Du lịch Sơn La: Cần một cú ngược dòng

Trương Tuyết Trinh
18:01 - 20/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sơn La, vùng đất có rất nhiều tiềm năng du lịch mọi người đều biết tới bởi vẻ đẹp quyến rũ của núi rừng. Tuy nhiên, để mỗi bản làng, mỗi huyện xã có được sức bật vượt trội trong phát triển du lịch thì rất cần có thêm nhiều nỗ lực.

Du lịch Sơn La: Cần lắm một cú ngược dòng - Ảnh 1.

Người Mông được đào tạo làm du lịch bài bản. Ảnh: TT

Chỉ trong một thời gian ngắn mở cửa, du lịch Việt Nam đã có những bước phục hồi tích cực với tổng thu trên 356.000 tỷ đồng. Gần 90% các đơn vị du lịch, lưu trú đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn chưa nhiều, một phần bởi những lý do chủ quan tác động từ những khó khăn chung của nền kinh tế, một phần khác có thể bởi lý do chủ quan từ những điểm đến chưa có sức hấp dẫn trở lại. 

Nỗ lực từ mỗi người dân

Sơn La, một trong những tỉnh đặc biệt nằm trong bản đồ du lịch Tây Bắc, nhiều du khách tìm tới đây vì khung cảnh tuyệt đẹp của núi rừng, nét đặc biệt của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Tuy nhiên, để có sức hấp dẫn, thuyết phục khách du lịch, thì người dân nơi đây cũng cần lắm những đổi thay. 

Anh Tráng A Chu, một chủ kinh doanh homestay nổi tiếng tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La chia sẻ nhiều khó khăn trong quá trình làm du lịch. Đặc biệt là người dân tộc Mông, nên anh cùng những người đồng bào dân tộc mình đã phải "loay hoay" trong nhiều năm trời, thì mới biết cách làm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp. 

A Chu cho biết: "Thời gian đầu, vận động bà con dân bản cùng làm du lịch với mình thì ai cũng lắc cái đầu. Phần vì phải bỏ ra một khoản tiền lớn, phần cũng vì ngại thay đổi. Nhưng nếu mình không thay đổi, thì làm sao có tiền, có chi phí cho con đi học, xây nhà cửa. Trong lúc, vùng đất của mình rất đẹp, nhiều tiềm năng phát triển. Không chỉ có cảnh đẹp, mà không khí mát mẻ, cây trái nhiều loại tốt tươi, cộng với những hoạt động truyền thống của các dân tộc... những thứ đó đều có thể thu hút khách du lịch".

Du lịch Sơn La: Cần một cú ngược dòng - Ảnh 2.

Tráng A Chu. Ảnh: TT

Vợ chồng A Chu là một trong số hiếm hoi có được cơ ngơi một ngôi nhà sàn khang trang bằng gỗ rất đẹp, tọa lạc giữa núi rừng Tây Bắc. Lúc đầu, A Chu có được 550 triệu, "cắm sổ đỏ" được 200 triệu, rồi xin của Bố 50 triệu, cộng thêm vay mượn được khoảng 200 triệu nữa để hoàn thành công trình. Nhà của A Chu được thiết kế khá đẹp và chắc chắn. 

Cái được của A Chu là biết kiếm được tiền thì "tái đầu tư" xây thêm cơ sở xung quanh, gia cố và bảo dưỡng hàng năm chứ không ăn tiêu hết. Nhờ đó, homestay của A Chu đã trở thành một điểm đến đông đúc. Hầu hết trong thời điểm mở cửa du lịch trở lại, số lượng phòng được đặt lúc nào cũng kín. 

Tuy nhiên, để duy trì được trong thời điểm dịch bệnh quả là một thách thức với những chủ cơ sở như A Chu. Trong lúc nhiều người chán nản, bỏ, bán cơ sở về làm lại nghề nông, thì A Chu cùng anh em trong nhà vẫn cố gắng duy trì homestay: trồng thêm cây ăn trái, làm thêm ruộng, làm bánh dày... để có tiền bù đắp vào chỗ thiếu. Cũng may cho A Chu, thời điểm khó khăn đã qua. 3 tháng gần đây, nhà A Chu lại được đón khách tấp nập trở lại...

Thách thức khá lớn ở đây là trình độ lao động phổ thông ở mức thấp, không có tay nghề cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi trong kinh doanh du lịch. 

Bản thân những người như A Chu cũng phải lên Hà Nội học cao đẳng sư phạm nhạc họa để có kiến thức nền, rồi A Chu và cả nhà cũng phải tìm học thêm các lớp bồi dưỡng nấu ăn, buồng phòng, quản lý khách sạn, nhà hàng, kế toán tài chính... Những khóa học này rất cần thiết, nhưng lại là thử thách rất khó mà không phải lao động nào của đồng bào thiểu số ở đây cũng vượt qua được. 

Du lịch Sơn La: Cần một cú ngược dòng - Ảnh 3.

Nếu chỉ để nghề nông dẫn hướng, người dân nơi đây chắc sẽ còn "nghèo bền vững". Ảnh: TT

Mặc dù, tỉ lệ đi học gần đây của người dân nhiều huyện, xã đã đạt tới 100%, trong đó, phổ cập tới bậc trung học cơ sở, tỉ lệ đại học, cao đẳng ở mức xấp xỉ 15%, nhưng hầu hết các thanh niên đã thoát li là ít có người quay về làm du lịch tại quê hương. 

