Dự kiến cả nước giảm từ 10.035 còn 3.300 xã phường
Theo số liệu tổng hợp ban đầu của Bộ Nội vụ, sau khi sáp nhập, toàn quốc sẽ giảm từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn khoảng 3.300 đơn vị.

Dự kiến giảm 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Báo Thanh niên
Dự kiến giảm 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã
Tại họp báo cung cấp thông tin báo chí của Bộ Nội vụ ngày 28/4, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho biết, theo chủ trương thống nhất của Trung ương về tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cả nước dự kiến sẽ giảm 60-70% số lượng xã, phường so với hiện nay.
Tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư là cấp xã phải gần dân, sát dân, do đó quy mô sau sáp nhập không được quá lớn.
Ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh: "Các địa phương sẽ căn cứ vào tỉ lệ giảm trên để tiến hành sắp xếp. Tùy tình hình thực tế, có địa phương giảm 70%, có địa phương giảm 60% nhưng toàn quốc phải đảm bảo mục tiêu giảm 60-70%. Bước đầu chúng tôi ước tính sau khi sắp xếp, giảm khoảng 67%, toàn quốc sẽ còn khoảng 3.300 xã, phường, đặc khu".
Các địa phương chủ động đặt tên đơn vị hành chính cấp xã
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã cuối cùng sẽ có khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết.
Trên cơ sở đề xuất của Đảng ủy Chính phủ tại Đề án về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.
Theo đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Tại điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết này đã quy định: Khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 76/2025, địa phương chủ động việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với thực tiễn của địa phương, đảm bảo tên gọi dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google