Giá xăng giảm mạnh trước Tết, bà con "phấn khởi"

PV
09:59 - 09/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 29 Tết, giá xăng RON 95 giảm mạnh, về mốc 23.000 đồng/lít, nhiều người dân phấn khởi "đổ xăng trước Tết".

Giá xăng giảm mạnh trước Tết, RON 95 về mốc 23.000 đồng/lít

Chỉ 1 ngày trước 30 Tết, giá xăng dầu được cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 về mốc 23.000 đồng/lít. 

Cụ thể, giá xăng E5 giảm 790 đồng/lít, giá bán là 22.120 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 900 đồng/lít, giá bán là 23.260 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 290 đồng/lít, giá bán là 20.700 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ Tài chính - Công Thương chỉ trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Cơ quan quản lý không trích lập và cũng không chi Quỹ Bình ổn đối với tất cả loại xăng dầu còn lại.

Vào dịp Tết, người dân thành phố thường có thói quen rửa xe và đổ xăng đầy bình để tiện đi chơi Tết. Trong ngày cuối năm, các cơ sở rửa xe và cửa hàng xăng dầu đều trở nên đông đúc, thậm chí xuất hiện hiện tượng "thổi giá", tuy nhiên với việc điều hành giá xăng ổn định, giúp người dân tránh khỏi tình trạng cò mồi, xếp hàng, chờ đợi để tiện chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ lớn nhất của năm.

Có thể nói, giá xăng đã ghi nhận một đợt giảm mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán mang lại động lực khích lệ người tiêu dùng và doanh nghiệp vui xuân đón Tết.


Bộ Công thương chỉ đạo đảm bảo cung cấp xăng dầu ổn định, đầy đủ dịp Tết

Trước đó, ngày 6/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình đảm bảo cung cấp xăng dầu, điện Tết Nguyên đán 2024 cũng như triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN) , Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Xăng dầu quân đội (Mipecorp) và một số đơn vị trực thuộc.

Bộ trưởng nhấn mạnh, xăng dầu và điện là những mặt hàng chiến lược không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về an ninh quốc phòng và an toàn xã hội.

Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất là không để gián đoạn nguồn cung, không để thiếu điện - xăng dầu trong mọi tình huống, trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị Petrolimex, Mipecorp cần bám sát diễn biến thị trường, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh hơn nữa mạng lưới phân phối bán lẻ; chủ động, xây dựng các phương án dự phòng để trong mọi tình huống đều bảo đảm đủ xăng, dầu, nhất là trong bối cảnh 2024 được dự báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước.

Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty liên quan cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có kế hoạch cụ thể để triển khai các kịch bản, phương án cung ứng, kinh doanh xăng dầu, cung ứng đủ nguồn hàng; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường trong và sau dịp Tết.

Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng tiếp cận nhiều hơn với thị trường nhằm vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động có hiệu quả vừa bảo đảm công tác quản lý của Nhà nước.