Giáo viên góp ý 6 nội dung dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Giáo viên góp ý 6 nội dung về dự thảo Thông tư này.
1. Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT có một số điều chưa quy định chi tiết chế độ việc làm, một số công việc giáo viên kiêm nhiệm chưa quy định rõ số tiết được giảm trừ. Từ đó giáo viên phải làm việc nhiều quá số tiết quy định nhưng không được tính tiền thừa giờ trong năm học.
2. Theo quy định hiện hành, định mức tiết dạy của giáo viên được quy định cố định theo từng tuần, cụ thể như sau: giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần; giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường, lớp dành cho người khuyết tật được giảm 02 tiết/tuần so với định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp.
Giáo viên kiến nghị giảm định mức tiết dạy của giáo viên bậc trung học cơ sở từ 19 tiết/tuần xuống 17 tiết/tuần - tương đương giáo viên bậc trung học phổ thông.
3. Để tránh việc chi trả trùng chế độ, chính sách cho cùng một nhiệm vụ, dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung nguyên tắc: Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III dự thảo Thông tư (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được giảm định mức tiết dạy và không được quy đổi nhiệm vụ đó ra tiết dạy (khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư).
Giáo viên chỉ muốn giảm định mức tiết dạy, không muốn nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp. Bởi vì, giáo viên chưa có thâm niên sẽ nhận phụ cấp thấp hơn so với giáo viên có thâm niên từ 5 năm trở lên.
4. Dự thảo Thông tư dự kiến điều chỉnh chế độ giảm định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm lớp cấp tiểu học từ 03 tiết/tuần thành 04 tiết/tuần (khoản 1 Điều 8).
Lí do: Để đảm bảo thống nhất giữa các cấp học và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp.
Giáo viên mong muốn, giáo viên làm công tác chủ nhiệm được giảm định mức 5 tiết/tuần, vì công việc này rất vất vả. Hơn nữa, nếu được giảm theo định mức này thì giáo viên sẽ có thêm thời gian quan đến học sinh, nhất là bậc tiểu học, trung học cơ sở các em cần sự theo sát của thầy cô giáo.
5. Hiện nay, để đảm bảo bố trí đủ giáo viên dạy các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh còn thiếu giáo viên, thực tế các địa phương phải bố trí giáo viên ở một số môn phải dạy liên trường. Tuy nhiên, hiện tại chưa có chế độ cho đối tượng này.
Dự thảo Thông tư dự kiến quy định về việc tính tiết dạy cho giáo viên được phân công dạy liên trường như sau: nếu giáo viên được điều động, phân công dạy tăng cường ở cơ sở giáo dục khác thì mỗi tiết dạy của giáo viên ở cơ sở giáo dục đó được tính bằng 01 tiết định mức (khoản 1 Điều 12).
Giáo viên đồng tình với nội dung này. Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện, giáo viên kiến nghị cần bỏ nội dung "số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần".
6. Theo quy định hiện hành, để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thì Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết (hiệu trưởng dạy 02 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 04 tiết/tuần).
Dự thảo Thông tư dự kiến tăng định mức tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mỗi vị trí 02 tiết (hiệu trưởng 04 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 06 tiết/tuần). Lí do: Với quy định dạy này đảm bảo cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy đủ số tiết của môn học cho 01 lớp.
Giáo viên nhận thấy, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng chủ yếu làm công tác quản lí. Vì vậy, hiệu trưởng chỉ cần dạy 2 tiết/tuần và phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần để nắm chương trình là phù hợp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google