Giáo viên có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp của giáo viên nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo quy định của Nhà nước thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề của giáo viên có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm (trích):
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau (trích):
b.11) Phụ cấp đặc thù ngành nghề. Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước để tính trừ.
Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Đồng thời căn cứ Danh mục ban hành kèm theo Công văn 1381/TCT-TNCN năm 2014 có quy định về phụ cấp đặc thù ngành nghề đối với ngành Giáo dục bao gồm:
- Phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội đã được chuyển xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
- Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
- Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, theo quy định trên thì phụ cấp đặc thù ngành nghề không tính thuế thu nhập cá nhân.
Do đó, đối với khoản phụ cấp ưu đãi nhà giáo và phụ cấp thâm niên nghề nhà giáo được xem là phụ cấp đặc thù ngành nghề theo hướng dẫn tại Công văn 1381/TCT-TNCN năm 2014 sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo quy định thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Thuế thu nhập cá nhân được tính như thế nào?
Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Theo quy định tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, giáo viên có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức 17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Ví dụ 1, giáo viên có 1 người phụ thuộc, cách tính như sau:
- Nếu một người có thu nhập tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân vì:
Bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 1,785 triệu đồng (17 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng (11 triệu cho bản thân + 4,4 triệu cho người phụ thuộc), tổng cộng là 17,2 triệu đồng.
Ví dụ 2, giáo viên có 2 người phụ thuộc, cách tính như sau:
- Nếu một người có thu nhập tiền lương, tiền công 22 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì người này không phải nộp thuế TNCN vì:
Bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 2,31 triệu đồng (22 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh là 19,8 triệu đồng (02 người phụ thuộc), tổng cộng là 22,1 triệu đồng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google