Một góc nhìn về văn hóa giao thông
Văn hóa giao thông, chuyện không mới, nhưng không bao giờ hết nóng: bởi việc tham gia giao thông trên đường diễn ra hàng ngày. Khi xã hội càng phát triển, càng có thêm nhiều người/nhiều phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, tham gia có văn hóa hay không lại là chuyện khác.
Nhìn đàn chim bay trên trời, đàn cá bơi dưới nước rất trật tự và ngăn nắp. Ảnh minh họa: IT.
Có thể nói, việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là điều tất yếu kéo theo nhu cầu tham gia giao thông tăng ngày một cao tại các thành phố. Quá tải, vi phạm, thiếu văn hóa ứng xử văn minh trên đường không còn là chuyện ít xảy ra. Trong khi đó, rất nhiều chủ phương tiện, từ xe ôm công nghệ tới những chiếc xe sang trọng, đắt tiền đều ngang nhiên vi phạm các quy định giao thông tối thiểu... Điều này khiến chúng ta cần xem lại và cùng nhau suy ngẫm.
Văn hóa "điền vào chỗ trống"
Ở Hà Nội và một số thành phố lớn hiện nay, khi di chuyển trên đường, nhiều người cứ thấy chỗ trống là điền vào, mặc dù không cần biết đó là đường cấm, làn ngược, hay phải vòng lên để cắt dòng người khác. Khi đã di chuyển, nhiều người đi theo kiểu "đi được là đi" - không quan tâm ai đang ra tín hiệu, ai đang xin vượt, ai đang di chuyển đúng làn mà bị họ chặn ngang... Thật đáng buồn thay, đó là văn hóa "điền vào chỗ trống" đang rất thịnh hành với người tham gia giao thông tại nhiều thành phố lớn.
Nếu đứng quan sát trên một ngã ba khu vực Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội (đoạn rẽ ra đường Thanh Niên), bạn sẽ thấy có nhiều người vì muốn đi nhanh hơn khi thấy đèn đỏ không đỗ lại, tìm các "lối thoát" lấn lướt các phương tiện đang dừng đỗ, bằng mọi giá phải vòng sang đường đang có làn xanh thay vì chỉ cần đứng đợi vài chục giây đèn đỏ thì sẽ không cắt ngang dòng người đang di chuyển. Việc này diễn ra thường xuyên tại nhiều tuyến phố Hà Nội, gây ra rất nhiều nguy hiểm cho dòng phương tiện đang di chuyển đúng làn, và cho chính bản thân người đi sai làn.
Ở rất nhiều nút giao trong nội thành, khi có làn xe được phép rẽ phải như cuối Văn Cao, Hàng Đậu, Tôn Đức Thắng, Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong... Mặc dù đã có biển treo, vạch kẻ đường ưu tiên cho các phương tiện được phép rẽ phải. Tuy nhiên, rất nhiều người trong làn rẽ phải chật vật khi di chuyển, thậm chí "đứng yên" không nhúc nhích khi bị chặn bởi các xe dừng đỗ đèn đỏ không tuân thủ quy định phần đường. Thậm chí, cả xe ô tô cũng vi phạm. Những trường hợp này đã gây ra rất nhiều bức xúc, thậm chí dẫn tới "choảng" nhau khi tham gia giao thông.
Có câu nói: "Nhường nhau không phải là hèn - Nhường nhau để khỏi lách, lèn, kẹt xe". Nếu là người thông minh, bạn hoàn toàn nhận ra rằng, việc nhanh hơn vài giây chẳng giải quyết được việc bạn có được việc hay không. Nếu bạn chịu khó nhường nhịn người khác, thì sẽ không phải thiệt thân, thậm chí mất mạng.
Thực tế, đã có rất nhiều vụ việc bất đồng xảy ra giữa những người tham gia giao thông trên đường phố. Đáng buồn thay, việc này lại diễn ra thường xuyên cho thấy văn hóa giao thông đang đáng báo động. Hình ảnh người tham gia giao thông từ tuổi thanh niên đến người già, lớn tuổi đều có thể dễ dàng to tiếng, cãi nhau, rồi dẫn đến ẩu đả không còn hiếm. Thậm chí, đã có nhiều người phải đổi mạng chỉ vì những hành vi vi phạm văn hóa giao thông tối thiểu, từ những va chạm nhỏ dẫn tới không giữ được bình tĩnh dẫn tới gây gổ, hành hung với những đòn "xử lý" nhau chí mạng.
Tài xế xe thường thích "đi tắt"
Một bộ phận không nhỏ tham gia giao thông trên các tuyến đường trong thành phố hiện nay là đội ngũ tài xế các hãng xe công nghệ. Họ mặc áo đồng phục nhưng không di chuyển theo quy định giao thông đã gây ra những hình ảnh khó chấp nhận trên các tuyến phố. Luôn vội vã đón/trả khách bất kỳ mọi nơi, mọi ngõ ngách; ngang nhiên đi ngược chiều; phóng nhanh/vượt ẩu không có tín hiệu đèn. Chưa kể, nhiều loại xe đã quá cũ, không đạt chuẩn tham gia giao thông đã gây ra rất nhiều nguy hiểm cho người đi đường.
