Giấy chứng nhận căn cước là gì? Đối tượng nào được cấp giấy chứng nhận căn cước?

Hồng Ngọc
15:25 - 23/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Kể từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Luật Căn cước đó là việc người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sẽ được cấp Giấy chứng nhận căn cước.

Giấy chứng nhận căn cước

Nguồn: Bộ Công an

Giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận căn cước

Theo Luật Căn cước, Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này. 

Khoản 5 Điều 30 Luật Căn cước cũng quy định rõ giá trị sử dụng của Giấy chứng nhận căn cước như sau:

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên Giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp Giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình Giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong Giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong Giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với đó, Luật này cũng quy định Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp Giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận căn cước: Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại điểm a khoản này tổ chức làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về mẫu Giấy chứng nhận căn cước

Nhằm triển khai quy định của Luật Căn cước, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu Giấy chứng nhận căn cước để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, trong đó có nội dung về mẫu Giấy chứng nhận căn cước.

Giấy chứng nhận căn cước là gì? Đối tượng nào được cấp giấy chứng nhận căn cước?- Ảnh 2.

Mẫu Giấy chứng nhận căn cước. Ảnh: Bộ Công an

Theo đó, dự thảo Thông tư quy định Giấy chứng nhận căn cước có hình chữ nhật, kích thước 125x170 mm. Nền mặt trước Giấy chứng nhận căn cước gồm: Bản đồ hành chính Việt Nam in màu đỏ; trống đồng, các hoa văn họa tiết truyền thống trang trí in màu xanh. Quốc huy được in màu trực tiếp trên Giấy chứng nhận căn cước. Dòng chữ “CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC”; dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp Giấy chứng nhận căn cước màu đỏ.

Dự thảo Thông tư quy định nội dung Giấy chứng nhận căn cước như sau:

Bên trái từ trên xuống: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 15 mm; Ảnh của người được cấp Giấy chứng nhận căn cước cỡ 25x33 mm; Mã QR code kích thước 18 x 18 mm; Ô vân tay ngón trỏ trái; Ô vân tay ngón trỏ phải.

Bên phải từ trên xuống: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; Dòng chữ “CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC”; Số ĐDCN; Họ, chữ đệm và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Tình trạng hôn nhân; Nơi ở hiện tại; Họ, chữ đệm và tên cha; Quốc tịch; Họ, chữ đệm và tên mẹ; Quốc tịch; Họ, chữ đệm và tên vợ (chồng); Quốc tịch; Họ, chữ đệm và tên của người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ; Quốc tịch; Thời hạn sử dụng đến; Ngày, tháng, năm; GIÁM ĐỐC CÔNG AN.

Toàn văn dự thảo Thông tư quy định về mẫu thẻ Căn cước, mẫu giấy Chứng nhận căn cước được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 7/4/2024. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.