Giáo dục và tăng trưởng kinh tế

Trần Bách
06:51 - 17/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mối liên quan giữa trình độ giáo dục và tăng trưởng kinh tế là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà kinh tế và quan chức hoạch định chính sách của các chính phủ.

Về học thuật, đây là mối quan hệ tỷ lệ thuận, trình độ giáo dục càng cao thì tăng trưởng kinh tế cũng càng cao và ngược lại. Với quan chức hoạch định chính sách, đây là mối quan hệ cần quan tâm để phân bổ vốn cho thích hợp, kích thích tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra.

Giáo dục và tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Trình độ giáo dục càng cao thì tăng trưởng kinh tế cũng càng cao và ngược lại.

Ảnh minh họa, nguồn: equitablegrowth.org

Từ lâu, giáo dục đã được coi là nhân tố quyết định sức khoẻ của nền kinh tế. Giáo dục tác động đến tăng trưởng kinh tế theo ba cách. Cách thứ nhất là giáo dục cải thiện chất lượng của lực lượng lao động, dẫn đến tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do sản lượng tăng. Cách thứ hai là giáo dục tăng khả năng sáng tạo của nền kinh tế, tăng kiến thức về công nghệ mới, sản phẩm mới và quy trình sản xuất mới và những nhân tố này kết hợp dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Cách thứ ba là giao dục có thể tạo điều kiện để phổ biến và chuyển giao kiến thức cần thiết để hiểu và xử lý thông tin mới và áp dụng công nghệ mới nhập khẩu từ các nước khác, dẫn đến tăng trưởng kinh tế.

Một trong những thước đo quan trọng trình độ giáo dục của một nước là thời gian học tập ở trường phổ thông. Các nhà nghiên cứu cho rằng thời gian học tâp tăng sẽ giúp học sinh tích lũy một số kỹ năng nhất định giúp ích cho công việc sau này. Đây là yếu tố ngày càng quan trọng có tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng giai đoạn đầu của quá trình đi học có tầm quan trọng đối với ngành công nghiệp tận dụng nhân công, trong khi đó số năm học còn có tác động nhiều đến nghiên cứu và triển khai, điều đặc biệt quan trọng trong thời đại công nghệ cao như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… Ở yếu tố này, chúng ta cần chú ý đến chất lượng của việc học tập tại trường. Một tính toán cho rằng thời gian học phổ thông tăng một năm đóng góp 25% đến 73% tăng trưởng kinh tế. Chúng ta có thể nhận thấy quan hệ tỷ lệ thuận giữa số năm học và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở hai nước Phần Lan và Hàn Quốc.

Với các nước đang phát triển như Việt Nam, thì điều dễ hiểu là phải tăng số năm học trong trường cũng như chất lượng giáo dục thì mới có thể tiếp tục có tăng trưởng cao. Đây là lý do nhiều tổ chức quốc tế đã có những nghiên cứu mối quan hệ này ở Việt Nam. Một nghiên cứu quan trọng phải kể đến là báo cáo "Giáo dục để tăng trưởng" của Ngân hàng Thế giới phát hành ngày 5 tháng 8 vừa qua. Báo cáo này đã khẳng định mối quan hệ và đưa ra nhiều đề xuất cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng, để có thể chuyển đổi mô hình thành nền kinh tế số, phát triển năng động, có khả năng chống chịu, lấy trí thức và năng suất lao động làm động lực, Viêt Nam cần phải có lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn. Và cách làm là không thể khác ngoài việc cải thiện giáo dục. Báo cáo cho rằng cần nâng cao chất lượng giáo dục thông qua cải thiện kỹ năng làm việc cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo và chuyên môn kỹ thuật. Ở thời điểm hiện tại, hầu hết việc làm trên thị trường Việt Nam là công việc thủ công đòi hỏi kỹ năng giản đơn. Tuy nhiên khi kinh tế Việt Nam phát triển ở mức độ cao hơn thì kỹ năng phức tạp hơn là cần thiết. Chỉ có giáo dục mới có thể cung cấp đầy đủ các kỹ năng như vậy. Do vậy, điều cần thiết là phải có kỹ năng phù hợp với trình độ phát triển của đất nước. Không có kỹ năng như vậy, thì nguy cơ sẽ khó có tăng trưởng tiếp theo. Vì thế giáo dục phải được thiết kế cung cấp những kỹ năng cần thiết và phù hợp.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới còn chỉ ra yếu tố nữa là số lượng học sinh. Hiện tại Việt Nam chỉ có 10,2% dân số ở độ tuổi 25 trở lên có bằng đại học (con số năm 2019). Số sinh viên đại học chỉ ở mức khoảng 2 triệu, tương đương với mức của các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Con số này cần phải tăng gấp đôi thì mới có thể đáp ứng được tăng trưởng dựa trên năng suất lao động và công nghệ cao như Việt Nam vẫn mong muốn.

Như vậy, muốn tăng trưởng cao nhanh chóng tiến đến hiện đại hoá và công nghiệp hoá, Việt Nam cần phải cải thiện thời gian học tập trong trường phổ thông và chất lượng học tập, đặc biệt là cung cấp những kỹ năng cần thiết và phù hợp với thị trường lao động. Đồng thời, số sinh viên cũng cần phải tăng nhanh để có thể cung cấp đủ cho thị trường. Có làm được như vậy, Việt Nam mới có thể "thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học-công nghệ" để tăng giá trị của sản phẩm thương hiệu Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi vị trí gia công, lắp ráp.