Giáo dục làm nền tảng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại phiên trao đổi với Quốc hội (4/11) đã làm rõ nhiều vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Quốc hội trao đổi về giáo dục và đào tạo với phần giải đáp của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Tại thảo luận về kinh tế-xã hội ở Quốc hội diễn ra vào chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, qua thống kê tại thảo luận, có khoảng 2/3 ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề cập đến các nội dung giáo dục và đào tạo, vấn đề nguồn nhân lực với các mức độ khác nhau cả ở phát biểu và tranh luận.
Các đại biểu phát biểu rất sâu sắc, nhiều ý kiến vừa nêu vấn đề, vừa gợi ý cho cách xử lý và gợi ý chính sách, nhiều ý kiến rất thực tế, có hơi thở của cuộc sống và mức độ phân tích, luận giải rất sắc bén.
Trong số các ý kiến được đề cập, có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi; tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp.
Về nội dung được các đại biểu đề cập nhiều đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, cho công nghệ kỹ thuật mũi nhọn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, chúng ta đang đào tạo nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh một nền kinh tế mà tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI thường là do chúng ta thu hút đầu tư, khi đó một doanh nghiệp mới đến Việt Nam bao giờ họ cũng sẽ đem những lĩnh vực mà Việt Nam chưa có hoặc là những lĩnh vực mới.
Bộ trưởng cho rằng "Khi họ đem một lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa có đến thì câu hỏi đặt ra là ông đã chuẩn bị được đầy đủ nhân lực cho tôi chưa, đây sẽ luôn luôn là câu hỏi khó trả lời", cho nên, chúng ta phải phân tích hết được những khó khăn, thách thức, từ đó có kế hoạch và sự chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới trong tình hình mới.
Về đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên
Về "điểm nghẽn" đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, nội dung này được các đại biểu đề cập là một vấn đề có thực. Hiện cả nước có 92 Trung tâm thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo; 526 Trung tâm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý hoặc do Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản lý, điều này cho thấy chủ thể quản lý, điều hành hiện nay đang rất đa dạng.
Trong các văn bản quy định hiện nay, đại biểu có nhắc đến Thông tư 39 từ năm 2015 và Thông tư liên bộ cũng quy định về quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Nhưng đến năm 2019 theo Luật Giáo dục quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 01 làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Tuy nhiên, còn một số điểm vướng trong thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xử lý, tháo gỡ.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định 127 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó có xem xét việc Trung tâm thường xuyên giáo dục nghề nghiệp trực thuộc đầu mối nào, bộ phận nào thì hợp lý nhất, hiện đang cân nhắc phương án nếu giao trực thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý sẽ phù hợp hơn.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, đây là một vấn đề lớn và đã được lên kế hoạch. Theo đó, sẽ có một hội nghị toàn quốc cho tất cả các giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp được tổ chức trong tháng 11 để các đại biểu trao đổi các nội dung liên quan nhằm tháo gỡ các ‘điểm nghẽn’ đối với hoạt động của trung tâm mang tính tích hợp này.
Các vấn đề giáo dục, đào tạo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ, đồng thời với các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trao đổi về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển đào tạo nói chung.
Tin tưởng rằng, những giải pháp sắp tới từ người đứng đầu và các cơ quan, ban ngành liên quan trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và nâng cao vị thế quốc gia.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google