Giáo viên vẫn đua nhau viết sáng kiến vì tiền thưởng?
Giáo viên được khen thưởng sẽ được nhận một khoản tiền theo quy định là một trong những nguyên nhân khiến thầy cô giáo vẫn đua nhau viết sáng kiến.

Vì sao giáo viên vẫn đua nhau viết sáng kiến?
Kể từ năm học 2023-2024, việc xếp loại thi đua của viên chức giáo viên thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Theo đó, việc xét danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở" không bắt buộc phải có sáng kiến và không quy định khống chế tỉ lệ % giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Quy định này được cho rằng sẽ giúp giáo viên giảm được thời gian, công sức, tiền bạc, áp lực cho việc viết sáng kiến hằng năm và góp phần triệt tiêu việc thầy cô giáo sao chép, mua bán sáng kiến đã xảy ra trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, quy định không bắt buộc phải có sáng kiến hi vọng sẽ chấm dứt tình trạng hàng trăm, hàng ngàn sáng kiến của giáo viên sau khi được công nhận nhưng lại không được áp dụng vào thực tiễn, khiến thầy cô giáo băn khoăn không biết sáng những kiến này đi về đâu.
Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, năm học 2023-2024 và 2024-2025, số lượng sáng kiến ở nhiều trường phổ thông tăng "phi mã", gấp hai, gấp ba lần so với những năm trước đó. Vậy, tại sao giáo viên vẫn đua nhau viết sáng kiến như một phong trào?
Thứ nhất, để được tặng bằng khen cấp Bộ, ngành, tỉnh thì giáo viên vẫn phải có sáng kiến theo quy định. Cụ thể, theo Điều 23 Luật Thi đua khen thưởng 2022, để đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì giáo viên cần đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu (gọi chung là sáng kiến).
Thứ hai, để được tặng bằng khen cấp Bộ, ngành, tỉnh thì giáo viên cần có số lượng sáng kiến theo quy định. Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 74 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có quy định như sau:
"Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở".
Theo đó, sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể để giáo viên được đề nghị bằng khen Bộ, ngành, tỉnh, cụ thể như sau:
Trường hợp 01: Trường hợp danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở xét cho cá nhân mà đạt tiêu chuẩn danh hiệu "Lao động tiên tiến" và có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu thì ngoài 02 sáng kiến/đề tài đã được dùng để xét tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở", giáo viên cần có thêm 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở mới đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh.
Trường hợp 02: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở xét cho cá nhân "đạt tiêu chuẩn danh hiệu Lao động tiên tiến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" thì phải có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở mới đủ tiêu chuẩn đề nghị xét tặng Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh.
Thứ ba, giáo viên được khen thưởng (nhờ có sáng kiến) sẽ được nhận một khoản tiền theo quy định. Ví dụ, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở: 2.340.000 đồng; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương: 7.020.000 đồng; bằng khen cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương: 2.340.000 đồng; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 8.190.000 đồng.
Hiện nay, giáo viên viết sáng kiến được công nhận khá dễ dàng, do một số nguyên nhân chủ yếu như: giám khảo không có phần mềm để kiểm tra đạo văn; sáng kiến sau khi được công nhận cũng không được công bố trên mạng nên giáo viên địa phương này có thể xin của giáo viên ở địa phương khác; việc chấm sáng kiến còn dễ dãi, nể nang.
Nếu các nhà trường phổ thông chú ý đến tác động của sáng kiến, tức là sáng kiến đã được áp dụng vào giảng dạy, quản lí thế nào; mang lại hiệu quả ra sao; minh chứng ở đâu, phải có số liệu cụ thể thì chất lượng sáng kiến sẽ được đánh giá thực chất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google