Không khó để bắt gặp hình ảnh những tài xế công nghệ ngang nhiên vi phạm luật giao thông trên những tuyến phố Hà Nội. Thường thì khi được hỏi, những người lái xe công nghệ đều cho rằng, bộ phận xử lý vi phạm thường "thông cảm, bỏ qua" những tài xế mặc áo lái xe công nghệ. Có lẽ vì đối tượng làm công vất vả trên đường này có phần được nương nhẹ, nên họ có quyền vi phạm luật giao thông chăng?
Quan sát trên tuyến đường vành đai khu vực Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều lái xe công nghệ đi ngược chiều, phóng trên vỉa hè ngay cả khi đang chở khách để có thể di chuyển nhanh hơn. Họ không biết rằng, bản thân tài xế công nghệ cần hơn ai hết phải lái xe an toàn, giữ uy tín và thương hiệu cho các hãng xe công nghệ. Một người vi phạm sẽ có rất nhiều "cộng sự" của họ vi phạm và ảnh hưởng rất lớn tới khách hàng, sự tồn tại của đội ngũ và sự an toàn của cả xe lẫn khách.
Phương tiện thô sơ, người đi bộ... như những "hung thần"
Có thể nói, một trong các đối tượng tưởng chừng nhỏ nhưng góp phần thiếu ý thức rất lớn khi di chuyển trên đường là đội các xe thô sơ (xe đạp, xe đạp điện, xe ba gác, xe ba bánh...), thậm chí là cả người đi bộ... đều vi phạm.
Vạch kẻ đường sinh ra ở nhiều đô thị có lẽ cũng chỉ là cái vạch kẻ đường! Việc người dân sinh sống xung quanh khu vực có sử dụng vạch kẻ đường mà đi không lại là chuyện khác. Sống ở địa bàn, chỗ nào ngắn nhất, gần nhất là ta đi, bất chấp chỗ đó có được phép đi hay không, có đủ an toàn hay không... Thật đáng tiếc là nhiều trường hợp đi bộ không đúng phần đường dành cho người đi bộ đã gây ra rất nhiều trở ngại và nguy hiểm, thậm chí tai nạn cho những người tham gia giao thông trong các giờ cao điểm tại Hà Nội.
Có thể nói, người đi bộ cũng chính là chủ các phương tiện giao thông bằng cơ thể và mạng sống của mình. Khi di chuyển trên đường, không có bất cứ sự chú ý nào là chính họ sẽ bị nguy hiểm nếu không đi vào đúng khu vực của mình. Rất cần những ý thức tham gia giao thông một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp và văn minh.
Ở một góc khác, mặc dù trong những ngày Hà Nội đang quyết tâm dành lại vỉa hè cho người đi bộ, văn hóa đỗ xe không lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường cũng cần được nhiều người dân ý thức chấp hành nghiêm chỉnh. Trong khi hệ thống phương tiện giao thông ngày một quá tải, thì các lực lượng chức năng cũng không thể xử lý hết được những tồn tại những khu vỉa hè không còn một chỗ trống.
Nhìn những hình ảnh phương tiện đỗ xe tùy tiện trên các vỉa hè ở ngay quận trung tâm Hà Nội mà... ngao ngán! Nếu vỉa hè chỉ dành cho người đỗ xe thì thật khó cho người tham gia giao thông có thể "đi đúng phần đường" quy định.
Nhìn những hình ảnh phương tiện đỗ xe tùy tiện trên các vỉa hè ở ngay quận trung tâm Hà Nội mà... ngao ngán! Ảnh: TT.
Có thể nói, văn hóa tham gia giao thông ngày này trở nên quan trọng hơn bao giờ. Vì văn hóa nơi công cộng rất cần sự chung tay, nghiêm chỉnh chấp hành, cùng nhau tạo ra những nét ứng xử phù hợp.
Bài học từ một...đàn chim
Sự chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông là nét văn hóa đáng trân trọng của người dân, đặc biệt tại các thành phố lớn. Điều đó, thể hiện trình độ của con người trong quá trình phát triển, "tiến hóa" của mình.
Bản thân các loài vật cũng có "văn hóa giao thông" của chúng: bạn hãy nhìn đàn chim bay trên trời, đàn cá bơi dưới nước rất trật tự và ngăn nắp. Chúng có hàng, có lối, có cách phân bổ thật hợp lý tới mức tuyệt đẹp. Nếu ngắm nhìn loài người chúng ta di chuyển từ trên cao, liệu bạn có thể so sánh với đàn chim hay đàn cá về trật tự và ngăn nắp không?
Điều đó, cần mỗi người chúng ta suy nghĩ lại... Hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ hằng ngày đặc biệt là đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, mô tô cũng như nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông và dừng, đỗ xe đúng phần đường quy định. Là cha mẹ, bạn cũng nên làm gương cho con cái mình và các thế hệ trẻ tiếp nối, các bạn sẽ chính là tương lai của đất nước sẽ nhìn vào cách ứng xử của những tiền nhân để trở nên giống như vậy. Hãy nhớ, bất cứ lúc nào di chuyển trên đường, bạn luôn là tấm gương cho con về ý thức tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, hãy cùng nhau nhắc nhớ, loại bỏ những hành vi sai trái khi tham gia giao thông đối với mỗi chủ phương tiện, vì sự an nguy của chính bạn và những người yêu thương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google