Góc nhìn cử tri về Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và đề xuất giải pháp chống úng ngập ở Hà Nội

Nguyễn Năng Lực
11:59 - 01/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dự luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định 18 hành vi được coi là bạo lực. Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hàng loạt hành vi từ thực tiễn. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng đề xuất giải pháp chống úng ngập ở Hà Nội. Đây là những vấn đề nổi bật đang thu hút sự quan tâm của cử tri.

 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào ngày 23/5 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 19 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 16/6/2022).

Bổ sung một loạt hành vi được coi là bạo lực gia đình và giải pháp chống úng ngập ở Hà Nội - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên khai mạc

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ  xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác.

Diễn biến kì họp Quốc hội được truyền trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình quốc gia, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi.

Bên cạnh sự hài lòng, tin tưởng ở các đại biểu với những ý kiến phát biểu có chất lượng, có trí tuệ, thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri về những vấn đề quốc kế dân sinh trọng đại để đưa đất nước tiếp tục phát triển, cử tri còn băn khoăn về ý kiến của một số đại biểu, cũng như một số vấn đề mà đại biểu kiến nghị, theo cử tri là chưa thiết thực, chưa xứng tầm.

Phiên thảo luận tại tổ về Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 30/5 ghi nhận rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi được coi là bạo lực gia đình, bên cạnh 18 hành vi đã được quy định trong dự thảo. 

Giám đốc Sở Tư pháp Long An Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, "khi về nhà, chồng im lặng suốt không nói gì, hoặc không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có…”. Theo bà, đây là những hành vi rất khó nhận biết nhưng cần đưa vào luật để áp dụng hiệu quả.

Đại biểu Trình Lam Sinh, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị bổ sung một số hành vi mang tính "bạo lực tinh thần", ví dụ chồng tối ngày đi nhậu, để vợ ở nhà…

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề: “Sức ép của các bà vợ cứ bảo chồng phải đi làm cho thật nhiều tiền, rồi phải lên chức nọ chức kia, đấy có phải hình thức bạo lực không?”. Theo ông, đó cũng là câu chuyện đặt ra để tính toán khi làm luật.

Đại biểu Lê Minh Nam đề nghị ban soạn thảo bổ sung các hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần thành viên trong gia đình như vợ chồng kiểm tra tin nhắn của nhau, so sánh con với bạn khác...

Là người rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, theo dõi ý kiến các đại biểu về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, cử tri Lê Văn Tám ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa cho rằng, các đại biểu đã tỏ ra thấu hiểu thực tế đời sống, nhưng nếu liệt kê những hành vi được cho là bạo lực gia đình như thế, có lẽ kể suốt ngày không hết, nếu đưa vào luật thì khó diễn giải, trong khi luật phải có tính khái quát cao. Vấn đề là đại biểu cần có tầm trí tuệ cao, góp phần thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội một cách hiệu quả.

Cử tri Nguyễn Thị Mai ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho biết: Chồng tôi thỉnh thoảng cũng nói đùa, chê tôi không bằng người này người khác, nhưng tôi biết là anh ấy trêu thôi. Bây giờ đưa vào luật, cấm không được so sánh vợ với người khác, tôi e là không khí gia đình có khi lại nặng nề, mất cả ý nhị. Giả sử đại biểu nghĩ ra hành vi nào khác nữa, đề nghị đưa vào luật để cấm, thì không biết đến bao giờ mới hết cấm. Mâu thuẫn gia đình, nếu có, thì với sự giúp đỡ của người thân, của các tổ chức quần chúng ở địa bàn, tôi nghĩ là sẽ giải quyết được một cách thấu tình đạt lý.

Một cử tri đề nghị giấu tên ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho rằng, những ý kiến của đại biểu khi kể ra những hành vi được cho là bạo lực không sai, nhưng một số phóng viên, cơ quan truyền thông khi đưa tin đã giật tít theo kiểu câu view, câu like, và nhiều ý kiến trên mạng xã hội có vẻ quá khích, thiếu tính xây dựng. Vấn đề của đại biểu, của Quốc hội là khi xây dựng luật cần cô đọng, bao quát được vấn đề mà luật đề cập đến, chứ nếu cứ kể lể, thống kê từng hành vi cụ thể thì dài dòng văn tự, không phải hình thức luật

Trong những ngày qua, tình trạng ngập lụt liên tục diễn ra tại Hà Nội. Cơn mưa lớn chiều 29/5 đã khiến hầu hết các con đường trong nội đô trở thành “sông”. Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội ngày 30/5, về việc Hà Nội có nên lập dự án chống ngập như TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, Hà Nội cần có một dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu về các hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa như thế này. Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp chống ngập theo kinh nghiệm của nước ngoài. Ông đề xuất, "có thể điều chỉnh van trong hệ thống để dẫn nước vào các trường học, sân vận động, cánh đồng, để những nơi này, trở thành nơi chứa nước tạm thời để tránh ngập cho những nơi xung yếu”. 

Ý kiến của Bộ trưởng dường như chưa tìm được sự thông cảm đầy đủ của cử tri. Cử tri Nguyễn Khắc Nguyệt ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm cho biết, trước đây đã có ý kiến một đại biểu đề xuất mỗi gia đình  sắm một cái lu chứa nước để chống ngập úng, nay bộ trưởng đưa ra ý tưởng đào đường ngầm, hầm ngầm chứa nước. Điều ấy, ở nước ngoài người ta làm được, vì người ta có quy hoạch đô thị một cách khoa học. Giải phấp ấy không sai, nhưng trong hoàn cảnh nước ta, hoàn cảnh đô thị Việt Nam hiện nay thì khá viển vông.  Không lẽ tầm bộ trưởng, tư lệnh ngành chỉ lo tính đến giải pháp tình thế, mà giải pháp ấy liệu có khả thi, trong khi vai trò quản lí nhà nước của các bộ, ngành ở đâu mà để đến nỗi quy hoạch xây dựng phá vỡ môi trường sinh thái, gây hệ lụy cho dân sinh?

Những dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Những dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).


Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận