Giá xăng có thể giảm xuống mức 25.000 đồng/lít tại kỳ điều hành ngày 21/7

Quỳnh Giang
12:38 - 20/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Do giá xăng thế giới tuần qua có xu hướng giảm nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành ngày 21/7 có thể sẽ giảm mạnh. Giá xăng E5 RON 92 có thể về mức 25.000 đồng/lít.

Ngày 21/7 sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ

Ngày mai (21/7), Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.

Dự báo, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày 21/7 sẽ giảm tới 3.000 đồng/lít, còn giá dầu diesel cũng giảm đến 1.600 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 20/7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg.

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, giá bán lẻ xăng trong nước đang cao hơn giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore khoảng 2.600-3.000 đồng/lít, còn giá dầu diesel, dầu hỏa trong nước cũng đang cao hơn khoảng 1.000-1.600 đồng/lít.

Vì vậy, trong kỳ điều hành ngày 21/7, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì mức giảm có thể sẽ tương ứng với mức chênh. Theo đó, giá xăng có thể giảm khoảng 2.600-3.000 đồng/lít, còn giá dầu diesel có thể giảm tới 1.600 đồng/lít.

Trường hợp cơ quan quản lý chi Quỹ Bình ổn, giá xăng, dầu trong nước vào ngày 21/7 thì giá bán lẻ xăng dầu có thể giảm ít hơn.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 3 liên tiếp. Giá xăng E5 RON 92 có thể về mức 25.000 đồng/lít.

Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Giá xăng E5 RON 92 từ đầu năm tới nay tăng tổng cộng 4.621 đồng/lít, còn giá xăng RON 95 tăng tới 5.794 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 11/7), giá xăng RON95 giảm 3.090 đồng/lít, giá bán là 29.670 đồng/lít. Xăng E5 giảm 3.110 đồng/lít, giá bán là 27.780 đồng/lít. Dầu diesel giảm 3.020 đồng/lít, giá bán là 26.590 đồng/lít.

Giá xăng có thể giảm xuống mức 25.000 đồng/lít tại kỳ điều hành ngày 21/7 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn:
nbcconnecticut.com

Giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô gần đây có xu hướng giảm mạnh.

Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 11 giờ 33 phút ngày 20/7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9 chững ở mức 107,0 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 8 ở mức 103,9 USD/thùng.

Reuters đưa tin, giá dầu thô đã tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 19/7 khi các nhà giao dịch lo lắng về nguồn cung thắt chặt và đồng bạc xanh yếu. Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đã leo dốc lên mức cao nhất trong hai tuần.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 1,08 USD, tương đương 1,0%, lên 107,35 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,62 USD, tương đương 1,6%, lên 104,22 USD/thùng.

Tuần qua, giá dầu WTI có lúc đã lùi về mốc 95 USD/thùng, còn giá dầu Brent nhiều thời điểm về dưới mốc 100 USD/thùng. Tính chung trong tuần qua, dầu thô Brent giảm giá tới hơn 5,5%.

Giá dầu thô Brent đã chốt phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 4/7 và giá dầu thô WTI cao nhất kể từ ngày 8/7. Trong phiên giao dịch, cả hai điểm chuẩn đã có thời điểm rớt giá khoảng 2 USD do dữ liệu kinh tế yếu từ khắp nơi trên thế giới.

Giá dầu tăng đột biến, lại thêm nỗi lo ngại về nguồn cung do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nhưng chịu áp lực bởi nỗ lực của các ngân hàng trung ương toàn cầu nhằm kiềm chế lạm phát, làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc suy thoái tiềm ẩn có thể cắt giảm nhu cầu năng lượng. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá mạnh cũng gây sức ép lên giá dầu. Thông thường, giá dầu diễn biến trái chiều so với đồng USD.

Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Arab Saudi với kỳ vọng đạt được một thỏa thuận về việc tăng sản lượng dầu để "hạ nhiệt" giá nhiên liệu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Arab Saudi, Hoàng thân Faisal Bin Farhan Al Saud cho biết, vấn đề của thị trường không phải là thiếu dầu thô mà là thiếu công suất lọc dầu.

Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 19/7 đã báo cáo mức tăng dự trữ dầu thô là 1,860 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự đoán mức tăng là 333,000 thùng; dự trữ xăng tăng 1,290 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 15/7, so với mức tăng 2,927 triệu thùng của tuần trước; dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 2,153 triệu thùng trong tuần, so với mức tăng 3,262 triệu thùng của tuần trước.

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 18/7 giảm mạnh so với kỳ tính giá trước đó vào ngày 11/7.

Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) trên thị trường Singapore là 112,7 USD/thùng, giá xăng RON 95 là 117,4 USD/thùng. Bình quân giá xăng dầu thế giới ở kỳ điều hành trước là 128,7 USD/thùng với xăng RON 92; giá xăng RON 95 là 136,53 USD/thùng.

Tương tự, giá các loại dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 18/7 cũng giảm.

Đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng

Bộ Tài chính đã hoàn thiện và có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%, thay cho phương án gửi xin ý kiến từ 20% xuống 12% trước đó.

Việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN theo phương án này vẫn bảo đảm có được dư địa để đàm phán các FTA mới trong tương lai và bảo đảm không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Đối với mặt hàng xăng động cơ, có pha chì, hiện nay gần như không có kim ngạch nhập khẩu và trong nước cũng không còn được phép sản xuất, sử dụng mặt hàng này nên đề nghị giữ như mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN như hiện hành.

Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết GGU với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hiện hành, mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể.

Về thời hạn áp dụng chính sách, Bộ Tài chính trình Chính phủ không quy định thời hạn áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng theo phương án nêu trên.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta.

Nguồn: (Tổng hợp)