Giải ngân hơn 700.000 tỷ, sức ép rất lớn

PV
09:11 - 03/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 vào tối ngày 2/2, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị quyết đầu tiên để chỉ đạo và điều hành nền kinh tế xã hội và ngân sách trong năm 2023...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Giải ngân hơn 700.000 tỷ, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo.

Sức ép giải ngân rất lớn trong năm 2023

Chính phủ đã lồng ghép Nghị quyết số 02 vào Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

"Đây là văn bản thể hiện rõ nhất các giải pháp dự kiến trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao... Trong đó nhấn mạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công. Chúng ta mới trải qua 1 tháng triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Chúng ta ở bước đầu tập trung vào công tác chuẩn bị, lên kế hoạch, chỉ tiêu... để sẵn sàng bước vào giai đoạn mới tăng tốc sau giai đoạn nghỉ Tết dài ngày", ông Phương cho biết.

Năm 2023, sức ép giải ngân rất lớn với số vốn khoảng hơn 700.000 tỷ, đòi hỏi công tác chỉ đạo điều hành, giám sát thực hiện phải triển khai đồng bộ.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện đúng phương châm của Nghị quyết 01, quyết liệt, sâu sát ngay từ ngày đầu năm mới. Thủ tướng đã đi thăm và chỉ đạo các dự án lớn của nền kinh tế, nhất là các tuyến đường cao tốc, sân bay lớn... Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03, yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2023 ngay từ đầu năm. Đồng thời, sẵn sàng đối phó với những khó khăn, thách thức có thể xảy ra.

Chuẩn bị tốt từ công tác lập kế hoạch, phê duyệt dự án

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối 2022, Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh việc tăng cường năng lực công tác dự báo, đặc biệt trong bối cảnh tình hình còn nhiều phức tạp. Đó là tiền đề để các cơ quan tham mưu, kiến nghị giải pháp phù hợp và bảo đảm thực hiện đúng phương châm Nghị Quyết 01 đề ra là: linh hoạt, hiệu quả, kịp thời trong bối cảnh 2023 khó khăn thách thức còn nhiều.

"Về đầu tư công, năm 2022 đã đạt tỷ lệ gần 93%. Đây là con số tích cực cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành địa phương và cả xã hội với công tác giải ngân công. Năm 2023, sức ép giải ngân rất lớn với số vốn khoảng hơn 700.000 tỷ, đòi hỏi công tác chỉ đạo điều hành, giám sát thực hiện phải triển khai đồng bộ. Bám sát chỉ đạo điều hành, giải pháp có trong Chỉ thị số 03 và Nghị quyết 01, bản thân các bộ ngành địa phương cũng có chương trình hành động trong đó nội dung liên quan hoạt động giải ngân đầu tư công", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2023, công tác chuẩn bị dự án, đặc biệt là lập kế hoạch, phê duyệt dự án sẽ giảm sức ép hơn. Đây là điều kiện tốt để bước vào thi công các dự án ngay từ đầu năm.

"Một trong những giải pháp khác nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động giải ngân vốn đầu tư công là tăng cường vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan bộ ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện, nhất là nội dung theo dõi, giám sát. Từ đó lắng nghe khó khăn thách để sẵn sàng có giải pháp hiệu quả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẵn sàng vào cuộc, lắng nghe kiến nghị của các bộ ngành, địa phương về các vướng mắc để có giải pháp khắc phục ngay từ đầu năm", ông Phương nhấn mạnh.