Giảm thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu: Giải pháp tình thế nhằm mục tiêu lâu dài

Nguyễn Năng Lực
02:07 - 07/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn.

 Giảm thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu là quyết sách rất kịp thời và cần thiết, là động thái "cập thời vũ" trước thực tiễn cuộc sống đang nóng bỏng, được cử tri và nhân dân rất hoan nghênh.

Quyết sách kịp thời, cần thiết

Đây là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Với Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung đã tỏ rõ sự khẩn trương, ráo riết xử lý những vấn đề của đời sống.

Giảm thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu: Giải pháp tình thế nhằm mục tiêu lâu dài - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Ảnh: quochoi.vn

Còn nhớ, tại các kỳ họp của Quốc hội, nhiều đại biểu đã thay mặt cử tri chất vấn và tranh luận rất thẳng thắn, đặt ra nhiều câu hỏi thiết thực với các bộ trưởng và cơ quan Chính phủ về những vấn đề dân sinh bức xúc. Nhiều đại biểu đã kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân, giữ ổn định xã hội.

Ai cũng biết, xăng dầu là hàng hoá thiết yếu, có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Khi giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất tăng theo, đẩy giá hàng hoá dịch vụ lên cao. Áp lực tăng giá tác động đến tất cả thành phần trong xã hội.

Người nghèo, người lao động có thu nhập thấp vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất. Trời nắng nóng, uống một cốc nước mía giải khát, trước đây chỉ phải trả 10 nghìn đồng, nay đã tăng lên 12, 13 nghìn đồng, tức là tăng 20-30%. Đi một cuốc xe ôm, giá tăng ít nhất 15% mà thu nhập của chính người lái xe cũng không tăng được đồng nào.

Tuy việc giảm các loại thuế đối với xăng dầu để hạ giá xăng dầu có làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng đây là giải pháp có tác dụng kích cầu tiêu dùng trong nước, tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Trần Đăng Doanh, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên, vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi sau thời gian đình trệ vì dịch COVID-19, nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, nhất là lĩnh vực giao thông - vận tải, logictisc…

Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả các chính sách tài khóa đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Việc lựa chọn tiếp tục giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuất phát từ thực tế. Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế, gồm thuế Giá trị gia tăng 10%, thuế Nhập khẩu 10%, thuế Tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế Bảo vệ môi trường. 

Trong đó, thuế Bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế Nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế Tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm nhưng việc tiếp tục giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó khả thi.

Giảm thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu: Giải pháp tình thế nhằm mục tiêu lâu dài - Ảnh 3.

.Giá xăng dầu giảm sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển .Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Giải pháp tình thế nhằm mục tiêu lâu dài

Trước bối cảnh thế giới và trong nước chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, bởi ảnh hương của cuộc chiến tranh Nga - Ukraina, Chính phủ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Giải bài toán vừa giảm giá nguyên, nhiên liệu để kích cầu tiêu dùng, phục hồi sản xuất trong nước vừa bảo đảm nguồn thu ngân sách một cách hợp lý đòi hỏi người chèo lái con thuyền kinh tế đất nước phải vững tay chèo, khôn ngoan vượt qua thác ghềnh, sóng gió

Việc giảm thuế Bảo vệ môi tường với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế, theo Bộ Tài chính, dẫn đến ước giảm thu ngân sách nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế Giá trị gia tăng) khoảng 1.400 tỷ đồng.

Theo đó, tổng giảm thu ngân sách nhà nước do việc giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (tính cả phần giảm thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15) khoảng 32.538 tỷ đồng.

Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN (thuế Tối huệ quốc) từ 20% xuống mức phù hợp, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế Giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.         

Hiện nay, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu và cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu gồm: Thuế Nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, thuế Bảo vệ môi trường và thuế Giá trị gia tăng. Luật Phí và lệ phí không có quy định về thu phí, lệ phí đối với xăng dầu. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu nói chung khoảng xấp xỉ 25% và khoảng xấp xỉ 13% đối với dầu diesel.

Tuy việc giảm các loại thuế đối với xăng dầu để hạ giá xăng dầu có làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng đây là giải pháp có tác dụng kích cầu tiêu dùng trong nước, tạo động lực cho nền kinh tế đất nước phục hồi và phát triển.

Đó là giải pháp tình thế nhằm mục tiêu lâu dài.