Giáo dục thế hệ Alpha tại Canada

Hồng Ngọc
09:49 - 08/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hệ thống giáo dục của Canada đang đặc biệt quan tâm đến những đặc trưng của thế hệ Alpha để hỗ trợ các em học tập tốt nhất và phát triển thành những công dân toàn cầu, đóng góp cho công bằng xã hội.

Giáo dục thế hệ Alpha tại Canada - Ảnh 1.

Gen Alpha còn được gọi với những tên khác như: Gen A, thế hệ Alpha, thế hệ toàn cầu, "thế hệ COVID". Ảnh minh họa, nguồn Corgen

Gen Alpha còn được gọi với những tên khác như: Gen A, thế hệ Alpha, thế hệ toàn cầu, "thế hệ COVID"… Dù được gọi bằng cái tên nào đi chăng nữa, thì một thế hệ mới đã hình thành và mang những màu sắc riêng biệt. Hệ thống giáo dục của Canada đang đặc biệt quan tâm đến những đặc trưng của thế hệ này để hỗ trợ các em học tập tốt nhất và phát triển thành những công dân toàn cầu, đóng góp cho công bằng xã hội.

Các đặc điểm của thế hệ Alpha

Thế hệ Alpha là cụm từ dùng để chỉ những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 2010 – 2025. Trong đó, Alpha (α) mang ý nghĩa là sự khởi đầu mới. Đây là thế hệ đầu tiên của thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ 3. 

Phụ huynh của thế hệ Alpha chính là thế hệ Millennials. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, thế hệ phụ huynh này có xu hướng ổn định cuộc sống gia đình muộn và thích sinh một con để có điều kiện chăm sóc tốt nhất về mọi mặt cho con cái. Bởi vậy, thế hệ Alpha - với ước tính đạt mức 2 tỉ người vào năm 2025 – là thế hệ được Forbes mô tả "được hưởng thụ nhiều nhất về vật chất" trong thời gian ngắn nhất từ trước đến nay. 

Thế hệ Alpha - với ước tính đạt mức 2 tỉ người vào năm 2025, là thế hệ "được hưởng thụ nhiều nhất về vật chất" trong thời gian ngắn nhất từ trước đến nay.

Trước sự bùng nổ của thế hệ Alpha, các trường học ở Canada từ năm 2021 trở đi đã có sự điều chỉnh thích hợp nhằm trang bị cho các em những bộ kỹ năng cần thiết để hướng tới thành công sau này. 

James McKinnon, trường cao đẳng St. Michael cho biết: "Điều quan trọng là chúng tôi phải dạy cho sinh viên khả năng phục hồi, thích ứng và các kỹ năng mềm thiết thực. Học sinh tại St Michel nói riêng và thế hệ Alpha nói chung quan tâm sâu sắc đến bình đẳng, công bằng, tính bền vững, đa dạng và hòa nhập. Vì vậy, chúng tôi chú trọng dạy các em hành động tử tế, đúng mực, biết đồng cảm và cam kết vì một cộng đồng tốt hơn".

Đồng thời, thế hệ Alpha cũng hiểu biết về công nghệ hơn những gì các bậc phụ huynh có thể tưởng tượng. Thế hệ này sinh ra trong kỷ nguyên bùng nổ của công nghệ và không thể tưởng tượng đến cuộc sống không có Internet. McKinnon giải thích: "Công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội đã phổ biến ở khắp nơi trong thế hệ này, nhưng thế hệ Alpha hứa hẹn sẽ mang công nghệ phục vụ nhân loại với những cải tiến mới và thú vị hơn".

Giáo dục thế hệ Alpha ở Canada

Tận dụng công nghệ

Các mạng xã hội như YouTube, Instagram và TikTok đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của thế hệ Alpha. Sẽ thật khó để tìm thấy một học sinh trung học mà không có ít nhất một tài khoản mạng xã hội. Ngay cả những em chưa đủ độ tuổi để có tài khoản riêng, thì cũng đã biết tìm các video giải trí trên Youtube một cách rất thành thạo.

