Công dân khuyến học

Gia đình học tập xây dựng từ tình yêu đặc biệt với môn Lịch sử

Gia đình học tập xây dựng từ tình yêu đặc biệt với môn Lịch sử

16:50 - 01/05/2025
Công dân & Khuyến học trên

Gia đình cô giáo người dân tộc ở Lạng Sơn - nơi địa đầu Tổ quốc say mê lịch sử. Càng đi sâu, càng tìm thấy tình yêu cháy bỏng với lịch sử dân tộc, từ đó xây dựng "Gia đình học tập".

Bài dự thi cuộc thi viết về Gia đình học tập của tác giả: Hứa Minh Nguyệt, Long Thị Thanh (Lạng Sơn)

Gia đình học tập xây dựng từ tình yêu đặc biệt với môn Lịch sử - Ảnh 1.

Cô giáo Bùi Thị Thanh Vân cùng các học sinh 12A1 tham gia văn nghệ tại trường THPT Lương Văn Tri (Lạng Sơn).

Ngày nay, nhiều người cho rằng việc học lịch sử là khô khan, cứng nhắc và nhàm chán. Sách Lịch sử đã đẹp hơn nhưng khối lượng kiến thức vẫn đồ sộ, thời lượng trên lớp học không đủ khai thác sâu kiến thức. Điều này làm giảm sự yêu thích môn học lịch sử của học sinh. Trong bối cảnh đó, vai trò của giáo viên sẽ phải là cầu nối, là người truyền cảm hứng để học sinh tiến gần hơn với lịch sử dân tộc.

Gia đình cô giáo Bùi Thị Thanh Vân ở Lạng Sơn có niềm yêu thích đặc biệt với lịch sử. Cô Bùi Thị Thanh Vân (sinh năm 1983) và chồng Nguyễn Hữu Lê Lộc (sinh năm 1980) đều là giáo viên dạy lịch sử tại huyện Văn Quan từ năm 2007.

Với quá trình giảng dạy gần 18 năm, hai thầy cô đã tiếp nối tình yêu với lịch sử, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh, đánh thức và làm thêm sâu đậm hơn tình yêu lịch sử trong biết bao trái tim học trò.

Gia đình học tập xây dựng từ tình yêu đặc biệt với môn Lịch sử - Ảnh 2.

Cô giáo Bùi Thị Thanh Vân cùng các đồng nghiệp được trao danh hiệu nhà giáo ưu tú năm 2023.

Cùng say mê ươm mầm tình yêu với lịch sử

Vốn xuất thân trong một gia đình có mẹ làm giáo viên dạy Ngữ văn, cô Bùi Thị Thanh Vân đã được mẹ định hướng theo sư phạm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và cũng chính mẹ đã tạo cho cô động lực mạnh mẽ nhất để cô quyết tâm theo học con đường sư phạm. 

Làm mẹ đơn thân chẳng hề dễ dàng nhưng người phụ nữ ấy có thể gánh vác tất cả trên vai chỉ để con mình có thể theo đuổi con chữ, theo đuổi học tập. Trong mắt cô, mẹ đã phải làm nhiều công việc tới mức "sáng mẹ là cô giáo, chiều mẹ hóa nông dân, những ngày nghỉ mẹ thành cô bán hàng xén ở các chợ phiên, mẹ là mẹ, mẹ là cha" - Cô giáo Thanh Vân viết về mẹ.

Người mẹ ấy đã muốn cô đi học tới mức kiên định rằng "Bây giờ con chỉ cần học tất cả mọi thứ để mẹ lo". Cũng từ đây mà người con xứ Lạng ngày càng ham học, ngày càng quyết tâm theo đuổi nghề giáo.

Quyết tâm, nỗ lực, cố gắng là thế nhưng may mắn không đến với cô. Năm 2002 cô đã trượt Đại học sư phạm I Hà Nội. Từ đây buộc cô phải theo học lớp tạo nguồn do Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn thành lập và tham gia kỳ thi vượt rào để theo học tại trường Đại học sư phạm I Hà Nội. 

Sau khoảng thời gian học này, tình yêu với lịch sử bùng lên trong tim khiến cô làm trái ý mẹ. Và cũng chính quyết định theo học sư phạm lịch sử đã tạo ra bước ngoặt mới trong chính cuộc đời của cô. Sự lựa chọn này đã tạo cơ hội cho cô nên duyên với người chồng có chung niềm yêu thích lịch sử trong lớp đại học.

Gia đình học tập xây dựng từ tình yêu đặc biệt với môn Lịch sử - Ảnh 3.

Gia đình cô giáo Bùi Thị Thanh Vân.

Gia đình truyền lửa lịch sử tới các lớp thế hệ học sinh

Cô Bùi Thị Thanh Vân là giáo viên công tác tại trường THPT Lương Văn Tri, Văn Quan, Lạng Sơn. Trong suốt thời gian giảng dạy, cô đã truyền lửa cho không ít học sinh, cũng như gặt hái một số thành tích. 

Nổi bật là trong công tác ôn học sinh giỏi bộ môn lịch sử, cô đã ôn luyện và đạt 54 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và có học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. 

Trong năm 2023 cô được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và được trao tặng bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2024. Tất cả đều minh chứng cho tình yêu nghề, yêu bộ môn lịch sử của cô.

Quan điểm giảng dạy của cô giáo Thanh Vân là giáo viên cần nắm chắc về chuyên môn và giảng dạy bằng cả trái tim. Cô khẳng định rằng việc nắm chắc chuyên môn sẽ giúp làm chủ được kiến thức, từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp và truyền đạt bằng cả trái tim thì mới chạm đến cảm xúc học trò mà bồi đắp tình cảm, sự thích thú với lịch sử. 

