- Thưa ông, vì sao ông lại có thể sở hữu nhiều đồ cổ quý giá đến như vậy?
Ông Nguyễn Văn Kính: Thực sự thì tôi không phải là dân chơi đồ cổ và cũng không sưu tầm đồ cổ. Mà đây là do một cơ duyên đến một cách rất tình cờ. Trước những di sản mà tổ tiên ta để lại thì tôi cảm thấy là phải có trách nhiệm lưu giữ. Tôi cũng trên cơ sở là biết được các giáo sư chuyên ngành nên đã được cố vấn rất nhiều về mặt chuyên môn. Kế đó là may mắn nữa. Từ một món đầu tôi sở hữu lại có thêm nhiều món. Tôi được gặp một số đồ cổ và biết rằng đó là những di sản rất quý hiếm. Nếu mình không lưu giữ thì sẽ bị "chảy máu" ra nước ngoài. Và với tình cảm cũng như trách nhiệm của con dân nước Việt, tôi mua về làm bảo vật để lưu giữ cho đời sau, vĩnh viễn không ra khỏi biên giới nước ta. Để bảo vật ở lại với chính nơi đã sản sinh ra nó. Vì cái tâm với tổ tiên, đất nước, lại đúng vào lúc mình dư dả một chút. Tôi may mắn là tư nhân đầu tiên sở hữu Bảo vật Quốc gia, là trống đồng Kính Hoa I. Và sau đấy còn một vài món nữa, như đầu năm nay được công nhận thêm thạp đồng Kính Hoa và trống đồng Kính Hoa II. Vừa may mắn, vừa cơ duyên, và có lẽ còn là một sứ mệnh mà tổ tiên trao truyền. Tôi cũng còn một vài món nữa mà tới đây sẽ trình lên để các cấp có thẩm quyền và Chính phủ xem xét.
Mục đích của tôi không phải là buôn bán, cũng không phải để khoe khoang, mà lưu giữ lại, giữ gìn những di sản của tổ tiên để lại cho con cháu. Tôi sẽ làm một nơi lưu giữ và trưng bày những Bảo vật Quốc gia này để tôn vinh nền văn minh của tổ tiên chúng ta, để con cháu cũng như người đời sau thưởng lãm và hiểu về đất nước mình. Và cũng để cho thế giới cùng chiêm ngưỡng.
- Liệu ông có ý định mở bảo tàng tư nhân hay không?
Ông Nguyễn Văn Kính: Tôi không có ý định mở bảo tàng tư nhân vì nó rất nhiều thứ. Cũng vì bảo tàng mang tính chuyên ngành và đòi hỏi rất nhiều công sức, tiền bạc và sự trợ giúp của rất nhiều người nữa. Có lẽ là để mở bảo tàng thì tôi mở được nhưng mục đích của mình không phải là như vậy. Đây có thể gọi là một bộ sưu tập, dù rất tình cờ, mà lại có một không hai trên đất nước này. Và còn một số món nữa. Bảo vật có rất nhiều chủng loại, dạng loại. Rồi các bạn sẽ được chiêm ngưỡng những gì tổ tiên chúng ta đã sáng tạo ra nó từ nhiều ngàn năm trước, trong một không gian phù hợp.
- Ông cảm thấy như thế nào khi là người đầu tiên sở hữu Bảo vật Quốc gia trong cả nước?
Ông Nguyễn Văn Kính: Kể từ khi được sở hữu Bảo vật Quốc gia, cảm giác đầu tiên của tôi là vui và ấm lòng vì được trao truyền sứ mệnh của con dân đối với tổ tiên. Nó cũng làm cho cuộc sống của mình hứng khởi hơn, có động lực hơn để mà phát triển, tiến lên.
