Dự thảo Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Đề xuất tăng số lượng thí sinh

Hồng Ngọc
13:33 - 27/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (từ ngày 23/6/2023 đến hết ngày 23/8/2023).

Theo dự thảo Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức 2 kỳ thi:

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông;

Kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực.

Mục đích thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục. Đồng thời phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

Dự thảo Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Đề xuất tăng số lượng thí sinh  - Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đối tượng và điều kiện dự thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Mỗi sở Giáo dục và Đào tạo, đại học, học viện, trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên, trường phổ thông vùng cao Việt Bắc được đăng ký là một đơn vị dự thi.

Thí sinh là học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông, có xếp loại rèn luyện (hoặc hạnh kiểm) và học tập (hoặc học lực) từ khá trở lên theo kết quả cuối học kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi. Mỗi thí sinh chỉ được phép tham dự một môn thi.

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Thí sinh là học sinh đang học cấp trung học phổ thông và thuộc một trong các diện sau đây:

Được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn trong số các học sinh đã đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm theo nguyên tắc tuyển từ cao xuống thấp theo điểm thi, bảo đảm số học sinh được tuyển chọn cho mỗi môn thi không vượt quá tám lần số học sinh cần chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn đó.

Không tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm, nhưng đã là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế trong năm liền kề trước đó.

Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi có tối đa 10 thí sinh

Theo quy định hiện hành (Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT), số lượng thí sinh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được quy định như sau: Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.

Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.

Trong dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất quy định mới như sau: 

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi được đăng ký dự thi với số lượng tối đa 10 thí sinh (riêng đơn vị dự thi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh số lượng tối đa mỗi đội tuyển là 20 thí sinh).

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Số lượng thí sinh dự thi mỗi môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định theo từng năm, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định.

Môn thi và hình thức thi

Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, chỉ tổ chức thi đối với môn thi có ít nhất 5 đơn vị đăng ký dự thi.

Môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính hoặc lập trình trực tuyến trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội bộ; các môn khác thi theo hình thức viết trên giấy. 

Riêng các môn Ngoại ngữ có thêm hình thức thi nói trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có thêm hình thức thi thực hành trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic.

Nội dung thi nằm trong phạm vi Chương trình giáo dục phổ thông, nội dung dạy học các môn chuyên cấp trung học phổ thông hiện hành; riêng kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, tiếp cận với nội dung thi Olympic quốc tế và khu vực.

Xếp giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia

Theo dự thảo, chỉ xếp giải cá nhân (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích), theo từng môn thi.

Tỷ lệ giải đối với mỗi môn thi: Tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 60% số thí sinh dự thi; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

Tổ chức xếp giải: Trên cơ sở phương án xếp giải do các tổ chấm thi đề xuất, Chủ tịch Hội đồng chấm thi và Thường trực Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia xây dựng phương án xếp giải, trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Quyền lợi của học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia

Dự thảo nêu rõ, học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được cấp Giấy chứng nhận và được khen thưởng.

Học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp trung học phổ thông được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định của Quy chế thi tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành.

Học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký và được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng, chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam.

Xem toàn văn dự thảo tại đây.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể đóng góp ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đến hết ngày 23/8/2023) tại:

Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (số 35 Đại Cồ Việt, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội);

File word văn bản góp ý gửi qua email: hsgqg@moet.gov.vn;

Số điện thoại: (024)38683992 hoặc (024)36231655.

Hoặc thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Bình luận của bạn

Bình luận