Giá xăng tăng lần thứ 2 liên tiếp, vượt 22.400 đồng/lít
Từ 15 giờ ngày 20/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo chiều hướng đồng loạt tăng.
Giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng
Theo đó, giá xăng RON E5 tăng 190 đồng/lít, giá bán lên mức 21.500 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 230 đồng, giá bán chạm ngưỡng 22.460 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu có giá mới 17.220-20.360 đồng/lít. Trong đó, dầu diesl tăng 720 đồng, lên 20.360 đồng/lít. Dầu hỏa, mazut cũng tăng thêm 340-500 đồng.
Tương tự kỳ điều hành trước, hôm nay liên Bộ không trích, chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng nhiên liệu. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng có 14 lần tăng, 10 lần giảm. Mặt hàng dầu có 12 lần tăng giá, 12 lần giảm giá.
Giá xăng dầu thế giới
Trên thị trường thế giới, lúc 6 giờ ngày 20/6, giá dầu Brent giao dịch ở mức 85,27 USD/thùng, giảm 0,8 USD so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 81,47 USD/thùng, giảm 0,1 USD.
Giá dầu giảm nhẹ do lo ngại xung đột leo thang và tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng. Xung đột ở Trung Đông, căng thẳng địa chính trị giữa Israel và Hezbollah đang leo thang. Điều này khiến nguồn cung dầu thô từ các nhà sản xuất chủ chốt có thể bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Bởi nếu cơ quan này cắt giảm lãi suất thì có thể làm giảm chi phí đi vay, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh tế, nâng cao mức tiêu thụ dầu, khiến giá dầu đắt lên.
Tuy nhiên, giá dầu vừa trải qua 1 tuần tăng mạnh sau 3 tuần giảm liên tiếp. Tính chung tuần, cả 2 loại dầu chuẩn là dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 4%. Đây là mức tăng hàng tuần cao nhất kể từ tháng 4. Thực tế, giá dầu thế giới vẫn tiếp đà tăng cao trong những phiên đầu tuần và chỉ giảm nhẹ trong phiên hôm nay.
Tình hình kinh doanh xăng dầu trong nước
Liên quan đến kinh doanh xăng dầu, theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, có 16 doanh nghiệp xăng dầu đề nghị trả lại giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu. Lý do là các doanh nghiệp này không duy trì được đủ điều kiện hoạt động nên chủ động trả lại giấy phép.
Theo thông tin từ đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc tham gia và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, trong đó xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên không là ngoại lệ.
Việc phải đưa ra quy định quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán xăng dầu của thương nhân phân phối, trong đó chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua hàng từ các thương nhân đầu mối và không được mua bán lẫn nhau nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua.
Với số lượng doanh nghiệp xăng dầu rời bỏ thị trường thời gian qua, việc cung ứng xăng dầu vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu. Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó xác lập lại các quyền và nghĩa vụ của thương nhân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google