- Giới cổ vật đánh giá như thế nào về những Bảo vật Quốc gia này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Kính: Trong giới đồ cổ, tôi thấy họ cũng đánh giá khá tốt và có sự tôn trọng nhất định. Và thực ra không phải ai cũng có thể sở hữu Bảo vật Quốc gia, dù có rất nhiều tiền. Tôi có cảm giác về mặt tâm linh, mặt tinh thần đây là một sứ mệnh mà mình được trao truyền. Còn một vài món nữa thì theo các giáo sư chuyên ngành, nó có giá trị văn hóa lịch sử cực kỳ lớn, thậm chí còn bằng và hơn những món đã được công nhận. Có những món cho đến giờ này không tìm được cái nào tốt hơn. Đó là những di sản tinh hoa, tôi muốn dùng từ là "thâm nghiêm" và "tinh túy". Tôi nghĩ những gì không thể để cho đem ra khỏi Việt Nam được thì chúng ta nên làm Bảo vật Quốc gia, không để "chảy máu".
Nếu sau này con cháu tôi không tiếp tục lưu giữ được nữa thì phải hiến lại cho Nhà nước, chứ không được mua bán trao đổi.
Xin giới thiệu tới bạn đọc một số hình ảnh về các hiện vật quý giá thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Kính.
Có lẽ chưa có Bảo vật Quốc gia nào ở nước ta lại được xem xét khắt khe đến thế như đối với chiếc trống đồng Kính Hoa I. Trước đó, đã từng có 191 hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và những hiện vật đó đều thuộc các Bảo tàng của nhà nước. Song, vào ngày cuối cùng của năm 2020, trống đồng Kính Hoa I đã vượt qua mọi rào cản và trở ngại để trở thành Bảo vật Quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân. Đây là hiện vật gốc, độc bản, có giá trị đặc biệt về mỹ thuật và kỹ thuật của cư dân Đông Sơn nước ta, nguyên vẹn, và hoa văn đẹp không kém gì trống Ngọc Lũ.
Giáo sư khảo cổ học Trịnh Sinh cho biết: "Với kinh nghiệm gần nửa thế kỷ nghiên cứu trống đồng, đã thử khoảng 10 tiêu chí giám định, tôi đã chắc chắn hoàn toàn rằng đây là chiếc trống người xưa để lại, có những dấu vết vải vương trên chiếc trống này tương tự dấu vết vải mà tôi đã từng khai quật ở trên các đồ đồng Đông Sơn trong nhiều địa điểm khảo cổ học như Làng Vạc (Nghệ An), Gò Quê (Quảng Ngãi). Đó như những "con tem" bảo hành cực quý mà thời nay không ai có thể làm nổi. Quả là có duyên lắm ông Nguyễn Văn Kính mới có được một chiếc trống đồng đích thực và quý giá đến thế. Việc có được chiếc trống Kính Hoa I là duyên may của một đời người, lại còn là báu vật mà tiền nhân để lại sau hơn hai ngàn năm cho lớp con cháu chúng ta.
Trống Kính Hoa I được các nhà khoa học xếp vào nhóm trống sớm, quý nhất, được đặt tên là nhóm A1 trong số các trống đồng đẹp nhất của văn hoá Đông Sơn như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa. Mặt trống Kính Hoa I hình tròn, tang phình, thân chia làm ba phần rõ rệt. Kích thước: Đường kính mặt: 89,0cm; chiều cao thân trống: 59,5cm; đường kính chân trống 98,5cm; trọng lượng nặng 110kg. Dáng trống đẹp và có kích thước, cân nặng gần với nhóm trống Ngọc Lũ.
Không chỉ đẹp ở dáng, trống Kính Hoa còn được khắc họa một số hoa văn độc đáo, chưa từng thấy trên các trống đồng Đông Sơn đã được phát hiện.
Giữa mặt trống là hình ngôi sao 10 cánh biểu tượng của mặt trời, phản ánh tục thờ mặt trời của cư dân trồng lúa nước. Giữa các cánh sao là 10 cặp Giao Long được trang trí đối xứng châu đầu vào nhau. Người Việt từ xưa đã coi đây là những con vật thiêng, trong thư tịch còn ghi lại người xưa đi biển còn xăm hình Giao Long để tránh nguy hiểm.
