Giá xăng sẽ còn tiếp tục giảm vào 21/8 tới?

Quỳnh Giang
16:40 - 14/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch cuối tuần tiếp tục giảm, như vậy giá xăng dầu trong nước cũng có thể sẽ tiếp tục giảm trong kì điều hành tới - ngày 21/8.

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm

Dữ liệu từ Oilprice cho thấy, thời điểm 15h30 ngày 14/8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 92,09 USD/thùng, giảm 2,25 USD, tương đương 2,38%. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 98,15 USD/thùng, giảm 1,46%, tương đương 1,45 USD.

Theo giới phân tích, giá dầu biến động giảm mạnh trong phiên cuối tuần do lo ngại gián đoạn nguồn cung. Cụ thể, ngày 11/8, đoạn đường ống dẫn dầu của Shell ngoài vịnh Mexico bị hư hỏng nặng khiến 3 khoan dầu trong khu vực này (được thiết kế để sản xuất tổng cộng 410.000 thùng/ngày) buộc phải gián đoạn sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, giá dầu thế giới là cơ sở để nhà quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Khi giá dầu thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo và ngược lại.

Giá xăng có thể giảm xuống 21.000 đồng/lít

Theo Bộ Công thương, ngày 13/8, giá xăng A95 nhập từ Singapore vẫn duy trì mức giá thấp là 106 USD/thùng. Mức giá này bằng với đầu năm 2022, khi đó giá xăng còn nguyên thuế bảo vệ môi trường là 24.360 đồng. Nếu loại trừ thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì riêng giá xăng là 21.060 đồng.

Thực tế, giá xăng trong nước hoàn toàn có thể giảm xuống 21.000 đồng/lít vì tính từ ngày 1/7 đến kỳ điều chỉnh 11/8 thì quỹ bình ổn đã trích đến 3.500 đồng/lít.

Trong khi giá xăng ngày 11/8 vẫn là 24.669 đồng. Như vậy, nếu không trích lập quỹ bình ổn thì giá xăng trong nước lẽ ra phải là 21.169 đồng, tương đương với giá xăng nhập khẩu.

Giá xăng trong nước hiện đang giảm chậm hơn giá xăng nhập khẩu nếu tính theo giá trị phần trăm. Cụ thể, giá xăng nhập từ mức đỉnh cao là 160 USD/thùng hiện đã rớt xuống mức 106 USD, giảm hơn 33%. Trong khi đó, giá xăng trong nước tăng đỉnh điểm hơn 30.000 đồng/lít và rớt xuống mốc 24.000 đồng, giảm khoảng hơn 20%.

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, nếu giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc, giá xăng nhập vẫn hạ nhiệt hoặc đi ngang trong những ngày tới thì giá xăng, dầu trong nước vào kỳ điều hành tới - ngày 21/8 sẽ có cơ hội tiếp tục giảm. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể sẽ phụ thuộc vào biến động giá xăng, dầu thế giới trong một vài ngày tới cũng như mức trích, chi Quỹ Bình ổn xăng dầu của cơ quan điều hành.

Nếu đúng như dự đoán thì giá xăng, dầu trong nước vào kỳ điều hành tới sẽ có lần thứ 6 hạ giá liên tiếp.

Giá xăng sẽ còn tiếp tục giảm? - Ảnh 1.

Giá xăng, dầu trong nước có thể giảm lần thứ 6 liên tiếp vào kỳ điều hành tới. Ảnh: nhandan.vn

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước có 21 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng và 8 lần giảm. Lần giảm giá mạnh nhất là 3.600 đồng/lít ở kỳ điều hành ngày 21/7 và lần tăng mạnh nhất gần 3.000 đồng/lít. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước xuống tương đương mức giá cuối tháng 1/2022.

Tại kỳ điều hành ngày 11/8 vừa qua, các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá cho các mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 940 đồng/lít, giá bán còn 24.660 đồng/lít; xăng E5 giảm 900 đồng/lít, giá bán là 23.720 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel 0.05S-II giảm 1.000 đồng/lít, giá bán còn 22.900 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.210 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 23.320 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ mức nguyên giá là 16.540 đồng/kg.

Trong các kỳ điều hành gần đây, cơ quan quản lý đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít. Tuy nhiên, trong kỳ điều chỉnh ngày 11/8 vừa qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã không chi, nhưng lại thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 ở mức 700 đồng/lít, với xăng RON 95 ở mức 750 đồng/lít.

Nghiên cứu kiến nghị hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao

Sau khi xem xét các kiến nghị của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao, tại Công văn số 5142/VPCP-NN ngày 12/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Công Thương.

Trong đó, nghiên cứu về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp và hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân để có tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời.