Du học - khoản “đầu tư” liệu có hiệu quả?

Anh Thư
18:10 - 24/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Có không ít những câu chuyện về việc cha mẹ chi ra nhiều trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng cho con du học, nhưng sau khi tốt nghiệp, con lại không có công việc ổn định, mức lương không cao như kỳ vọng và do đó, đã coi đây là khoản “đầu tư” không hiệu quả.

Du học, bạn được gì?

Lựa chọn đi du học, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm với một nền giáo dục hoàn toàn mới lạ, với chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế. Bạn cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn ngành học hơn, thậm chí có những bộ môn chưa được giảng dạy tại các trường đại học ở Việt Nam. 

Phương pháp giáo dục ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ hay các nước châu Âu, thường năng động và chú trọng vào thực hành hơn là kiến thức khô khan, đồng thời tập trung phát huy tính tự giác và khả năng sáng tạo của từng cá nhân. Trong khi đó, trong lớp học, sinh viên cũng sẽ được khuyến khích tương tác, thảo luận và chia sẻ ý kiến của riêng mình.

Du học - khoản “đầu tư” liệu có hiệu quả? - Ảnh 1.

Ảnh: Christopher Pike: The National

Ngoài ra, khi đi du học, bạn được sống và trải nghiệm một môi trường hoàn toàn mới, nhờ đó được mở mang kiến thức, làm phong phú đời sống tinh thần. Du học là một trải nghiệm đáng giá trong đời, khi mà bạn tập thoát khỏi sự bao bọc, che chở của gia đình, để tự khám phá và khẳng định bản thân. Chính điều này giúp nâng cao khả năng thích nghi của bạn với những tình huống, môi trường, hoàn cảnh khác nhau, từ đó tích luỹ kinh nghiệm cho công việc và cuộc sống sau này.

Du học - khoản “đầu tư” liệu có hiệu quả? - Ảnh 2.

Ảnh: Educationpns.com

Đặc biệt, du học không có nghĩa là chúng ta chỉ tập trung vào một việc học. Bạn sẽ có cơ hội được đi du lịch mỗi kỳ nghỉ, khám phá danh lam thắng cảnh nhiều nơi và thậm chí là nhiều quốc gia khác. Bạn sẽ học được cách sắp xếp thời gian để vừa đi học vừa đi làm, có thêm thu nhập và trải nghiệm. Bạn cũng sẽ được giao lưu gặp gỡ với bạn bè từ nhiều nơi trên thế giới, được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau. Chính những điều này sẽ khiến cho tâm hồn bạn thêm giàu có hơn, kiến thức nền phong phú hơn.

Cũng có những yếu tố cần cân nhắc

Du học là bạn phải xa gia đình, bạn bè quen thuộc để tới sinh sống tại một nơi hoàn toàn mới và khác. Bạn phải tự lập trong gần như tất cả mọi việc, tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, quản lý tài chính, sinh hoạt của bản thân, tự chăm sóc mình khi bị mệt, ốm,… nên nhiều khi không thể tránh khỏi cảm giác cô đơn, tủi thân và muốn bỏ cuộc.

Du học - khoản “đầu tư” liệu có hiệu quả? - Ảnh 3.

Ảnh: Sendmybag.com

Thời gian đầu, phần lớn các bạn khi thay đổi múi giờ và cách sinh hoạt cũng cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ và thậm chí là stress khi đồng hồ sinh học của mình chưa kịp thời thiết lập lại. Chuyện bất đồng ngôn ngữ và cảm giác không hiểu người đối thoại nói gì cũng là một điều khiến bạn thấy hoang mang. Thậm chí nhiều bạn học sinh khi ở Việt Nam có điểm số trung bình môn tiếng Anh rất cao, điểm thi IELTS cũng "không phải dạng vừa", nhưng thời gian đầu ra nước ngoài cũng không thể bắt kịp cuộc trò chuyện với bạn cùng lớp hay bài giảng của giáo viên.