Điều này khiến các bậc phụ huynh và chuyên gia lo ngại về tác động của mạng xã hội đối với sự phát triển và đặc biệt là khả năng tập trung của trẻ. Alyson Schafer, chuyên gia tư vấn và nuôi dạy con cái ở Toronto cho biết: "Điều quan trọng nhất là cha mẹ và giáo viên phải dạy trẻ phân biệt những nội dung lành mạnh hữu ích với những nội dung gây hại, có tác động tiêu cực. Nếu các em biết dành thời gian đúng cách cho những nội dung chất lượng trên mạng xã hội, thì nó còn mang đến những lợi ích tuyệt vời và những cơ hội có ý nghĩa hơn."

Học sinh thế hệ Alpha nói chung quan tâm sâu sắc đến bình đẳng, công bằng, tính bền vững, đa dạng và hòa nhập.

Có ý kiến cho rằng, hãy ngăn chặn toàn bộ mạng xã hội ở trường học và cấm sử dụng điện thoại di động như các lớp học truyền thống trước đây. Tuy nhiên, theo Garth Nichols, phó hiệu trưởng phụ trách đổi mới chiến lược tại Đại học Havergal ở Toronto, "Loại bỏ mạng xã hội không phải là câu trả lời cho sự tăng trưởng và phát triển trong dài hạn. Điều quan trọng là học sinh phải trở thành những công dân có đạo đức và trách nhiệm, những người có thể điều hướng thế giới qua các công cụ kỹ thuật số".

"Gamification" là một thuật ngữ chỉ việc đưa các ứng dụng trong công việc ngoài đời thực vào trong một trò chơi nhằm giúp mọi người tìm hiểu, nghiên cứu và chơi để tăng năng suất làm việc. Đây là một ví dụ về cách công nghệ và các nền tảng xã hội có thể nâng cao khả năng học tập. Các ứng dụng hoặc chương trình như Mathletics và Prodigy cho phép trẻ tiếp thu các bài học và tiến bộ thông qua các trò chơi trực tuyến hoặc thách thức các bạn cùng lớp trong các hoạt động học tập.

Dave Treherne, hiệu trưởng tiểu học tại Unionville Montessori ở Markham, Ont cho biết: "Gamification có thể tăng cường sự tham gia của học sinh, tương tác xã hội và khả năng khám phá khi kết hợp với các phương pháp nghiên cứu khác. Nó có thể cho phép các em phản ánh về công việc, đặt mục tiêu và theo dõi sự tiến bộ của mình. Trong các trò chơi cạnh tranh, giáo viên có thể xác định những điểm yếu, mức độ kỹ năng của nhóm và cá nhân cũng như mức độ tương tác tổng thể với chủ đề đang học".

Chuyên gia Schafer tin rằng, nếu kết hợp phương pháp giáo dục truyền thống và tận dụng lợi thế của mạng xã hội trong kỷ nguyên công nghệ, phụ huynh và nhà trường có thể giúp các em trở thành những người giải quyết vấn đề hiệu quả và những nhà tư duy phản biện trong tương lai.

Sẵn sàng cho học trực tuyến

Vào tháng 2/2021, một bệnh viện về nhi khoa SickKids đã thực hiện khảo sát hơn 1.000 phụ huynh và gần 360 thanh thiếu niên về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lên sức khoẻ tinh thần con người. Kết quả cho thấy: hơn 70% trẻ em ở độ tuổi đi học trải qua 1 trong 6 trạng thái tiêu cực, bao gồm trầm cảm, lo lắng, cáu kỉnh, khả năng chú ý, tăng động và ám ảnh cưỡng chế. Các chuyên gia trong lĩnh vực này tin rằng hình thức học trực tuyến đa phần gây bất lợi cho sức khỏe tinh thần của trẻ.

Tiến sĩ Daniel Flanders, giám đốc Kindercare Nhi khoa ở Toronto cho biết, "nhiều em đã phải học lại các kỹ năng xã hội cần thiết để cảm thấy thoải mái sau 18 tháng thực hiện giãn cách xã hội".

Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Canada đang cố gắng hết sức để hỗ trợ học sinh thoải mái hơn nếu buộc phải tiếp tục học trực tuyến. Để các lớp học từ xa thú vị và thực tế hơn, cần lồng ghép thêm các hoạt động cho học sinh tham gia. Julie Champagne, trưởng nhóm giáo viên tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Park Street, cho biết: "Chúng tôi tổ chức thêm các hoạt động ảo dựa trên trải nghiệm mở cho tất cả các lớp, như thử thách nấu ăn, trò chơi nhập vai – giải đố để thoát khỏi một căn phòng….". Trong khi đó, học viện Blyth có riêng ngày "Thứ tư vì sức khỏe" hàng tuần, với yoga, lớp học nghệ thuật, thiền, và hoạt động vì môi trường…

"Chúng tôi tổ chức thêm các hoạt động ảo dựa trên trải nghiệm mở cho tất cả các lớp, như thử thách nấu ăn, trò chơi nhập vai – giải đố để thoát khỏi một căn phòng…."

Tiến sĩ Flanders nhận định việc học trực tuyến chưa bao giờ là dễ dàng đối với trẻ em, nhưng các em đều đã thể hiện sự kiên cường một cách đáng ngạc nhiên, thậm chí còn hơn cả nhiều người lớn.

Tiến sĩ Flanders cũng cho rằng, phụ huynh cần vào cuộc để hỗ trợ các con học trực tuyến hiệu quả hơn. Theo đó, khả năng lắng nghe và sự đồng cảm là chìa khóa để cha mẹ giúp con cái có trải nghiệm dễ chịu hơn trong thời gian đại dịch.

Truyền cảm hứng cho một thế hệ chiến binh mới vì công bằng xã hội

Chính việc tiếp xúc sớm với công nghệ cũng tạo điều kiện cho thế hệ Alpha nhìn thấy những hình mẫu ở lứa tuổi của mình lên tiếng cho những vấn đề nhức nhối trong xã hội như quyền con người, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu hay bạo lực súng đạn... Che Marville, Giám đốc điều hành của Học viện Our Mind is Calm cho biết: "Thế hệ Alpha được tiếp cận với nhiều nguồn lực hơn bất kỳ thế hệ nào khác và ít phải trải qua những khó khăn thiếu thốn như các thế hệ trước, vì vậy các em càng có quan điểm rõ ràng về công bằng xã hội".

Các trường như Cao đẳng Upper Canada (UCC) ở Toronto và Trường Cao đẳng Lakefield (LCS) ở Lakefield, Ont., đã và đang thực hiện những chương trình giáo dục truyền cảm hứng cho các em thực hiện công bằng xã hội trong tương lai. Tại UCC, hiệu trưởng Sam McKinney nói: "Cam kết của chúng tôi là trao quyền cho học sinh hành động bằng cách giáo dục về các vấn đề quan trọng và phát triển tiềm năng lãnh đạo".

Vào thời gian đầu của đại dịch, một nhóm sinh viên UCC đã nhận ra rằng người cao tuổi nói riêng có thể cảm thấy cô đơn và bị cô lập trong khi khóa cửa và thành lập một câu lạc bộ mới có tên là Pandemic Pals, cho phép sinh viên kết nối với những người cao tuổi thông qua công nghệ. Sau đó, dự án của câu lạc bộ này còn được mở rộng sang các trường khác.

Đối với sinh viên tại Lakefield, thông điệp cũng tương tự. Anne-Marie Kee, Hiệu trưởng LCS cho biết, "chúng tôi có khoảng 400 sinh viên đến từ 7 tỉnh thành phố và hơn 44 quốc gia. Chúng tôi tin rằng những người trẻ tuổi học hỏi và trưởng thành tốt nhất khi họ được khuyến khích thể hiện cá tính của mình trong một cộng đồng giàu tính hỗ trợ và đa dạng. Với niềm tin này, chúng tôi cam kết học hỏi lẫn nhau và tham gia vào các cuộc thảo luận khó khăn để nâng cao hiểu biết của chúng tôi.".

Sự cống hiến cho công bằng xã hội này có thể sẽ tiếp tục khi các thành viên trẻ hơn của Gen Z và Gen Alpha hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và tiếp tục thu nạp kiến thức mới thúc đẩy sự thay đổi để trở nên tốt hơn trong môi trường làm việc và cuộc sống bên ngoài. Marville nói: "Thế hệ này hiểu bối cảnh và quan điểm theo cách mà tôi chưa từng thấy. Nếu các em được hướng dẫn để đưa niềm đam mê của mình đi đúng hướng và quan tâm đến nhau thì chắc chắn xã hội sẽ được hưởng những thành quả tuyệt vời".

Nguồn: Torontolife