Hình tượng con sam, sinh vật chỉ sống ở biển, cũng lần đầu tiên được thấy trên trống đồng, lại có ở một vành hoa văn trên mặt trống Kính Hoa I. 10 con sam đuôi dài, hai bên thân có gai nhọn. Sự có mặt của con sam đã chứng minh những chủ nhân đúc trống Kính Hoa I phải sống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ ven biển, họ vừa trồng lúa lại vừa khai thác hải sản ven biển Đông. Điều này có ý nghĩa quan trọng khẳng định trống Đông Sơn được đúc và sử dụng bởi cư dân thời xưa ở ta chứ không phải ở vùng núi cao nằm sâu trong lục địa như vùng Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), lại càng chứng tỏ người Việt cổ thời xưa đã khai thác hải sản và làm chủ Biển Đông từ rất sớm.
Hình dáng, một số hoa văn thân trống và mặt trống đồng Kính Hoa I được vẽ lại chi tiết.
Trên mặt trống Kính Hoa I được khắc họa hình 21 con chim Lạc đang giang cánh bay theo chiều ngược kim đồng hồ và vành hoa văn có 16 con thú bốn chân, đuôi dài quen thuộc trên một số trống Đông Sơn đã được phát hiện.
Trên tang trống có hình 6 chiếc thuyền đang trong cuộc đua. Trên lưng trống được khắc họa chính con người Đông Sơn, gồm 16 người chia thành từng cặp đang múa. Đầu đội mũ cắm lông chim dài, thân có áo lông chim xoè ra, tay dang ngang. Qua đây, chúng ta biết được vào thời này, tổ tiên chúng ta đã có trang phục đẹp trong ngày hội, trong tư thế múa mà tay dang rộng, ngón tay cái chĩa ngang giống như điệu múa của người Cơ Tu hay một số dân tộc ở Tây Nguyên. Trên đầu các cặp đôi đang múa là hình ảnh chim Lạc đang sải cánh bay vươn thẳng lên trời, chứ không thành đàn bay ngang như trên mặt trống. Những hoa văn Đông Sơn trên trống Kính Hoa đẹp một cách lạ lùng và độc đáo, nhiều mô típ chưa thấy trên các trống Đông Sơn khác mặc dù đã thấy đâu đó trên hình khắc ở thạp đồng, rìu đồng.
Theo Giáo sư Trịnh Sinh, các mảng hoa văn trên mặt trống và thân trống Kính Hoa I trông giống như các bức thảm được dệt bằng chất liệu đồng thau vàng rực lúc mới đúc, cho người xem cảm giác các gam màu đậm nhạt, nổi khối dưới ánh sáng mặt trời hay ánh lửa bập bùng trong âm điệu nhạc trầm hùng của tiếng trống Kính Hoa I theo từng bước múa nhảy của cư dân Đông Sơn, cách đây vào khoảng 2.300-2.400 năm. Đúc được trống Kính Hoa I còn là một kỳ tích, điều mà không một vùng đất Đông Nam Á nào đạt được thời bấy giờ. Trống Kính Hoa I là di sản vào loại quý hiếm bậc nhất tiêu biểu cho cả nền văn minh Việt Nam xưa nay.
Kết quả phân tích thành phần bằng phương pháp huỳnh quang tia X không phá hủy cho thấy, thạp đồng Kính Hoa được đúc chủ yếu từ hợp kim của các kim loại: đồng (Cu), chi (Pb), thiếc (Sn) và sắt (Fe). Trong đó chiếm tỉ lệ lớn là đồng, thiếc và chì, riêng sắt thì có tỉ lệ thấp hơn. Thạp đồng Kinh Hoa được đúc bằng kỹ thuật ghép khuôn và là khuôn phá, đúc một lần. Trong đó nắp và thân được đúc riêng biệt với khuôn độc lập khác nhau. Dấu vết kỹ thuật còn lưu lại khá rõ trên nắp và thân thạp. Thạp đồng Kính Hoa có đường kính miệng: 30cm; Đường kính đáy: 29.1cm; Đường kính nắp: 31cm; Cao toàn bộ: 41.5cm; Nắp thạp cao: 5.3cm; Thân thạp cao: 36.2cm; Thành thạp dày 0.25 - 0.35cm. Thạp đồng nặng 8.000 gram (trong đó: thân thạp: 6.900; nắp: 1.100 gram).
