Giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật Phương Nguyễn: Tôi có trách nhiệm với quê hương Việt Nam

img
Giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật Phương Nguyễn: Tôi có trách nhiệm với quê hương Việt Nam- Ảnh 1.

Tại chương trình Xuân quê hương 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Phương Nguyễn đã có một bài phát biểu rất cảm động, trong đó câu: “Không cha mẹ nào phải nói với con mình rằng không còn hy vọng gì nữa”.

- Thưa Giáo sư Phương Nguyễn, mục tiêu của ông là giúp đỡ trẻ em khắp nơi được tiếp cận với những ca phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình, bao gồm trẻ em bị sứt môi, hẹp sọ và dị tật bẩm sinh. Đây thực sự là một sứ mệnh khó khăn. Giáo sư có thể chia sẻ thêm về các chương trình phẫu thuật này?

Giáo sư Phương Nguyễn: Khoảng 20 năm trước, khi mới chỉ là sinh viên y khoa, tôi có dịp về Việt Nam thực tập tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc đó, tôi được làm việc và học hỏi với những người thầy ở Mỹ và Việt Nam. Thầy giáo người Mỹ của tôi đã cho tôi cơ hội tham gia dự án “Project Vietnam Foundation” và đến Hòa Bình phẫu thuật cho các bệnh nhân hở hàm ếch. 

Trong chuyến đi đó, một bác sĩ lớn tuổi người Việt Nam đã nói với tôi rằng: “Em là người Việt Nam, em phải giúp đỡ người Việt Nam”. 

Hai con người đó, đã truyền nhiệt huyết cho tuổi trẻ của tôi. Tôi nỗ lực học tập tại nhiều ngôi trường ở Mỹ và Canada. Theo thời gian, tôi có thể dùng chuyên môn của mình, trái tim của mình, đến Ấn Độ, Nepal, Philippines, Mexico, Honduras, Guatemala, Peru, Ai Cập… để giảng dạy và thực hiện các ca phẫu thuật tái tạo cho trẻ em. 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nơi tôi trở về nhiều nhất. Trái tim tôi bị thúc giục bởi ý niệm: Phải làm gì đó cho quê hương của mình, cộng đồng người Việt của mình, để kế thừa sứ mệnh giúp đỡ trẻ em khuyết tật tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới như lời người thầy, người anh tôi gặp ở Việt Nam năm xưa.

Phương Nguyễn

- Tổ chức thiện nguyện mà Giáo sư vừa nhắc tới có tên là NOUY (Nouy Constructive International) - phát âm theo kiểu tiếng Việt gần giống chữ “Nuôi", giáo sư có thể nói rõ hơn về tên gọi và thông điệp về tổ chức của mình?

Giáo sư Phương Nguyễn: NOUY là một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận về phẫu thuật tái tạo, giáo dục và nghiên cứu ở các nước thu nhập thấp và trung bình trong đó có Việt Nam. Tổ chức của chúng tôi hiện có trụ sở chính tại Mỹ và cũng đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

NOUY - Nuôi có mục tiêu là tập trung nâng cao và phát triển năng lực phẫu thuật cho các bác sĩ Việt Nam bằng cách phối hợp thực hiện những ca bệnh phức tạp nhằm nâng cao kinh nghiệm và kiến thức phẫu thuật. Chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo đội ngũ chuyên gia phẫu thuật có tay nghề xuất sắc, đáp ứng mục tiêu giúp các quốc gia có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc phẫu thuật tái tạo với giá cả phải chăng, hợp lý, tiếp cận và cứu chữa được nhiều bệnh nhi nhất có thể. 

Do đó, từ “Nuôi" có ý nghĩa như nuôi nấng, chăm sóc - là một hành trình lâu dài, bền vững để giúp những em bé kém may mắn có cơ hội phục hồi tốt sau phẫu thuật, tiệm cận mức phát triển bình thường.

