Đuối nước - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Việt Nam

N.Cường
17:37 - 08/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Đuối nước - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Việt Nam - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Ảnh minh họa từ Freepik

Hơn 2.000 trẻ em tử vong/năm do đuối nước

Tại Việt Nam, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tình hình đuối nước trẻ em đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước.

Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuổi nước tuy đã giảm dần qua các năm nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên.

Kết quả khảo sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em" (giai đoạn 2016-2021) tại Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em từ 0-14 tuổi tại Việt Nam cao hơn so với tỷ suất tử vong ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu; thấp hơn các nước thu nhập thấp và cao gần gấp 10 lần các nước phát triển.

Trong khi đó, công tác phòng, chống đuối nước trẻ em hiện tồn tại không ít hạn chế. Một số văn bản pháp luật chưa có quy định riêng về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Đặc biệt, việc dạy bơi cho trẻ em tại các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, dạy bơi trong trường học còn gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều trường phổ thông đã được lắp đặt bể bơi nhưng thiếu các yếu tố bảo đảm, khó khăn trong vận hành, hiệu suất sử dụng thấp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư; một số nhiệm vụ quản lý nhà nước chưa thực sự hiệu quả...

Phổ cập dạy bơi cho trẻ để giảm nguy cơ đuối nước

Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, dạy bơi cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống đuối nước.

Tại Trung Quốc, để phòng chống đuối nước hiệu quả, chuyên gia khuyến cáo rằng dạy bơi trong trường học phải được đưa thành môn học giáo dục thể chất bắt buộc cho học sinh. Các nghiên cứu đã chứng minh ở các nước vùng nông thôn của Trung Quốc, Bangladesh, Thái Lan, Philippines, Malaysia dạy bơi cho trẻ em là biện pháp làm giảm nguy cơ đuối nước.

Đuối nước - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Việt Nam - Ảnh 2.

Dạy bơi cho trẻ là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống đuối nước. Ảnh: aspiresouthfields

Tại Hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em ngày 7/12/2022, các đại biểu cho rằng: Để phòng, chống đuối nước một cách lâu dài, mang tính gốc rễ cần có chủ trương, đề án riêng về xây dựng bể bơi, tổ chức chương trình dạy bơi và các kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích đuối nước trong trường học.

Đó là giải pháp căn cơ, lâu dài và hết sức cần thiết. Bơi không chỉ là môn thể thao tốt nhất trong các môn thể thao giúp rèn luyện, vận động một cách toàn diện về thân thể mà còn là phương pháp để phòng vệ cho con trẻ tránh bị đuối nước.

Trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, cần có chủ trương, đề án cụ thể, chi tiết việc xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng bể bơi là giải pháp tối ưu.

Trước hết, ngành giáo dục cần chuẩn bị xây dựng đề án xã hội hoá bể bơi và chương trình dạy bơi cho học sinh trong trường học nhằm tiến dần đến đưa môn bơi trở thành một môn phổ cập trong chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường.

Trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới. Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Tổ chức Y tế thế giới

Theo Cổng TTĐT Quốc hội, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cho biết: Một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ đuối nước là phổ cập dạy bơi cho trẻ. Việc làm cấp thiết là cần hoàn thiện và chuẩn hóa tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, an toàn trong môi trường nước trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tế triển khai tại địa phương, các mô hình thí điểm và khuyến nghị của quốc tế. Phổ biến hướng dẫn trên toàn quốc. Nghiên cứu ban hành các hướng dẫn sử dụng bể bơi thông minh, dạy bơi ở vùng nước mở và phổ biến trên toàn quốc. Nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy định để đảm bảo thuận lợi cho việc dậy bơi trong trường học đối với các trường học đã được lắp đặt bể bơi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh: Để phòng, chống đuối nước trẻ em hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó quan trọng, cần huy động được nguồn lực thỏa đáng cho công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đạt hiệu quả lâu bền, hướng tới sự công bằng cho trẻ em ở tất cả vùng miền trong cả nước. Các Bộ, ngành và địa phương cần chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất, tham mưu bố trí ngân sách và ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai Chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em đạt kết quả cao hơn.

Đuối nước - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Việt Nam - Ảnh 4.

Phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Ảnh: Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Đuối nước - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Việt Nam - Ảnh 5.

Phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Ảnh: Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Thêm 2,1 triệu USD hỗ trợ trẻ em Việt học bơi và kỹ năng an toàn

Từ năm 2018, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam được triển khai bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Campaign For Tobacco Free Kids (Đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu), Hoa Kỳ cùng sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg, Hoa Kỳ đã dạy bơi miễn phí cho hơn 29.000 trẻ em từ 6-15 tuổi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho gần 50.000 trẻ em tại trường học, nâng cao kiến thức cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ về các biện pháp an toàn, phòng chống đuối nước, xây lắp và huy động sử dụng 87 bể bơi tại trường học.

Chương trình được triển khai tại 32 huyện của 12 tỉnh có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất trên cả nước. Theo kết quả đánh giá độc lập của chương trình, tỷ lệ biết bơi của trẻ em tại địa bàn can thiệp đã tăng gấp 2 lần, từ 14,7% năm 2018 lên 27% năm 2020, cao hơn so với tỉ lệ trung bình của toàn quốc. Tỉ lệ đuối nước ở trẻ em giảm 30%.

Điểm đặc biệt của chương trình chính là giải pháp toàn diện, không chỉ dạy bơi cho trẻ mà còn trang bị kỹ năng nổi và kiến thức an toàn.

Tại Hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em ngày 7/12/2022, bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids (đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) khẳng định tuyên bố: Tổ chức Campaign For Tobacco Free Kids sẽ hỗ trợ bổ sung 2,1 triệu USD để triển khai chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam.

Theo đó, mở rộng địa bàn can thiệp tại 16 tỉnh dạy bơi miễn phí cho trẻ em Việt Nam thành phố và dạy bơi cho hơn 25.000 trẻ em từ 6-15 tuổi, dạy kỹ năng an toàn cho 50.000 trẻ em trong giai đoạn 2023- 2025.

Năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới đã lựa chọn chủ đề Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước (25/7/2022) là "Hãy hành động để phòng, chống đuối nước". Với chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới phát đi lời kêu gọi về 3 cấp độ hành động thiết thực cho mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và từng cá nhân.

Cấp độ quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích việc xây dựng các quy định, chính sách, chiến lược dài hạn và đầu tư nguồn lực cho phòng, chống đuối nước.

Cấp độ cộng đồng, các tổ chức có hoạt động liên quan đến phòng, chống đuối nước nên triển khai các chiến dịch về an toàn trong môi trường nước, chia sẻ rộng rãi kinh nghiệm và thông tin về phòng, chống đuối nước.

Cấp độ gia đình, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em cần chung tay lan tỏa các kiến thức về an toàn trong môi trường nước, chủ động đăng ký cho những đứa con của mình tham gia các lớp học bơi an toàn và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

(Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em, Cục Trẻ em)