Cô Bùi Thị Thanh Vân là tấm gương về tinh thần học tập là nguồn động lực cho sinh phấn đấu. Học sinh ra trường của cô từng tâm sự: "Thấy cô lên lớp dạy rất tâm huyết nên bọn em càng thêm cố gắng, thấy cô chăm chỉ bọn em càng muốn chăm chỉ. Cô không chỉ truyền đạt tri thức mà còn quan tâm, thấu hiểu tâm lý học sinh".

Còn chồng cô là thầy Nguyễn Hữu Lê Lộc là người con của vùng đất quê hương cách mạng Tuyên Quang. Kế thừa truyền thống học tập của gia đình với mẹ của thầy là sinh viên bước ra từ cánh cửa của đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau này bà được phân công làm việc tại nhà máy dệt tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ rồi về giảng dạy khoa học kĩ thuật ở trường nghề tại Tuyên Quang. 

Điều đáng ngưỡng mộ là các anh chị em trong gia đình đều là học sinh trường THPT chuyên Tuyên Quang. Vốn có tình yêu với lịch sử và được học tập tại trường chuyên, thầy tích lũy rất nhiều kiến thức. Nhờ vậy mà thầy đã trở thành giáo viên lịch sử. 

Thầy công tác tại trường THPT Văn Quan (Lạng Sơn) từ năm 2007. Tình yêu lịch sử và tâm huyết với nghề của thầy đã kết trái ngọt ngay khi lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi sử của trường đã có học sinh đạt giải ba cấp tỉnh. Trong sự nghiệp giảng dạy của mình có thể thấy được tâm huyết với nghề, quan tâm đến học sinh và tình yêu lịch sử sâu sắc của thầy. 

Ngoài giờ làm việc trên trường, khi ở nhà thầy vừa là bạn đồng hành, là đồng nghiệp với cô Vân. Cùng là giáo viên dạy lịch sử, hai vợ chồng vẫn thường xuyên trao đổi với nhau về kiến thức chuyên môn, đồng thời người luôn hỗ trợ nhau trong công việc.

Gia đình học tập xây dựng từ tình yêu đặc biệt với môn Lịch sử - Ảnh 4.

Gia đình nhà giáo dạy Lịch sử trở thành tấm gương cho thế hệ học trò về tinh thần học tập. Gia đình thầy cô cùng đi du lịch, tham quan Đường Hồ Chí Minh ở Cà Mau.

Ở tuổi 41, độ tuổi mà nhiều người chỉ mong làm tốt công việc hiện tại của mình, hàng tháng nhận lương và dành nhiều thời gian cho gia đình. Còn cô Vân vẫn tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, tại Thái Nguyên. Và động lực để cô tiếp tục học thạc sĩ không chỉ đơn thuần xuất phát từ tình yêu với lịch sử, sự động viên từ gia đình hay đồng nghiệp. Phần nhiều vì là một người mẹ, cô luôn muốn làm tấm gương cho các con mình noi theo. Đồng thời là nhắc nhở các con của mình rằng việc học tập là một quá trình liên tục và suốt đời chứ không phải là một thời điểm hay một giai đoạn nào đó. 

Gia đình cô thường đưa các con đi tham quan các địa điểm, du lịch liên quan đến lịch sử. Sau mỗi chuyến đi gia đình gia đình cô lại khám phá thêm được những câu chuyện lịch sử mới.

Được biết hai con của cô đều có tình yêu với lịch sử. Con trai đầu là Nguyễn Hữu Đức Lưu hiện đang trong ôn đội tuyển lịch sử của trường. Cậu bé luôn không ngừng nỗ lực rèn luyện, đặc biệt là tìm hiểu những câu chuyện, khám phá những trang mới của lịch sử dân tộc. Và khó ở đâu, sai ở đâu bố mẹ luôn giúp cậu giải đáp, mỗi lần như thế cậu càng hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Với cậu lịch sự không chỉ là môn học, đó còn là sở thích, niềm đam mê của cậu.

Còn con gái cô là Nguyễn Minh Ngọc hiện đang học cấp hai cũng có một tình yêu mãnh liệt với lịch sử. Lịch sử với em không chỉ là những bài giảng trên lớp, những câu chuyện mà bố mẹ hay kể. Lịch sử trong em còn ở những cuốn sách, những bộ phim, hay những video tái hiện lại lịch sử dân tộc. "Hiểu sâu, nhớ kỹ và ham học" là nhận xét của nhiều thầy cô khi trực tiếp dạy học em. Trong nhiều năm em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và em mong muốn trong tương lai có thể ôn tuyển học sinh giỏi lịch sử để có thể mở thêm trang lịch sử hào hùng của dân tộc.

Hành trình khám phá lịch sử của gia đình cô giáo Bùi Thị Thanh Vân ở Lạng Sơn đã minh chứng cho tình yêu môn Lịch sử, tình yêu với những trang sử hào hùng của dân tộc. Lịch sử hòa vào máu, vào tim, vào tâm hồn của gia đình cô. Học sử không phải là nghĩa vụ, học sử là để trái tim ta được rung lên mỗi khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng. 

Mình là người Việt Nam máu đỏ da cam vàng phải hiểu, phải yêu, phải tự hào về dòng chảy lịch sử nước nhà. Đó là điều cô và thầy luôn nói với học trò, với các con. Gia đình cô giáo Bùi Thị Thanh Vân đã truyền lửa cho bao thế hệ học sinh, đánh thức truyền thống yêu nước trong lòng nhiều gia đình.

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon