Giảng viên Trường Đại học Hồng Đức đột nhập phòng kế toán trộm cắp tài sản

Lam Linh
10:52 - 11/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Lợi dụng trời mưa to, cơ quan vắng người, một giảng viên của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã đột nhập phòng kế toán trường, trộm cắp tài sản để tiêu xài cá nhân và đem trả nợ.

Giảng viên Trường Đại học Hồng Đức đột nhập phòng kế toán trộm cắp tài sản - Ảnh 1.

Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá), nơi xảy ra vụ việc.

Giảng viên Trường Đại học Hồng Đức lấy trộm gần 130 triệu đồng

Ngày 11/7, thông tin từ Công an Thành phố Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa bắt giữ đối tượng Đỗ Ngọc Hà (sinh năm 1985), hiện là giảng viên Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) để điều tra, làm rõ hành vi "trộm cắp tài sản".

Trước đó, khoảng 9 giờ 30 tối ngày 23/6, lợi dụng thời tiết mưa to, cơ quan đang vắng người, Đỗ Ngọc Hà đã dùng các dụng cụ chuẩn bị từ trước (máy cắt khóa, búa, tuốc nơ vít), phá khóa, đột nhập phòng kế toán Trường Đại học Hồng Đức để lấy trộm gần 130 triệu đồng và 1 máy tính xách tay.

Sau đó, Đỗ Ngọc Hà thuê xe ôm đến nhiều địa điểm khác nhau để tiêu hủy vật chứng, còn số tiền mặt trộm được, Đỗ Ngọc Hà liền dùng tiêu xài cá nhân và đem trả nợ.

Được biết, trước khi bị bắt giam, Đỗ Ngọc Hà có học vị Tiến sĩ, giữ chức phó trưởng bộ môn, giảng dạy tại khoa Nông lâm - Ngư nghiệp, trường Đại học Hồng Đức.

Hiện vụ việc đang được Công an thành phố Thanh Hóa tiếp tục điều tra, làm rõ.

Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội "Trộm cắp tài sản" như sau:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.