Não trạng là vấn đề cần được khơi thông trong bà con hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Thực tế, nhiều bà con chỉ thấy được những mối lợi trước mắt, làm gì cũng xin tiền: Bạn sẽ không khó khi chụp ảnh với một người dân tộc, nhưng sau đó bạn phải cho tiền sau khi chụp xong, một số sản phẩm được dán nhãn mác làng nghề dân tộc, cũng xem ra có nguồn gốc hàng hóa Trung Quốc chuyển vào, hoặc một số đặc sản mua ở đây lại được sản xuất ở các vùng khác như Thái Bình, Hải Dương, Nam Định... Chưa kể một số chủ cơ sở khách sạn, nhà hàng, đội ngũ hướng dẫn viên còn có thái độ ứng xử kém văn minh với nhiều du khách. 

Phải bỏ "nghèo bền vững" mà tiến lên

Nghề nông, một trong những nghề truyền thống vẫn gắn bó với hầu hết các nóc nhà nơi vùng núi. Cứ có lúa, có gạo là sống nên nhiều người chẳng chịu thay đổi. Người dân chưa được trải nghiệm, chưa có điều kiện nhận thức những lợi ích lâu dài của việc phát huy những thế mạnh sẵn có từ nguồn tài nguyên thiên nhiên của núi rừng. 

Người dân Sơn La đã nhiều lần được chính quyền tỉnh hỗ trợ giúp đỡ, tạo cầu nối liên kết, hợp tác với những địa phương có nền du lịch phát triển mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… để học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch. 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Sơn La thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là những yếu tố không thể thiếu để thành công. Có thể nói, du lịch sau COVID là xu hướng tất yếu. Nhưng đối với Tây Bắc, ngay cả khi chính quyền địa phương vào cuộc, tạo điều kiện, thì bà con cũng chưa dám bắt tay vào thực hiện một cách quyết liệt.

Ông Hà Văn Quý, nguyên Bí thư Đảng Ủy, nguyên chủ tịch xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La kể về những năm tháng gian khổ trong những ngày đầu vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm: "Từ khi huyện, tỉnh có những chuyên gia xuống vận động và hướng dẫn bà con làm nông nghiệp kiểu mới với những giống lúa mới, cách thức mới, thì từ chỗ khó khăn thiếu ăn, bắt đầu có lương thực vừa đủ ăn vừa bán được ra thị trường. Khi đủ ăn rồi, chúng tôi phát động bà con chuyển hướng sản xuất, hoặc nhà nào có đủ điều kiện thì đầu tư cho làm du lịch, mở homestay đón khách.

Du lịch Sơn La: Cần một cú ngược dòng - Ảnh 4.

Du khách tìm về món nghề truyền thống của dân tộc Mông, nặn bánh dày ngày Tết. Ảnh: Tuyết Minh

Cũng phải rất mất nhiều công sức, các gia đình mới có thể dựng xong nhà, học cách nấu nướng, học cách chào đón khách và cũng đã thu hút được nhiều khách du lịch tới trải nghiệm. Cả xã giờ đã có khoảng gần 20 hộ làm homestay, các khu nhà cũng đã có khách tới ở hoặc tham quan, đặc biệt là khách Tây". 

Sơn La giờ đây đã trở nên giàu đẹp hơn trước, nhờ có những thuận lợi phát triển chăn nuôi bò sữa, trồng chè và cây ăn quả vùng ôn đới. Nhiều loại nông sản cũng đã xuất đi nhiều vùng với chất lượng cao. Đặc biệt cây chè ở đây của người dân hầu hết được trồng trọt và chăm sóc theo tiêu chuẩn, dưới sự giám sát và hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài. Đồng thời, thành phẩm lá chè cũng đã được bao tiêu toàn bộ. 

Bà con cũng đã có ăn có mặc, được đi học đầy đủ. Nhưng, nói đến du lịch, còn cần rất nhiều những nỗ lực từ cả chính quyền địa phương và mỗi người dân nơi đây. Cần lắm, những cú ngược dòng trong suy tư, tính toán, và trong thực hiện thử nghiệm những cách làm mới, chuyên nghiệp, hướng tới tương lai bền vững cho việc phát triển một trong những ngành kinh tế mũi nhọn này. 

Sơn La là tỉnh miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam với nhiều loại hoa rừng (mận, mơ, đào) tuyệt sắc. Nằm bên dòng Sông Đà, Sông Mã thơ mộng, Sơn La có 12 dân tộc anh em sinh sống tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc, nhiều lễ nghi, lễ hội, nghề truyền thống; ẩm thực dân tộc phong phú, hấp dẫn.

Mặc dù kinh tế chưa có nhiều điều kiện phát triển, song tiềm năng du lịch thì Sơn La có rất nhiều lợi thế. Đặc biệt Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với khí hậu trong lành mát mẻ; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, quy hoạch trên địa bàn hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu với diện tích khoảng 1.500 ha gồm 3 trọng điểm du lịch: Nghỉ dưỡng - Du lịch sinh thái - Vui chơi giải trí.

Biển hồ Thủy điện Sơn La có diện tích 43.760 km2 với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ tạo thành một quần thể sinh thái đẹp./.