- Bệnh nhân ở mỗi quốc gia có mức độ tiệm cận y tế khác nhau dựa vào mức thu nhập khác nhau. Các hoạt động của NOUY có thể coi là nỗ lực giúp các bệnh nhân được bình đẳng trong y tế, có cơ hội phẫu thuật dù sinh sống ở một nước nghèo hoặc cha mẹ không có thu nhập cao. Đây là mục tiêu rất nhân văn và không dễ gì thực hiện. Giáo sư đã bắt đầu như thế nào?

Giáo sư Phương Nguyễn: Tiền thân của Tổ chức NOUY là RICE được thành lập năm 2020. Các dị tật bẩm sinh đặc biệt là các hội chứng hiếm gặp là những trường hợp nan giải đối với y khoa. 

Mỗi em bé có bệnh lý khác nhau, biểu hiện khác nhau, thể chất khác nhau. Rất nhiều cha mẹ của các em bé mắc hội chứng bẩm sinh không có đủ điều kiện để con mình có thể tiếp cận y tế hiện đại và các phương pháp phẫu thuật mới nhất từ nước ngoài. 

Do đó, tôi cố gắng nỗ lực, cùng xây dựng và phát triển một tổ chức y tế thiện nguyện. NOUY không chỉ trao cho các em bé cơ hội được phẫu thuật bởi các chuyên gia mà còn hỗ trợ về thiết bị y tế, dụng cụ phẫu thuật, đặc biệt, chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và đào tạo bác sĩ tại Việt Nam để họ cũng có thể thực hiện được các ca phẫu thuật khó, có thể cứu giúp bệnh nhi bất cứ lúc nào mà không cần sự có mặt của chúng tôi.

Giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật Phương Nguyễn: Tôi có trách nhiệm với quê hương Việt Nam- Ảnh 3.

Tôi luôn mong rằng, những trẻ em mắc dị tật bẩm sinh ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam đều có cơ hội sống một cuộc sống trọn vẹn và được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Từ mục tiêu đó, NOUY đã xây dựng một mối quan hệ đối tác bền vững với các bệnh viện uy tín tại Việt Nam như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Nhi đồng I tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương Nguyễn

Một thiết bị y tế dùng trong phẫu thuật kéo giãn hộp sọ được tài trợ bởi NOUY.

Mỗi năm, NOUY thực hiện 1-2 chuyến trở về Việt Nam, quy tụ nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ khắp nơi trên giới; huy động tài lực, vật lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, công ty cung cấp thiết bị y tế của Mỹ. 

Ví dụ, trong chuyến trở về Việt Nam lần này, tôi mang ra sân bay 3 kiện hàng lớn tới 122kg, trong đó là các dụng cụ, thiết bị phẫu thuật mà tôi đã xin tài trợ được từ các công ty y tế để mang về, hỗ trợ cho các ca phẫu thuật nhi ở đây, giảm bớt gánh nặng chi phí cho các gia đình bệnh nhân.

Tôi cũng hay trao đổi với đại diện các công ty y tế tại Mỹ rằng: “Việt Nam là một đất nước đang phát triển với nhiều chính sách mở cửa, chào đón những doanh nghiệp nước ngoài, sự giúp đỡ từ xa của các bạn cũng có thể là cơ hội tiền đề để sau này các bạn đến với Việt Nam, phát triển mối quan hệ kinh doanh, làm ăn, mở chi nhánh, và hơn thế nữa.”

Giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật Phương Nguyễn: Tôi có trách nhiệm với quê hương Việt Nam- Ảnh 5.

- Điểm khác biệt lớn nhất của NUOY so với các chương trình phẫu thuật miễn phí, phẫu thuật bởi chuyên gia nước ngoài là ở đâu?