Nằm ở chính tâm nắp thạp, đỉnh chỏm cầu lồi, là một mô típ hoa văn điển hình, chỉ thấy xuất hiện trên mặt trống đồng Đông Sơn và thạp đồng Đông Sơn, đó là hình mặt trời với 12 tia mập. Hoa văn hình thuyền và người nằm ở tổ hợp trung tâm trên thân thạp. Đây cũng là vành hoa văn chủ đạo trên thạp đồng Kính Hoa. Hoa văn được thể hiện trên vành này tả rất thực, sinh động và đẹp mắt. Bên cạnh thuyền - người, ở tổ hợp hoa văn trung tâm của thân thạp còn có nhiều đề tài, khắc họa hình động vật: chim, rùa, sam và cá. Hình chim được thể hiện nhiều tư thế: bay ngang, bay lên, bay xuống hoặc lao xuống kiếm mồi vô cùng sinh động. Tất cả tạo thành một bức Ị tranh vô cùng hoành tráng, để rồi, kết hợp với sư bố trí liên tiếp theo băng, chạy quanh vòng tròn của thân thạp, tạo nên ấn tượng bầy chim đang bay theo đoàn thuyền chở những chiến binh, rất yên ả và thanh bình trước trận chiến. Tất cả các họa tiết trang trí trên thạp đồng Kính Hoa được tạo trực tiếp trên khuôn ngoài bằng hai phương pháp là khắc và in.
Thạp đồng Kính Hoa đã tồn tại hơn 2.000 năm (khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên), bề mặt có lớp pa-tin mỏng màu xanh ngọc, bóng mịn và khá đều, cho thấy lớp pa-tin này đã có sự chuyển biến thủy tinh hóa bề mặt, bảo vệ tốt cho cốt đồng bên trong và các mảng hoa văn trang trí bên ngoài. Thân thạp còn tương đối nguyên vẹn, chỉ có một vết vỡ nhỏ ở vành chân (dài 5cm) đã được phục chế, không ảnh hưởng đến hình dáng, bố cục và hoa văn trang trí.
Công dụng: thạp đồng Kính Hoa là một hiện vật độc đáo, hiện vật bản sắc của văn hóa Đông Sơn. Chức năng chính của thạp là đồ đựng. Trong một số trường hợp, thạp được sử dụng như quan tài để đựng tro cốt người chết. Qua nghiên cứu, so sánh, có thể khẳng định, đây là loại hình thạp phân bố ở vùng trung lưu và thượng lưu sông Hồng, giống với những thạp Đào Thịnh, Hợp Minh (Yên Bái) và thạp Đồi Nội Trú (Lào Cai). Hoa văn trang trí trên thạp Kinh Hoa hoàn toàn không giống với bất cứ chiếc thạp nào đã biết từ xưa tới nay, cho dù có những nét hao hao với Đào Thịnh, Hợp Minh và thạp Bảo tàng Quảng Ninh.
Hoa văn trang trí trên thạp Kinh Hoa hoàn toàn không giống với bất cứ chiếc thạp nào đã biết từ xưa tới nay.
Thạp đồng là di vật quý, độc đáo của văn hóa Đông Sơn, một trong những những đồ sinh hoạt phục vụ đời sống hàng ngày của người xưa, ẩn chứa nhiều giá trị vật chất và tinh thần trên nhiều phương diện. Thạp đồng có thể so sánh với những chiếc trống đồng về kích thước, hoa văn trang trí cùng những giá trị về tinh thần, tín ngưỡng của người Đông Sơn xưa giữ lại mãi về sau. Nếu như trống đồng Đông Sơn được phát hiện nhiều ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, thì những thạp đồng hiện biết, phần lớn phát hiện ở Việt Nam. Thạp thường tập trung ở các lưu vực các sông lớn như sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Cho đến nay, ở Việt Nam, đã thống kê được trên 280 thạp đồng. Đây chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng, khi nhiều thạp đồng còn nằm trong các sưu tập tư nhân, dưới lòng đất và những thạp nhỏ "minh khí" chôn theo người chết chưa nằm trong con số thống kê này. Trong khi ấy, mới chỉ có 26 thạp đồng được tìm thấy ở nam Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những chiếc thạp ấy là sản phẩm của Văn hóa Đông Sơn được trao đổi đến vùng đất ấy lúc đương thời.
Theo số liệu thống kê của Tiến sĩ Hà Văn Phùng, tính đến 2005, tại Việt Nam đã phát hiện 235 chiếc thạp đồng, gồm loại đồ dùng sinh hoạt (đồ đựng), phục vụ lễ nghi và đồ minh khí. Căn cứ vào cấu trúc thạp và vành miệng, có thể phân thạp Đông Sơn thành 2 loại cơ bản: thạp không nắp và thạp có nắp. Trong đó, thạp không nắp có số lượng lên đến 205 chiếc (chiếm 88,74%), trong khi đó thạp có nắp chỉ có 26 chiếc (chiếm 11,25%). Loại không có nắp thường có hoa văn giản đơn, chủ yếu là các hoa văn hình học. Loại có nắp, hoa văn trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ với những hình tả cảnh sinh hoạt, thuyền chiến, động vật... Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm đều có nhiều bài báo phát hiện thạp đồng tại các tỉnh ở miền Bắc Việt Nam. Với tư liệu hiện biết, thì ở Việt Nam, tính đến năm 2021, tất cả chỉ có 31 chiếc thạp Đông Sơn có nắp đã được phát hiện, nghiên cứu và công bố. Căn cứ trên những tiêu chí phân loại thạp đồng, thạp đồng Kính Hoa được xếp vào loại hình thạp Đông Sơn có nắp, và là chiếc thứ 32 thuộc loại hình này.
Thạp đồng Đông Sơn có nắp đã hiếm quý như vậy, nhưng được trang trí đẹp, sắc nét và tinh xảo như thạp đồng Kính Hoa thi lại càng hiếm hơn. Các họa sĩ, nghệ sĩ đúc đồng thời Đông Son đã "bắt" những hình họa đúc, khắc trên thạp vốn khô cứng, tĩnh tại nhưng luôn chuyển động theo vũ trụ quan của họ. Lấy mặt trời 12 tia cánh trên nắp làm tâm, thuyền, người, chim, cá, rùa, sam ở dưới thân thạp vận hành theo vòng tròn đồng tâm khép kín và tất cả khối hình cùng chuyển động nhịp nhàng, đều đặn, liên tục, không điểm dừng. Đó chính là vũ trụ thiêng liêng của người Đông Sơn mà ngày nay, nghệ thuật đương đại vẫn kế thừa như một hằng số của truyền thống.
Những hoa văn hiếm có trên thân thạp Kính Hoa.
Hình tượng bốn con thuyền chở chiến binh với vũ khí, mái chèo đang lướt sóng trên thạp đã chứng minh trình độ phát triển cao trong kỹ thuật đóng tàu thuyền của cư dân Đông Sơn. Căn cứ vào hình tượng đó, thuyền của người Đông Sơn không chỉ đỉ trên sông, mà đã có thể chinh phục được biển lớn. Các chiến thuyền có cấu trúc hai tầng, có khoang hầm và lâu thuyền (trừ thuyền tải lương ở vị trí số 03). Đây là những hĩnh ảnh sống động nhất để chúng ta có thể hình dung về đất nước Việt cổ thời Đông Sơn. Thạp đồng Đông Sơn và cùng với chúng là trống đồng Đông Sơn xứng danh là biểu tượng văn hóa của người Việt, của dân tộc Việt Nam. Đó là cặp đôi đối trọng với Đỉnh - Lịch của Trung Nguyên.
