho nhà thầu đang thực hiện hợp đồng, thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí. Đồng thời, mở rộng diện tích, việc hoàn trả, giữ lại diện tích hợp đồng dầu khí theo hướng linh hoạt hơn, nghĩa vụ tài chính về chuyển nhượng quyền lợi tham gia (trực tiếp, gián tiếp) trong hợp đồng dầu khí theo hướng rõ ràng hơn…

Đánh giá cao những sửa đổi của Luật Dầu khí lần này là nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm cho dự án, hoạt động dầu khí được triển khai một cách có hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính, chi phí thời gian, theo các chuyên gia, nếu có một môi trường kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí hấp dẫn, hiệu quả, giảm chi phí hơn cho nhà đầu tư thì đó cũng là một cơ chế thu hút đầu tư. Các biện pháp ưu đãi trực tiếp cho các hoạt động dầu khí, khi thiết kế Luật lần này có rất nhiều thay đổi.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay có rất nhiều chính sách, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hoạt động về thu hút đầu tư. Ví dụ như hiện đang thảo luận về thuế tối thiểu toàn cầu, ban soạn thảo đã nghiên cứu, đưa ra một số cơ chế về ưu đãi đầu tư, tính đến cạnh tranh với khu vực, thế giới như đã giảm thuế dành cho các hoạt động dầu khí để tương ứng với mức trong khu vực; giảm thuế xuất khẩu đối với dầu khí để tăng tính cạnh tranh…

Bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh), trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu thô đã giảm dần trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí suy giảm ở mức báo động, trữ lượng mỏ hiện hữu đã vào các giai đoạn giảm sâu; cần có các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cũng như có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Ý kiến ĐBQH cho rằng, trong quá trình hoàn thiện thể chế; nhiều chính sách, nhiều luật mới được ban hành có liên quan đến Luật Dầu khí và hoạt động dầu khí như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp hay Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các luật khác cũng có tác động. Cho nên việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết.

Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo giữ tên gọi của dự án luật là Luật Dầu khí (sửa đổi) bảo đảm tính kế thừa liên tục của pháp luật về dầu khí, không làm ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí đã ký kết, đặc biệt là không để xảy ra những sự hiểu lầm đối với các nhà thầu hiện hữu.