Du lịch về nguồn với việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên

Phùng Quang Thái - Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tiền Giang
06:10 - 26/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong bối cảnh đổi mới toàn diện đất nước và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra một cách mạnh mẽ và sinh động như hiện nay, thanh thiếu niên đang đón nhận sự tác động kép - vừa có nhiều cơ hội thuận lợi, vừa đối diện với không ít những thách thức, nguy cơ.

Trong số những nguy cơ đáng lo ngại phải kể đến là thái độ thờ ơ của một bộ phận thanh thiếu niên đối với các giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc, những biểu hiện phai nhạt về lý tưởng cách mạng và lệch chuẩn văn hóa trong lối sống.

Ngày 24/3/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 42-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030". Ngày 05/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030".

Muốn cải thiện thực trạng này, cần thiết phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, mà trực tiếp là sự tham gia của những lĩnh vực, ngành nghề có chức năng tuyên truyền, giáo dục. Được đánh giá là một loại hình hoạt động có nội dung mang nhiều giá trị nhân văn, lịch sử sâu sắc, "du lịch về nguồn" có thể góp phần hiệu quả vào việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa cho lực lượng thanh thiếu niên trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay.

Du lịch về nguồn – một hành trình đậm tính nhân văn

Du lịch được hiểu là các tổng hợp những hoạt động liên quan đến các chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ với mục đích thỏa mãn nhu cầu về tham quan, nghiên cứu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định. Xét về bản chất, du lịch được hiểu là hoạt động du ngoạn của con người nhằm mục đích cảm nhận những giá trị vật chất và giá trị tinh thần có tính văn hóa cao.

Ngày nay, có thể khẳng định du lịch đã và đang trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến, với tốc độ tăng trưởng nhanh và sự đóng góp vào nền kinh tế quốc dân của mỗi quốc gia ngày càng lớn, đến mức được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn hàng đầu, thậm chí vượt qua cả một số ngành sản xuất công nghiệp. Về phương diện lý luận, mỗi loại hình du lịch có hai yếu tố cơ bản cấu thành, đó là: yếu tố về "cung trong du lịch" (về tài nguyên du lịch hay còn gọi là điểm đến du lịch, về chính sách của Chính phủ, về việc phát triển du lịch, yếu tố thị trường du lịch, yếu tố khai thác du lịch từ các doanh nghiệp…); yếu tố "cầu trong du lịch" (yếu tố du khách).

Xuất phát từ thực trạng nhu cầu và thị hiếu đa dạng của khách du lịch, nên yêu cầu lĩnh vực này đã có sự chuyên môn hóa về các loại hình sản phẩm nhằm phục vụ đầy đủ nhất và tốt nhất cho thị trường du lịch. Trên cơ sở những tiêu chí đề ra hướng đến việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, ngành du lịch đã phân loại một cách tương đối: 1- Theo mục đích thuần túy; 2- Theo phạm vị lãnh thổ; 3- Theo đặc điểm địa lý; 4- Theo hình thức tổ chức; 5- Theo thời gian hành trình; 6- Theo phương tiện; 7- Theo lứa tuổi. Trong loại hình phân chia du lịch theo mục đích thuần túy có hình thức du lịch về nguồn (hướng đến các giá trị văn hóa - lịch sử).

Trên cơ sở khái niệm du lịch đã được định nghĩa ở trên, có thể hiểu "du lịch về nguồn" như một hành trình văn hóa - lịch sử mang đậm tính nhân văn, có thể thỏa mãn nhu cầu đa dạng về phương diện tinh thần cho nhiều đối tượng khác nhau. Yếu tố "cung trong du lịch về nguồn" ở Việt Nam hết sức phong phú và đa dạng. Đó là những địa điểm, di tích được hình thành trong các cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1858 - 1954), chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975); cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Tây Bắc (1978 - 1979)… của dân tộc Việt Nam. Những di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến được phân bố trên khắp mọi miền của đất nước ta.

Ở khu vực miền Bắc, có những di tích nổi tiếng, như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một địa chỉ thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế; di tích Pắc Pó (tỉnh Cao Bằng); khu di tích ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên); khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang); tỉnh Điện Biên với những điểm di tích thuộc quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ… Lượng khách du lịch đến tham quan những địa điểm này tăng lên từng năm, với đa dạng đối tượng du khách, thuộc nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau, đặc biệt trong đó số lượng học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên ngày càng nhiều, tỏ ra rất quan tâm, yêu thích hình thức du lịch này.

Ở miền Trung, các địa điểm du lịch mang nhiều giá trị văn hóa - lịch sử điển hình gồm có: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An); di tích Ngã Ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình); sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, hàng rào điện tử McNamara, nhà tù Lao Bảo, đường mòn Hồ Chí Minh và một số di tích lịch sử khác (tỉnh Quảng Trị)...

Đến với Tây Nguyên, có hai di tích lịch sử nổi bật, được du khách đến thăm viếng nhiều nhất - đó là di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và khu di tích chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum).

Vào đến miền Nam, nhiều di tích lịch sử cách mạng kháng chiến thu hút khách du lịch đến trải nghiệm và ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng của đồng bào, dân tộc. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có những di tích nổi tiếng, như: Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, 18 Thôn Vườn Trầu, Khu Rừng Sát - Cần Giờ, Bến Nhà Rồng và đặc biệt là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh...

Đến những di tích lịch sử cách mạng - văn hóa như thế, khách du lịch không chỉ đơn giản tham quan hay vui chơi thuần túy, mà còn là cơ hội để mỗi người lắng lòng lại, suy nghĩ và tưởng niệm về các thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cả đời mình cho nền độc lập của đất nước, cho cuộc sống hòa bình của nhân dân. Chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định rằng, hình thức du lịch về nguồn là một hành trình mang đậm giá trị nhân văn, góp phần quan trọng và rất hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Sự cần thiết của việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên trong bối cảnh xã hội hiện nay

Về khái niệm "lý tưởng cách mạng"

Theo Từ điển Tiếng Việt, lý tưởng được định nghĩa là "mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta mong muốn đạt tới". [3, tr.873] Trong Từ điển Xã hội học, nội hàm của khái niệm lý tưởng được xác định là "những khát khao, nguyện vọng, tư tưởng về tương lai tốt đẹp mà con người hằng mong tới, là trạng thái hoàn hảo nhất mà người ta mong muốn đạt tới". [4, tr.182]

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến "lý tưởng cách mạng" trong sự tương quan gắn liền với khái niệm "tư cách người cách mạng". Người quan niệm: "Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và toàn thế giới".[2, tr.37].

Khi phát biểu tại Đại hội Thanh niên quyết thắng toàn quân (18/5/1966), đồng chí Lê Duẩn khẳng định: "Lý tưởng cách mạng tức là mục tiêu phấn đấu cách mạng. Đấu tranh cách mạng phải có mục tiêu, nếu không sẽ mất phương hướng. Lý tưởng cách mạng của thanh niên ta trong thời đại ngày nay là độc lập dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản".

Qua đó cho thấy, lý tưởng cách mạng là định hướng những giá trị cốt lõi, xuyên suốt, nội hàm của nó luôn bao gồm hai yếu tố là "độc lập dân tộc" và "chủ nghĩa xã hội". Từ những quan niệm trên, có thể hiểu, lý tưởng cách mạng là những khát khao, nguyện vọng của mỗi cá nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là những mục tiêu hết sức cao cả và tốt đẹp. Và lẽ đương nhiên, lý tưởng cách mạng không phải tự nhiên mà có, không phải được hình thành một cách tự phát, mà cần phải được giáo dục, rèn luyện kiên trì, bền bỉ với những nội dung, hình thức và biện pháp thích hợp. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho lực lượng thanh thiếu niên. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đề ra yêu cầu phải: "Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp". [1, tr.168]

Khái niệm "lối sống văn hóa" 

Được sử dụng để chỉ những thói quen hành xử đẹp của cá nhân hoặc của một cộng đồng người, đã được kiểm nghiệm trong cuộc sống, phù hợp với thị hiếu của đa số quần chúng nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử - xã hội. Vì lẽ đó, lối sống văn hóa được xem là lối sống chuẩn mực, tiến bộ, được xã hội thừa nhận và lối sống ấy có tác động tích cực đối với sự phát triển của xã hội.

Xét về thực chất, lối sống chính là hoạt động của con người, của cộng đồng người, cũng chính là cách thức mà họ ứng xử với môi trường tự nhiên - xã hội nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển đời sống của mình. Đây chính là cơ sở để lý giải và nhận thức về sự biến đổi lối sống của thanh thiếu niên trước những tác động đa chiều của tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 những năm gần đây; đồng thời, cũng luận giải cho tính tất yếu và sự cần thiết của công tác giáo dục, bồi dưỡng lối sống văn hóa cho lực lượng thanh thiếu niên trong bối cảnh xã hội của nước ta hiện nay.

Kế tục và phát triển những quan điểm cơ bản, cốt lõi từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII vừa qua, Đảng ta tiếp tục khẳng định: "giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".[1, tr.202] Quan điểm này khẳng định mối quan hệ biện chứng, thống nhất giữa vấn đề xây dựng, phát huy giá trị văn hóa với sức mạnh của con người Việt Nam.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, lý tưởng cách mạng và lối sống của lực lượng thanh thiếu niên đang chịu sự tác động của nhiều yếu tố thuộc những phương diện khác nhau:

Một là, những quan điểm cực đoan, phê phán và thậm chí là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội xuất hiện tràn lan trên các trang mạng, diễn đàn (các cơ quan chức năng không kiểm duyệt, kiểm soát được) đã tác động tiêu cực đến ý thức chính trị của một bộ phận thanh thiếu niên nước ta, gây ra thái độ thờ ơ hoặc biểu hiện phai nhạt với lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc ta;

Hai là, mặt trái của cơ chế thị trường trong nền kinh tế hiện nay đã tạo nên lối sống "cá nhân chủ nghĩa", ích kỷ, vị lợi trong nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh thiếu niên. Tinh thần tập thể, tính cộng đồng có chiều hướng suy giảm, bị xem nhẹ. Chủ nghĩa cá nhân sẽ đẻ ra hàng loạt những căn bệnh gây nguy hại trực tiếp đến công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng chính trị cách mạng, hình thành và phát triển lối sống văn hóa cho con người Việt Nam nói chung, bộ phận thanh thiếu niên nói riêng;

Ba là, chủ nghĩa thực dụng thâm nhập và chi phối lối sống của con người trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến sự xuất hiện nhiều loại tệ nạn xã hội, xuyên tạc và bóp méo cả những quy chuẩn đúng - sai, thật - giả, tốt - xấu, thiện - ác… khi con người đề cao quá mức việc thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, lợi ích vật chất cá nhân, mà xem nhẹ những giá trị văn hóa tinh thần và không quan tâm đúng mức việc bồi dưỡng đạo đức, lối sống. Với những đặc điểm về tâm lý lứa tuổi, thanh thiếu niên dễ bị ảnh hưởng từ những yếu tố, hiện tượng xã hội có tính tiêu cực này trong tiến trình phát triển nhân cách nói chung.

Du lịch về nguồn góp phần giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên

Thanh thiếu niên tham gia những chuyến du lịch về nguồn sẽ có cơ hội về thăm lại những chiến trường xưa, những địa điểm, di tích có giá trị lịch sử, mang những ý nghĩa gắn liền với thời kỳ đấu tranh giữ nước của các thế hệ cha ông; những di tích, địa danh ghi lại các dấu ấn lịch sử văn hóa của tổ tiên, nguồn cội. Tại đây, những du khách trẻ được trải nghiệm và tìm hiểu thực tế về những cuộc chiến mà trước đó chỉ được nghe, được xem qua các kênh thông tin như sách báo, phim ảnh... Các hoạt động mang ý nghĩa nhân văn cao cả với quan niệm "Uống nước nhớ nguồn" sẽ khơi dậy lòng biết ơn, tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, bồi đắp lý tưởng cách mạng, hình thành lối sống văn hóa, tốt đẹp cho lực lượng thanh thiếu niên một cách hiệu quả.

Tham gia những chuyến du lịch về nguồn, thanh thiếu niên sẽ được tiếp cận những kiến thức cụ thể, sinh động về lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người, giúp họ cảm nhận, thấu hiểu và thấm thía hơn giá trị quý báu của hòa bình, độc lập và tự do. Điều đó sẽ có tác động tích cực và cộng hưởng với hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống ở trường học cũng như trong các tổ chức chính trị - xã hội.

Mỗi chuyến du lịch về nguồn có thể dễ dàng được thiết kế gắn liền với một chủ đề, chủ điểm cụ thể liên quan đến yếu tố lịch sử cách mạng, văn hóa truyền thống của từng vùng, miền, hoặc rộng lớn hơn là trên quy mô cả nước. Với đặc điểm này, các du khách có cơ hội được giới thiệu những kiến thức chi tiết, sâu sắc hơn và dễ dàng ghi nhớ, đặc biệt là cảm nhận và có cảm xúc riêng đối với từng chủ đề xác định. Do đó, nếu được chuẩn bị và tổ chức, thiết kế một cách khoa học, chu đáo thì hình thức du lịch về nguồn sẽ thực hiện hiệu quả và phát huy tốt chức năng của nó trong công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và lối sống văn hóa cho đối tượng thanh thiếu niên trong bối cảnh xã hội của nước ta hiện nay.

Kết luận

Du lịch về nguồn thực chất là một hành trình mang đậm chất nhân văn, giúp du khách có cơ hội trở về với những địa điểm, di tích có giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống, để cảm nhận và suy ngẫm, để biết ơn các thế hệ đi trước đồng thời tự phản tỉnh chính mình trên bình diện tình yêu quê hương, đất nước và đạo đức, lối sống ở hiện tại. Hình thức du lịch này nếu được định hướng một cách khoa học, có sự chuẩn bị bài bản, cũng như ý thức chủ động trong quá trình tổ chức, sẽ trở thành một trong những phương thức giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước và lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên đạt hiệu quả cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12 (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Trung tâm Từ điển học (2007), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

4. Nguyễn Khắc Viện (1994), Từ điển Xã hội học, Nxb Thế giới, Hà Nội.