Gia tăng tỷ lệ học sinh hút thuốc lá điện tử
Tại cuộc họp Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá tại Bộ Y tế ngày 8/2, việc gia tăng học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá điện tử được đề cập đến cùng nhiều giải pháp ứng phó.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện một số cục/vụ/đơn vị thuộc Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các thành viên của Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã nghe báo cáo từ đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Theo báo cáo của quỹ này, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi giai đoạn 2015-2020 đã có sự phân hóa (điều tra tại 34 tỉnh thành trên toàn quốc. Tỷ lệ chung giảm từ 22,5% của năm 2015 thì đến năm 2020, tỷ lệ này còn 21,7%; nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% xuống còn 42,3%.
Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại các địa điểm công cộng cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, tại nơi làm việc giảm từ 42,6% còn 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống còn 56%; tại nhà hàng giảm từ 80,7% còn 78,1%; quán bar/cafe/trà giảm từ 89,1% xuống còn 86,2%. Tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá khi đến các cơ sở y tế trong 5 năm từ 2015 - 2020 có xu hướng gia tăng, từ 40,5% lên 72,2%...
Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp là việc xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; tỷ lệ sử dụng thuốc lá đang gia tăng trong nhóm người trẻ. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh từ 13 - 15 tuổi là 3,5% trong số những người được hỏi. Tương tự, với nhóm người trên 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã là 3,6%, tăng 18 lần so với năm 2015".
Khuyến cáo của WHO về ứng phó với tình trạng người trẻ hút thuốc lá
Theo WHO, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma tuý, cần sa.
Nhiều em học sinh không biết hoặc có biết nhưng cố tình bỏ qua những khuyến cáo về những thành phần hóa chất độc hại, thậm chí là cả ma túy có trong thuốc lá điện tử.
Nếu không quyết liệt ngăn chặn thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề trong tương lai. Và các kết quả phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ bị phá bỏ.
Theo khuyến cáo của WHO, để ngăn chặn việc hút thuốc lá ở giới trẻ cần có những biện pháp mạnh mẽ, cụ thể là tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm sức mua nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm thuốc lá, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên; Cần xây dựng môi trường không khói thuốc lá đặc biệt lưu ý những khu vực công cộng mà giới trẻ hay đến như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi; Tăng cường thực thi các quy định cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại, và tài trợ dưới mọi hình thức; Tăng cường quản lý việc bán thuốc lá cho nhóm trẻ vị thành niên, cấm bán thuốc lá ở khu vực quanh trường học, đặc biệt ngăn chặn việc tiếp cận và sử dụng ngày càng gia tăng thuốc lá điện tử; Theo dõi và giám sát việc sử dụng thuốc lá thông qua các công cụ điều tra giám sát số liệu. Những khuyến cáo này được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào Kế hoạch hành động về kiểm soát thuốc lá khu vực Tây Thái Bình Dương đến năm 2030.
Những vấn đề gặp phải trong phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - bà Phan Thị Hải phát biểu tại cuộc họp: Một trong những khó khăn khi triển khai công tác này là thuế thuốc lá của Việt Nam còn thấp khi chỉ là 75% giá trị xuất xưởng; nếu tính trên giá bán lẻ, mức thuế này chỉ chiếm khoảng 38,8%.
Việc cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì đã áp dụng 10 năm mà chưa được thay đổi. Khả năng tiếp cận với thuốc lá hiện nay rất dễ dàng, hàng quán nào cũng có thể bán thuốc lá.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh khẳng định Bộ cũng rất quan tâm tới nội dung này. Trong năm học 2021-2022, Bộ đã chỉ đạo sâu sắc vấn đề phòng chống tác hại của thuốc lá tới các địa phương, đơn vị, nhà trường thông qua nhiều hình thức. Trong đó có hệ thống các văn bản, hoạt động, tuyên truyền như hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5.
Một trong những điểm đáng lo ngại chính là tình trạng nhóm đối tượng học sinh, thanh thiếu niên, sinh viên sử dụng thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn thanh niên và các nhà trường để kiểm tra, tuyên truyền tới các em nhằm xây dựng môi trường học đường lành mạnh, không khói thuốc lá.
Bộ cũng đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, tập huấn và đưa ra hướng dẫn về công tác truyền thông trong các nhà trường về phòng chống tác hại thuốc lá. Mục tiêu nhằm giúp các em học sinh, sinh viên nhận diện được những tác hại, hậu quả của việc sử dụng thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn và biên soạn thí điểm các tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông. Trong đó có Quyết định tập huấn tập trung cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ở 5 tỉnh Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Cần Thơ.
Trong năm 2023 và thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hơn nữa các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Các cơ sở giáo dục phải thường xuyên khai thác, sử dụng những tài liệu hướng dẫn của Bộ để truyền thông tới học sinh, sinh viên về tránh xa các sản phẩm thuốc lá.
Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế để cho ra những tài liệu tuyên truyền để thực hiện lồng ghép trong các hoạt động giáo dục cho học sinh về tác hại thuốc lá.
Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2023-2024 phải tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; nâng cao năng lực về phòng chống tác hại thuốc lá để tổ chức thực hiện môi trường không khói thuốc, chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây thuốc lá; tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google