Trống Kính Hoa II được đúc từ hợp kim đồng thau. Thành phần chất liệu của hiện vật đã được phân tích và giám định cẩn trọng bằng các phương pháp khác nhau, do các đơn vị khác nhau tiến hành lấy mẫu và phân tích độc lập. Về cơ bản giống với thành phần hợp kim của các trống Đông Sơn đã biết ở Việt Nam.
Trống Kính Hoa II có kích thước khá lớn: Đường kính mặt: 100,6cm; Đường kính tang: 103,7cm; Đường kính chân: 102,0cm; Cao toàn bộ: 72cm; Dày: 0,35 - 0,40cm. Đây là trống Đông Sơn lớn thứ hai, sau trống Sao Vàng, phát hiện tại Thanh Hóa, đang lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.
Trống đồng Kính Hoa II thuộc loại trống cao, giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 12 cánh. Nghiên cứu các dấu vết còn lại trên thân trống, có thể thấy trống Kính Hoa II được đúc bằng phương pháp ghép khuôn nhiều mang (piece-mould method), với hai mang khuôn thân, một mang khuôn mặt và phần khuôn trong (thao). Về phương diện kỹ thuật chế tác và trang trí hoa văn, trống Kính Hoa II là một sản phẩm thể hiện đỉnh cao của kỹ thuật đúc đồng và nghệ thuật trang trí của văn hoá Đông Sơn và văn minh Việt cổ. Niên đại: Văn hoá Đông Sơn, khoảng thế kỷ 2 - 1 trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng đây là một chiếc trống Đông Sơn tiêu biểu. Giám định và kiểm tra niên đại, cho thấy, đây là một chiếc trống Đông Sơn khá hoàn hảo, là hiện vật gốc, đáng tin cậy, độc bản, có dáng đẹp, hoành tráng trong sự cân đối, hài hoà. Hoa văn trang trí phong phú, sắc nét.
Trống Kinh Hoa II hiện là 1 trong 2 chiếc trống lớn nhất ở Việt Nam được biết cho tới nay. Trên bình diện Đông Nam Á, trống Kính Hoa II có nhiều nét gần gũi về kích thước cũng như hoa văn trang trí với nhóm trống ở Indonesia, ví dụ như trống Selayar hay Sangeang. Tuy nhiên trong khi các trống ở hải đảo đều có tượng cóc và chứa đựng những nét hoa văn mang tính bản địa, ví dụ như hình hổ, hình voi hoặc hình người đánh nhau với hổ, thì trống Kính Hoa II vẫn giữ được những nét riêng của văn hoá Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam, nơi vốn là quê hương của trống Đông Sơn.
Trong hệ thống trống Đông Sơn ở Việt Nam nói riêng và trên bình diện Đông Nam Á nói chung, trống Kinh Hoa II thực sự là một chiếc trống có hình thức độc đáo, hiếm lạ chưa từng gặp, có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hoá. Trống Kính Hoa II, với kích thước to lớn, hoa văn trang trí hài hoà, đẹp mắt, chính là một bằng chứng rất sinh động và tiêu biểu cho sự phát triển đỉnh cao của kỹ nghệ đúc đồng của cư dân Việt cổ.
Họa tiết tuyệt mỹ trên thân trống đồng Kính Hoa II.
Hiện tượng những trống lớn như Kính Hoa II, Sao Vàng, Đông Hiếu, Hữu Chung... được đúc trong giai đoạn trước sau Công nguyên phản ánh sức sống mạnh mẽ của văn hoá Đông Sơn trước sức ép từ văn hoá Hán, một nền văn hoá phi trống đồng từ phương Bắc xuống. Trước sức ép của văn hoá Hán, văn hoá trống đồng ở Vân Nam và Quảng Tây giai đoạn này đã bị triệt tiêu và thâu nạp vào văn hoá Trung Nguyên. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra ở miền Bắc Việt Nam, và sự xuất hiện của những chiếc trống cỡ lớn như Kính Hoa II là một ví dụ tiêu biểu cho sức sống mạnh mẽ của nền văn minh Việt cổ.