Du lịch Trung Quốc với Top 10 điểm đến "đánh bại nắng nóng" mùa hè 2024
Mùa cao điểm du lịch hè từ 1/7-31/8 là giai đoạn năng động, thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế của Trung Quốc. Nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của du khách tìm kiếm những trải nghiệm mới thú vị, Top 10 điểm đến "đánh bại nắng nóng" vừa được báo China Daily tiết lộ.
Du lịch Trung Quốc tăng tốc thu hút du khách quốc tế nửa cuối năm 2024
"Nếu du khách muốn đến Trung Quốc dịp hè này theo chính sách quá cảnh miễn thị thực 72 giờ hoặc 144 giờ, đây là 10 điểm đến tránh nóng để khám phá vẻ đẹp tự nhiên và văn hoá của Trung Quốc" - báo China Daily ngày 6/8 dẫn đề xuất của các chuyên gia du lịch với du khách, về Top 10 điểm đến "đánh bại nắng nóng" mùa hè 2024 bao gồm:
Thành phố Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) với những bãi biển cát mịn nguyên sơ và làn nước trong vắt; thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) nép mình giữa núi và biển; Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang) kết hợp danh tiếng "thành phố băng" với nét quyến rũ mùa hè mát mẻ và yên bình; thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) nổi tiếng với lời ca ngợi "Trên có thiên đàng/ Dưới có Tô Hàng" (dành cho vẻ đẹp của 2 thành phố Tô Châu và Hàng Châu).
Thị trấn Đồng Nhân (tỉnh Quý Châu) với các trải nghiệm đầy mê hoặc; "thành phố mùa xuân" Côn Minh; thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) - nơi "mùa hè vẫy gọi"; châu tự trị Diên Biên (tỉnh Cát Lâm) là điểm nghỉ dưỡng mùa hè nổi tiếng; thành phố Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải) mang đến kỳ nghỉ hè đầy khám phá; "thành phố cát" Đôn Hoàng (tỉnh Cam Túc) với kho tàng kỳ quan cổ đại và vẻ đẹp tự nhiên độc lạ.
Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực để tăng tốc dòng du khách ghé thăm trong nửa cuối năm 2024, sau khi đón 14,64 triệu lượt du khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm - tăng 153% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý là trong đó có 8,54 triệu du khách nhập cảnh theo chương trình miễn thị thực (visa-free) - tăng 190%. Xu hướng này được thúc đẩy một phần do chính sách quá cảnh miễn thị thực (visa-free transit) trong 144 giờ, tạo điều kiện thuận tiện hơn thu hút nhiều người nước ngoài nhập cảnh vào nước này để du lịch, công tác.
Dịp cao điểm du lịch hè 2024, theo dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin chủ chốt cho ngành du lịch và hàng không Trung Quốc TravelSky do chi nhánh tin tức Yicai báo cáo, số lượng đặt vé các chuyến bay nội địa đã vượt quá 18 triệu - tăng 23%. Trong khi số chuyến bay quốc tế đạt gần 145.000 chuyến khởi hành với số lượng đặt chỗ đạt gần 7 triệu - tăng tới 93% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam và các điểm đến châu Á tiếp tục hút khách Trung Quốc
Cũng theo TravelSky, du khách outbound (du lịch nước ngoài) Trung Quốc đang quay trở lại những điểm đến đường dài ưa thích như Milan (Italy), Paris (Pháp) và Barcelona (Tây Ban Nha).
Tuy nhiên, phần lớn các điểm đến hàng đầu thu hút du khách outbound Trung Quốc vẫn thuộc châu Á, với các "điểm nóng" thành phố như: Bangkok và Phuket (Thái Lan); Seoul (Hàn Quốc); Tokyo và Osaka (Nhật Bản); Singapore; 2 đặc khu hành chính Hồng Kông và Macau; Đài Bắc (vùng lãnh thổ Đài Loan); cùng với London (Anh) là ngoại lệ duy nhất không thuộc châu Á.
Chi phí du lịch đến khu vực Đông Nam Á nhìn chung thấp hơn với sức hấp dẫn của cảnh quan phong phú và vị trí tương đối gần, đang tiếp tục thu hút du khách Trung Quốc.
Báo Jing Daily ngày 4/7 dẫn kết quả xếp hạng theo năng lực chuyến bay quốc tế mùa hè từ Trung Quốc của công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium (Vương quốc Anh) cho thấy: Việt Nam xếp thứ 8 trong Top 9 điểm đến châu Á hút khách Trung Quốc.
Bên cạnh đó là: Nhật Bản (xếp thứ nhất); Thái Lan (thứ 2); Hàn Quốc (thứ 3); Hồng Kông (thứ 4); Singapore (thứ 5); Malaysia (thứ 6); Đài Loan (thứ 7); Macau (thứ 9).
Thực tế này nhấn mạnh xu hướng ngày càng tăng của du khách Trung Quốc đối với các điểm đến gần hơn.
Xu hướng chi tiêu cũng được tiết lộ trong một cuộc khảo sát mới đây của "gã khổng lồ thanh toán" Visa, cho thấy du khách Trung Quốc đại lục chiếm vị trí thứ 3 toàn cầu về chi tiêu cho du lịch ở Hàn Quốc, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.
Hình thức du lịch chăm sóc sức khoẻ (health, wellness, medical tourism) hay còn gọi là du lịch y tế, tại các điểm đến như Thái Lan và Hàn Quốc cũng tăng trưởng. Điều đó cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của du khách Trung Quốc đối với những trải nghiệm toàn diện hơn, mang lại lợi ích cả về tinh thần và thể chất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google