Du học - khoản “đầu tư” liệu có hiệu quả? - Ảnh 4.

Ảnh: timeshighereducation.com

Ngoài ra, sốc văn hoá chính là một trong những điều thường xuyên được nhắc đến nhất khi nhắc đến việc du học. Chuyển đến sinh sống tại một nơi hoàn toàn mới, với khung cảnh mới, những gương mặt lạ lẫm, với văn hoá ứng xử mới, khiến bạn cảm thấy khó hiểu, mệt mỏi và cô đơn. Đây là "căn bệnh" mà nhiều du học sinh từng gặp phải. Nó thậm chí đã khuất phục được rất nhiều bạn trẻ, khiến các bạn phải tạm ngừng việc học và quay trở về nước. Rồi, cũng có không ít trường hợp sốc văn hóa ngược khi trở về nhà. Sau khi đã dành thời gian quá dài ở nước ngoài, đã quen thuộc với môi trường nơi đây, thì chính quê hương giờ lại trở thành "môi trường mới" đối với nhiều người. Điều này khiến một số bậc phụ huynh có cái nhìn còn e dè về việc du học và ủng hộ cho lập luận rằng du học là khoản "đầu tư" không hề xứng đáng.

Làm sao để khoản "đầu tư" du học đạt hiệu quả cao?

Nhiều du học sinh khi chọn trường thường đặt các yếu tố danh tiếng của trường hay học phí để đưa ra quyết định, chứ không thực sự lưu tâm tới sở thích cá nhân, cũng như ngành nghề nào mình muốn theo đuổi trong tương lai. Điều này khiến cho bạn khó có thể xác định được lộ trình học tập và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Tất nhiên, khi đi du học, chi phí đánh đổi là không hề nhỏ, không chỉ là tài chính mà còn cả thời gian và công sức của các bạn. Do đó, hãy xác định thật chắc chắn mục tiêu của mình, đừng vì theo số đông mà lựa chọn sai lầm, khiến bạn dễ mất phương hướng và bỏ cuộc giữa chừng.

Khi đã lựa chọn du học, hãy xây dựng kế hoạch học tập kỹ lưỡng, thời gian đầu hãy đăng ký những môn không quá khó để làm quen với phương pháp học tập mới cũng như dễ dàng tiếp thu bài giảng hơn. Đừng ngại đặt câu hỏi với giáo viên với những điều mình chưa hiểu, tham gia học nhóm và thường xuyên tới thư viện. Hãy luôn kiên trì và nỗ lực để chuyến đi của mình không bị bỏ phí.

Du học - khoản “đầu tư” liệu có hiệu quả? - Ảnh 5.

Ảnh: timeshighereducation.com

Về phía các bậc phụ huynh, nhiều người coi việc cho con du học nước ngoài là một vụ "đầu tư", đặt nặng vào hiệu quả kinh tế, nên nếu con ra trường không kiếm được việc làm có thu nhập cao thì coi như việc đầu tư bị lỗ. Nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng rất lớn vào "cái mác" đi du học, và tin rằng, du học sinh thì phải giỏi. Chính điều này tạo áp lực rất lớn cho các bạn trẻ khi đi du học. Thực ra, du học không phải là một cách đảm bảo hoàn toàn rằng khi ra trường chắc chắn sẽ giỏi giang, ưu tú và tìm được công việc có thu nhập cao. Điều quan trọng là những gì du học sinh được trải nghiệm trong quá rình du học: kiến thức, giao tiếp, văn hoá, bạn bè, có cách nhìn rộng mở xuất phát từ thực tế cuộc sống… Do đó, các bậc phu huynh có lẽ cũng không nên coi việc cho con đi du học thực sự là một khoản "đầu tư" kinh tế thuần tuý để từ đó cân nhắc thiệt, hơn./.

Bình luận của bạn

Bình luận