Tăng giá điện, nhiều biện pháp tiết kiệm được kích hoạt

Quang Minh
06:07 - 05/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4/5/2023, nhiều biện pháp tiết kiệm điện và giải pháp ổn định tình hình giá cả được đưa ra.

Tác động không nhiều tới lĩnh vực sản xuất và chỉ số CPI

Theo thông tin từ Tập đoàn Việt Nam, do năm 2023, giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao dẫn tới giá thành điện năm 2023 cao hơn năm 2022.

Quyết định này cũng được nghiên cứu, tính toán kĩ lượng và đánh giá khả năng thực hiện với lộ trình phù hợp nhằm đảm bảo ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân.

Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Thực tế, mặt hàng điện là một mặt hàng quan trọng, thiết yếu trong đời sống. Việc tăng giá điện cơ bản có khả năng tác động lên giá cả và hoạt động tới sản xuất, nhu cầu sử dụng điện của tất cả các ngành nghề. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức độ ảnh hưởng là không nhiều.

Sau tăng giá, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt phải trả thêm bao nhiêu tiền điện mỗi tháng?

Giá điện tăng 3% lên mức 1.920,3732 đồng/kWh - Ảnh 1.

Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có tính toán kỹ lưỡng về mức ảnh hưởng tới từng nhóm hộ dân.

Cụ thể, sau khi tăng giá điện từ ngày 4/5/2023, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ.

Đối với các hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh mỗi tháng - nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khách hàng sinh hoạt - tiền điện tăng thêm hằng tháng là 11.100 đồng/hộ.

Điện cũng là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tính toán về tác động của việc tăng giá điện đối với chỉ số CPI, Bộ Tài chính cho biết, nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo theo CPI tăng 0,17%.

Hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.

Theo thống kê số liệu năm 2022, EVN đang bán điện tới 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ. Bình quân mỗi tháng, khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.

EVN cũng đang có 1,822 triệu hộ sản xuất. Bình quân mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

Với 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, khách hàng nhóm này sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.

Trước đó, thông tin từ EVN chia sẻ, Tập đoàn đang bán lỗ gần 168 đồng một kWh, tương đương với mức lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi thu nhập tài chính khác, số lỗ EVN năm ngoái gần 26.240 tỷ đồng.

Tập đoàn này cho biết, nếu không được tăng giá điện trong năm nay, ước số lỗ cả năm nay khoảng 64.000 tỷ đồng do tỷ giá USD tăng, giá nhiên liệu đầu vào cho nhiệt điện, điện khí tăng, giá mua điện tái tạo đắt đỏ.

Ước tính, sau điều chỉnh tăng giá, EVN sẽ tăng doanh thu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2023, góp phần giúp EVN giảm bớt khó khăn.

Nâng cao các biện pháp tiết kiệm điện

Dự báo mùa hè năm nay sẽ nắng nóng kỷ lục, trước nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao vào mùa cao điểm Hè 2023, EVN cũng kêu gọi người dân, doanh nghiệp chung tay tiết kiệm điện ở mức độ cao nhất. 

Việc kích hoạt các biện pháp tiết kiệm là hành động thiết thực, giúp mỗi hộ gia đình giảm chi phí sinh hoạt; các doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều nơi được dự báo tăng cao trên dưới 40 độ, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trong việc làm mát, làm lạnh tăng cao. Người dân Thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm điện.

Nhiều gia đình đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện như tăng việc sử dụng chung các không gian tiêu thụ điện, cả nhà cùng ngủ chung một phòng có máy lạnh, thay vì chia làm 2 phòng...

Nhiều bạn trẻ quyết định tới các trung tâm thương mại, nhà sách, quán cafe... để cùng hưởng không khí mát mẻ, thay vì sử dụng máy lạnh cá nhân tại nhà. 

Theo cơ quan quản lý điện lực, để hạn chế hóa đơn tiền điện các tháng mùa khô tăng cao đột biến, người dân nên dùng điện theo nguyên tắc 4 đúng là đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng nhu cầu. 

Nhiệt độ máy lạnh, máy điều hòa chỉ nên chênh 5 độ C so với nhiệt độ ngoài trời, hạn chế dùng nhiều máy trong một lúc, một nhà. Thời tiết không quá nóng, các gia đình được khuyên nên dùng quạt.

Năm 2023, EVN đánh giá tình hình thủy văn có thể diễn biến không thuận lợi nên Tập đoàn cũng đã chuẩn bị các phương án vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí và kêu gọi khách hàng tiết kiệm điện. Góp phần giúp giảm căng thẳng trong vận hành mùa cao điểm nắng nóng.

Các giải pháp tiết kiệm điện được triển khai trong cộng đồng - xã hội có tác dụng tích cực tới khả năng tiết kiệm nhiên liệu nói chung, đồng thời góp phần giảm bớt chi phí trong cộng đồng.

Bản thân EVN cũng thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí để giảm bớt khó khăn tài chính.

Tập đoàn cũng lên kế hoạch tăng tiết kiệm chi phí thường xuyên năm 2023 lên 5% so với năm 2022 để có thể hoàn thành các mục tiêu cắt giảm chi phí. Đồng thời cũng tính toán cân đối có thể giảm các khoản sửa chữa, giảm chi phí nhân công, các khoản quản trị vận hành khác... giúp chi phí giá được ổn định trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với vận hành hệ thống điện, EVN đã, đang huy động tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ. Đồng thời, đàm phán với các nhà đầu tư nguồn năng lượng tái tạo để có sự hài hòa lợi ích giữa các bên.

EVN cũng sẽ làm việc các nhà cung ứng nhiên liệu khí, than để đề nghị đối tác chia sẻ khó khăn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giảm giá đầu vào nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện. 

Đối với nhiệt điện – nguồn điện chạy nền cho hệ thống điện, ngoài sự cung ứng nhiên liệu từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có yêu cầu các đơn vị thành viên chủ động tìm kiếm nguồn than để đảm bảo vận hành.

EVN cũng thực hiện nghiêm các giải pháp tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ thực hiện các giải pháp hỗ trợ.

Với các giải pháp tổng thể như vậy, EVN hy vọng sẽ giảm bớt khó khăn tài chính. Theo đó, việc thanh toán cho các bên bán điện cho EVN cũng sẽ bớt khó khăn.

Bình luận của bạn

Bình luận