Giáo sư Phương Nguyễn: Là một người Mỹ gốc Việt, chảy trong mình dòng máu Việt và có thể nói tiếng Việt, tôi may mắn thừa hưởng nền giáo dục hiện đại và phát triển hàng đầu thế giới, đây là cơ hội để tôi có thể dùng thế mạnh của bản thân, cống hiến cho quê hương. 

Việc có thể giao tiếp bằng tiếng Việt giúp tôi hiểu được tâm sự của bệnh nhi và cha mẹ bệnh nhi trong mỗi lần NOUY trở về. Tại đây, các bác sĩ Việt Nam cũng coi tôi như một bác sĩ người Việt, là đồng nghiệp, tôi có thể dễ dàng trao đổi, hiểu được tâm tư và nguyện vọng của họ trong mỗi chương trình đào tạo. 

Tôi coi đây là lợi thế, là sự khác biệt lớn nhất của NOUY so với các chương trình phẫu thuật miễn phí đơn thuần khác.

Là người sáng lập của NOUY cũng là người sống với chí hướng “về nguồn", tại Việt Nam, NOUY phát huy và mang đến hiệu quả rõ rệt với số lượng các ca phẫu thuật thành công, các bác sĩ hưởng lợi từ chương trình đào tạo và các tác động tích cực đến chất lượng sống của các bệnh nhân cùng gia đình của họ. Điều này, khiến tôi và NOUY càng có thêm động lực để mỗi một năm trở về, số lượng chuyên gia tham gia càng nhiều hơn, các bác sĩ được đào tạo tăng lên, nhiều ca khó được phẫu thuật và thành công.

Trong lần này, NOUY đã tổ chức một hội thảo phẫu thuật vi phẫu kéo dài ba ngày và một hội thảo về phẫu thuật sọ mặt, bao gồm ba phương pháp giảng dạy khác nhau với kính hiển vi in 3D để đào tạo cho 130 bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ nội trú tại Việt Nam cách thực hiện phẫu thuật vi phẫu.

Giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật Phương Nguyễn: Tôi có trách nhiệm với quê hương Việt Nam- Ảnh 6.

- Được biết, Giáo sư đã ở Mỹ 44 năm, để có thể nói lưu loát Tiếng Việt, và có tình yêu sâu đậm dành cho đất nước, nguồn cội… chắc hẳn, những điều này đã xuất phát từ giáo dục gia đình, từ cha mẹ của giáo sư?

Giáo sư Phương Nguyễn: Đúng vậy. Trước khi rời Việt Nam, cha mẹ tôi đều là giáo viên. Họ luôn mong muốn con cái của mình được học tập trong một môi trường tốt và có tương lai tươi sáng. Giai đoạn đầu thực sự rất khó khăn, nhưng tôi tự ý thức được bản thân mình là người may mắn và cần nỗ lực học hỏi để vươn lên. Tôi thường chỉ nói được tiếng Việt khi ở cùng bố mẹ mình. Nhưng vốn liếng đó đủ để tôi giữ gìn được ngôn ngữ “mẹ đẻ" và luôn luôn nhớ mình là người Việt máu đỏ, da vàng.

Ở Mỹ, tôi có giảng dạy và trong số các sinh viên được tôi đào tạo, có một số sinh viên là người Việt Nam. Tôi thường rất nghiêm khắc và tạo nhiều áp lực cho sinh viên người Việt. 

Tôi thường chia sẻ với các sinh viên rằng: “Càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Sự nghiêm khắc giúp các em tiến bộ hơn. Bởi vậy, phải biết chấp nhận thách thức, nỗ lực và chăm chỉ để vượt qua nó, có như thế, các em mới trưởng thành và phát triển được”.

Con gái tôi từ lúc 2 tuổi, đã cùng chúng tôi (mẹ cháu là bác sĩ nha khoa) trên hành trình phẫu thuật từ thiện. Trong khi chúng tôi thực hiện các ca phẫu thuật, cháu sẽ tự chơi cùng các bệnh nhân nhỏ tuổi. Tôi mong muốn cháu hiểu được rằng: Cháu may mắn biết bao nhiêu, sau này, khi trưởng thành, cháu phải biết giúp đỡ cộng đồng, sống một cuộc đời với lý tưởng cống hiến và cho đi.

Ý thức về gốc gác Việt cứ chảy trong tôi một cách tự nhiên như thế, để trong bất kỳ công việc nào, hoạt động nào, hay danh nghĩa nào, hai tiếng Việt Nam cũng luôn luôn toả ra trong tôi trách nhiệm và niềm tự hào.

Giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật Phương Nguyễn: Tôi có trách nhiệm với quê hương Việt Nam- Ảnh 7.

- Trong suốt 20 năm đi về giữa Mỹ và Việt Nam để giúp đỡ và cứu chữa cho các bệnh nhi, có những kỷ niệm ấm áp nào mà giáo sư muốn chia sẻ trên hành trình của mình hay không?

Giáo sư Phương NguyễnMón quà lớn nhất đối với tôi chính là sự hồi phục của các bệnh nhi, nụ cười hạnh phúc của các cháu và gia đình. Mong muốn lớn nhất của tôi là trẻ em Việt Nam sẽ có cơ hội sống một cuộc sống trọn vẹn với khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Lần này, đoàn chuyên gia của chúng tôi trở về với số lượng chuyên gia phẫu thuật nhiều gấp đôi lần trước. Chúng tôi cũng thực hiện thăm khám và phẫu thuật tại nhiều bệnh viện hơn. Mặc dù, áp lực chi phí đi lại, chi phí hoạt động của đoàn với số lượng lớn hơn cũng lớn hơn rất là nhiều; nhưng với tâm niệm càng nhiều chuyên gia, càng nhiều bệnh nhi được phẫu thuật, nhiều bệnh viện được chuyển giao kỹ thuật, nhiều bác sĩ được đào tạo, tôi càng cố gắng hơn.

Niềm hạnh phúc được làm những điều ý nghĩa khiến bản thân tôi luôn có năng lực tích cực và có năng lượng cho công việc vô cùng bận rộn. Dù làm bất kể hoạt động nào, tôi cũng luôn thấy vui vẻ. Tôi không nghĩ rằng mình cho đi, ngược lại, tôi nhận được về rất nhiều, từ bệnh nhân, từ đồng nghiệp, từ hành trình mà mình đang từng bước, từng bước đi lên.

- Các chương trình phẫu thuật nhi của giáo sư tại Việt Nam gần như là miễn phí về dụng cụ phẫu thuật, gia đình bệnh nhân chỉ phải chi trả một mức phí rất thấp so với chi phí phải đi nước ngoài. Hơn nữa, rất nhiều bệnh nhi tại Việt Nam có được cơ hội tiếp cận y tế với trình độ cao, trong hành trình này, con số về các ca phẫu thuật chắc hẳn rất lớn? Giáo sư có thể cung cấp con số về các bệnh nhi trên thế giới và ở Việt Nam đã được giúp đỡ?

Giáo sư Phương NguyễnVới tôi, việc thành lập NOUY giống như là hiện thân cho sứ mệnh thay đổi cuộc sống bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc phẫu thuật chất lượng cao cho tất cả mọi người. 

Thông qua đào tạo và trao quyền cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại địa phương, chúng tôi không chỉ thay đổi cuộc sống của từng cá nhân; chúng tôi đang cách mạng hóa các hệ thống chăm sóc sức khỏe để tăng trưởng bền vững. Khám phá cách chúng tôi thu hẹp khoảng cách và xây dựng tương lai. 

Việc tiếp cận phẫu thuật bởi chuyên gia và kỹ thuật phẫu thuật cao là một nhu cầu cấp thiết của nhiều bệnh nhân tại Việt Nam, điều này thôi thúc tôi cùng với NOUY nỗ lực thực thi sứ mệnh của mình.

Giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật Phương Nguyễn: Tôi có trách nhiệm với quê hương Việt Nam- Ảnh 8.

Từ năm 2020 cho đến nay, NOUY đã thực hiện hơn 22 chuyến phẫu thuật tại Việt Nam, đào tạo hơn 50 bác sĩ và tác động đến hơn 15.000 bệnh nhân. Cùng với đó, NOUY cũng vận động các cá nhân và tổ chức tại Hoa Kỳ, xây dựng các dự án, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho các bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam, đồng thời trao tặng nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu cho các bệnh viện.

Những gì chúng tôi cố gắng nỗ lực, không chỉ với mục tiêu thay đổi cuộc sống của từng cá nhân mà còn cách mạng hóa các hệ thống chăm sóc sức khỏe để tăng trưởng bền vững, thu hẹp khoảng cách y tế và xây dựng tương lai.

- Trên hành trình trở thành bác sĩ tại Mỹ và khẳng định năng lực của mình, Giáo sư có gặp khó khăn gì khi là bác sĩ “thiểu số"? Lời khuyên của giáo sư dành cho những bác sĩ gốc Việt thuộc thế hệ trẻ sau này là gì?
Giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật Phương Nguyễn: Tôi có trách nhiệm với quê hương Việt Nam- Ảnh 9.

Giáo sư Phương Nguyễn: Tôi sinh ra trong một trại tị nạn ở Indonesia, sau đó, gia đình chúng tôi định cư tại Minnesota, vùng Trung Tây nước Mỹ. 

Thời điểm đó, mọi thứ rất khác với xuất phát điểm gần như bằng không. Gia đình tôi hoàn toàn không có nhiều ý tưởng về việc sẽ đi đâu, tương lai sẽ ra sao? Do đó, hành trình cho đến nay, đối với tôi, không phải một con đường thẳng và bằng phẳng. 

Nhưng tôi may mắn vì đã có cơ hội sống, học tập ở một đất nước phát triển. Việc nắm lấy cơ hội và tận dụng nó ra sao phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân từng người. Tôi cũng rất biết ơn gia đình mình đã luôn ủng hộ tôi theo đuổi ước mơ. Dĩ nhiên, cơ hội đi cùng với trách nhiệm, tôi may mắn khi là một bác sĩ, tôi hy vọng mình không chỉ đơn thuần là hành nghề y tại địa phương nơi tôi sinh sống mà còn với sứ mệnh toàn cầu.

Người Việt Nam ở bất cứ đâu cũng rất chăm chỉ và giỏi chuyên môn, tôi tin rằng, người Việt sẽ rất dễ dàng phát triển và khẳng định vị thế của bản thân nếu được trang bị ngoại ngữ tốt, đặc biệt là khả năng nói tiếng Anh lưu loát. Vì thế, mỗi bạn trẻ hãy trau dồi tri thức và ngoại ngữ để luôn sẵn sàng nắm lấy các cơ hội toàn cầu.

- Kết thúc cuộc trò chuyện, giáo sư có thể gửi một lời chia sẻ của bản thân tới với mọi người không ạ?

Giáo sư Phương Nguyễn: Tôi hy vọng mọi người ở khắp nơi có thể đồng hành cùng với chúng tôi và NOUY, nếu là chuyên gia, hãy tham gia với chúng tôi trong vai trò là bác sĩ phẫu thuật; nếu là một người có tấm lòng giúp đỡ người khác, hãy ủng hộ NOUY bằng tài lực, vật lực để NOUY có thể vận hành và phát triển hơn nữa.

Tôi mong rằng sẽ có nhiều người cùng tham gia cùng vào sứ mệnh của NOUY để chung tay nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, đảm bảo mọi trẻ em đều có quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất và kịp thời nhất. 

Giáo sư, Bác sĩ phẫu thuật Phương Nguyễn: Tôi có trách nhiệm với quê hương Việt Nam- Ảnh 10.