Giấc mơ tiền ảo

Nguyễn Năng Lực
13:27 - 10/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tiền ảo, tiền điện tử đang là mối quan tâm của rất nhiều người trên thế giới

Giấc mơ tiền ảo - Ảnh 1.

Bitcoin trở thành dồng tiền ảo có giá trị. Ảnh: IT

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista, hiện có hơn 6.000 loại tiền điện tử đang tồn tại. Các token (hình thức thanh toán) mới liên tục xuất hiện – mỗi token lại có một trường hợp sử dụng và câu chuyện đằng sau khác nhau.

Tiền ảo - từ vô danh trở thành nổi tiếng

Từ xưa đến nay, việc giao lưu hàng hóa bao giờ cũng bằng tiền tệ vật chất. Từ thủa sơ khai, đó là những viên sỏi, vỏ sò,  tiền kim loại, sau này là tiền giấy với kĩ thuật in ấn phức tạp. Hơn chục năm gần đây xuất hiện loại tiền điện tử, thường gọi là tiền ảo. 

Đến nay, tiền ảo vẫn không được công nhận là loại tiền tệ chính thức của bất kì quốc gia nào và hầu hết các quốc gia không thừa nhận loại tiền phi chính thống này. 

Nhưng bất chấp các rào cản pháp lí, tiền ảo đang dần phá vỡ các rào cản tâm lí của người tiêu dùng, trở thành hiện tượng mới đầy ấn tượng, dần khẳng định sức mạnh giá trị vốn hóa và vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu, lôi cuốn hàng trăm triệu người tham gia

Năm 2009, một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto lần đầu tiên phát hành đồng tiền ảo Bitcoin. Đây là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.

Hơn 10 năm qua, Bitcoin từ đồng mã hóa gần như vô danh trở thành cái tên hầu như ai cũng biết. CNBC dẫn lời Mati Greenspan, nhà phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch eToro, cho hay: "Hơn 10 năm qua, nó đi từ chỗ gần như không tồn tại cho đến chỗ hầu như cả thế giới đều hiểu nó là gì, bất chấp họ đồng ý với nó hay không".

Năm 2011, giá Bitcoin đạt 1USD. Tháng 11.2013, lần đầu tiên Bitcoin đạt 1.000 USD, cuối năm 2017 lên gần 20.000 USD. Ngày 8/8/2022, giá Bitcoin ghi nhận vào thời điểm 6h20 ở mức 23.123,91 USD sau khi đạt đỉnh vào thời điểm hơn 8h sáng ngày 9/11/2021 theo giờ Việt Nam là 67.553 USD.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định: Tiền ảo Bitcoin, các loại giống như tiền ảo không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp trên đất nước Việt Nam hiện nay.

Theo thống kê, có bảy loại tài sản tiền điện tử chính, bao gồm:

Tài sản kỹ thuật số dùng cho thanh toán, như bitcoin, litecoin và ethereum

Stablecoin (tiền ổn định) như tether, có giá trị được neo vào một tài sản cơ sở như dollar Mỹ

Tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, là một phiên bản số hóa của tiền pháp định, được các quốc gia như Thụy Điển chấp nhận lưu hành

Tiền ẩn danh, được tạo ra nhằm cung cấp tính ẩn danh cho cả người gửi và người nhận

Token quản trị, chủ sở hữu của tài sản này có quyền bỏ phiếu cho các quyết định ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của blockchain

Token tiện ích, cấp cho người dùng quyền truy cập vào các dịch vụ cụ thể

Token không thể thay thế, là những token có các đặc điểm riêng biệt để phân biệt với các token khác.

Thành công của Bitcoin đã dẫn đến sự phát triển của nhiều loại tiền điện tử khác, thường được gọi là loại tiền thay thế (altcoin). Hầu hết các altcoin đều tự cung cấp dựa trên giao thức Bitcoin. Hầu hết các đồng trong số này vẫn còn rẻ và dễ dàng hơn để mua hoặc khai thác. Các altcoin phổ biến nhất là:

Litecoin - giống như hầu hết các altcoin, nó dựa trên giao thức Bitcoin, nhưng được thiết kế để đảm bảo rằng việc khai thác rẻ hơn và dân chủ hơn nhiều so với BTC.

Ethereum - còn được gọi là Bitcoin 2.0, là một sự thay thế cho Bitcoin. Giá đồng Ethereum đã tăng mạnh khi một số vấn đề với BTC xảy ra và khi một bản cập nhật của hệ thống của nó được công bố. Việc này giúp thanh toán Ethereum cũng dễ dàng hơn và nhanh hơn.

Ripple - một loại tiền điện tử ngang hàng (P2P) mã nguồn mở, cung cấp tất cả các tính năng tương tự Bitcoin nhưng cũng có các khả năng nâng cao khác, bao gồm các giao dịch tức thời.

Pi Network - đồng tiền ảo mới nổi
Giấc mơ tiền ảo - Ảnh 3.

Pi có thể được "đào" trực tiếp trên smartphone, không cần sử dụng siêu máy tính. Ảnh: Năng Lực

Khoảng 3 năm nay, trên không gian mạng xuất hiện đồng tiền điện tử Pi Network, tên đồng tiền đặt theo số Pi trong toán học. Ba gương mặt nòng cốt của nhóm phát triển Pi là Tiến sĩ Nicolas Kokkalis - lãnh đạo kỹ thuật, Tiến sĩ Chengdiao Fan - chủ sở hữu sản phẩm và Vincent McPhillip - lãnh đạo Cộng đồng Pi Network. 

Trong đó, Nicolas Kokkalis (bên phải ảnh), giáo sư người Hy Lạp đang giảng dạy tại Đại học Stanford (Mỹ), chuyên về khoa học máy tính và công nghệ blockchain được xem như “linh hồn” của Pi Network.

Pi Network được nhóm phát triển giới thiệu là loại tiền ảo có thể được "đào" trực tiếp trên smartphone, không cần sử dụng siêu máy tính. Giới thạo tin cho rằng Pi có thể thay thế Bitcoin trong tương lai

Tuy mới ra đời, nhưng Pi đã có hơn 35 triệu người tiên phong (Pioneer) đang ngày đêm miệt mài "đào Pi".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Pi Network có dấu hiệu không an toàn cho người dùng khi yêu cầu người tham gia phải cung cấp thông tin cá nhân một cách chi tiết. Pi cũng thường đưa ra những lời hứa hẹn nhưng không thực hiện được

Giấc mơ tiền ảo - Ảnh 4.

Nhóm phát triển Pi. Ảnh: Pi Network

Một trong những yêu cầu của Pi Network là người dùng phải được nhận diện (KYC). Mặc dù khẳng định có thể KYC cho 90.000 người mỗi ngày, nhưng sau gần nửa năm, Pi Network mới KYC được 1,5 triệu người, theo công bố của nhà sáng lập hồi cuối tháng 6. Phần lớn người dùng còn lại vẫn chưa được KYC và chưa thể sử dụng số Pi của mình cho bất cứ việc gì.

Tiền ảo lưu hành như thế nào?

Không như các loại tiền tệ vật chất truyền thống, như dollar hoặc euro, Bitcoin không được in ra. Thay vào đó, Bitcoin được sản xuất bởi những người sử dụng máy tính trên khắp thế giới, sử dụng phần mềm để giải quyết các vấn đề toán học.

Một sự khác biệt đáng kể khác giữa tiền ảo và tiền thật là ngân hàng. Mục tiêu nhiệm vụ của các Ngân hàng Trung ương là tạo ra sự ổn định tiền tệ. Tuy nhiên, Ngân hàng Bitcoin không tồn tại vì bản thân Bitcoin đã là một ngân hàng. Có một sổ thanh toán độc lập cung cấp thông tin về trạng thái sở hữu của tất cả người dùng và lịch sử giao dịch giữa họ. Hơn nữa, số lượng Bitcoin là có hạn. Điều này cũng hạn chế vai trò của tổ chức giám sát.

Trong khi các Ngân hàng Trung ương có thể in nhiều tiền hơn khi họ muốn, Bitcoin có số lượng hữu hạn: đến năm 2140 sẽ chỉ có 21.000.000 bitcoin được lưu hành. Giống như Vàng, nguồn cung của Bitcoin là có hạn.

Với phần lớn các loại tiền ảo, giá trị của nó được neo vào đồng tiền vật chất truyền thống như dollar, euro... và giá trị của nó thay đổi, gần giống như trên thị trường chứng khoán. Riêng đồng tiền Pi Network xác định giá trị trao đổi băng giá đồng thuận giữa người mua và kẻ bán. Gần đây, trên không gian mạng đã xuất hiện thông tin về những cuộc giao dịch bằng đồng Pi. Cộng đồng Pioneers của Pi Network cũng đã tự phát thành lập những nhóm và những cửa hàng Online trao đổi bằng Pi. 

Nhiều Pioneers mơ có ngày mỗi Pi sẽ có giá trị hàng trăm nghìn USD, như và hơn đàn anh của nó là đồng Bitcoin.

Chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế qua tiền ảo

Trong cuộc họp báo thường kì tháng 7 tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định: Tiền ảo Bitcoin, các loại giống như tiền ảo không phải tiền pháp quy, không phải tiền điện tử và càng không phải tiền thanh toán hợp pháp trên đất nước Việt Nam hiện nay.

Giấc mơ tiền ảo - Ảnh 5.

Tôi phạm công nghệ cao có thể lợi dụng tiền ảo để rưa tiền thật. Ảnh: IT

Tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10 và sau đó 2 ngày, Ngân hàng Nhà nước có Chỉ thị 02 chỉ đạo các ngân hàng thực hiện giao dịch bảo đảm  không xảy ra những rủi ro và lợi dụng tiền ảo tương tự trong các hoạt động giao dịch. Hai chỉ thị này yêu cầu các tổ chức tín dụng hay tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch, nhiệm vụ liên quan đến tiền ảo cho khách hàng do có thể phát sinh những rủi ro về rửa tiền, về tài trợ khủng bố hoặc gian lận trốn thuế.

Cơ quan An ninh Bộ Công an đã quan tâm đến hoạt động của tiền ảo trên lãnh thổ Việt Nam để ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như rửa tiền, trốn thuế...

Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền và trên cơ sở khuyến nghị của các tổ chức phòng chống rửa tiền thế giới, các quốc gia đều phải quan tâm đến những tài sản, sản phẩm gọi là công nghệ trong lĩnh vực tài chính để bảo đảm quản lý chặt chẽ, không để lợi dụng rửa tiền, tài trợ cho khủng bố hoặc trốn thuế...

Diễn biến, số phận của các đồng tiền ảo chắc chắn sẽ còn nhiều phức tạp. Vấn đề là, đẻ tránh những rắc rối về pháp lý, mỗi người chơi tiền ảo cần hiểu rõ quy định của pháp luật và chỉ được phép hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Nguồn: Tổng hợp