Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược Bài 4: Nở rộ thuê bằng mở hiệu thuốc
Sau loạt bài "Dối trá trong đào tạo cao đẳng y dược", Báo Sức khỏe & Đời sống tiếp cận được nhiều thông tin về vấn nạn dược sĩ cho thuê bằng để mở hiệu thuốc tràn lan từ thành thị đến nông thôn.
Hiệu thuốc "mọc" nhan nhản do lợi nhuận cao
Sau khi được nhận bằng Tốt nghiệp Cao đẳng Danh hiệu Cử nhân thực hành Dược của trường Lê Quý Đôn và bằng Tốt nghiệp Cao đẳng Danh hiệu Cử nhân thực hành Dược của trường Cao đẳng Dược Hà Nội mà không phải đi học, nhóm PV Báo Báo Sức khỏe & Đời sống tiếp tục làm rõ việc sử dụng những tấm bằng được cấp không qua đào tạo.
Chị L.T.N, một người được cấp bằng trước chúng tôi cho biết, theo quy định, thì những ai đã tốt nghiệp hệ đào tạo cao đẳng dược và có xác nhận thực nghiệm tay nghề tại các cơ sở chuyên môn hợp pháp thì đủ điều kiện làm chủ quầy thuốc.
Tuy nhiên, bằng cao đẳng dược không được phép mở quầy thuốc tại những thành phố lớn mà chỉ được mở quầy tại huyện hoặc các tỉnh lẻ. Do có nhiều quan hệ ở lĩnh vực kinh doanh thuốc nên người phụ nữ này dùng tấm bằng cao đẳng dược mà mình dễ dàng có được chỉ với 28 triệu đồng học phí để mở một quầy thuốc ở ngoại thành Hà Nội sau đó thuê thêm bằng dược sỹ đại học để mở nhà thuốc tại quận trung tâm.
"Mình thuê bằng dược sỹ đại học lấy chứng chỉ kinh doanh rồi mở thêm nhà thuốc, sau khi cơ quan chức năng thẩm định xong là bán được rồi. Lúc nào có đoàn kiểm tra đến thì mình gọi dược sỹ ấy đến có mặt để đối phó", chị N. nói và cho biết, thường thì mỗi năm thanh kiểm tra 1 đến 2 lần, thậm chí những chỗ quen họ báo trước cho mình khi sắp có đoàn kiểm tra, không lo sự cố (?).
Theo lời giới thiệu của chị N, chúng tôi lên một số hội nhóm trên mạng xã hội để tìm thuê bằng dược sĩ. Tại đây, "kẻ mua người bán" như giữa chợ và công khai danh tính, số điện thoại, email khi trao đổi việc cho thuê bằng cấp, chứng chỉ hành nghề dược. Chỉ cần một người hỏi thuê bằng là có nhiều dược sĩ chào mời như "liên hệ mình nhé" hoặc "em có bằng đây ạ". Sau mỗi lời mời chào là số điện thoại để lại...
Một người có tài khoản Facebook tên N.G.H cho thuê chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế Yên Bái cấp nói với chúng tôi giá mỗi tháng là 4 triệu đồng.
Trong khi đó, một người đàn ông tên D lại mặc cả với phóng viên mức giá thuê chứng chỉ hành nghề 4,5 triệu đồng/tháng, nếu trả 6 tháng một lần thì có thể được giảm giá thêm. "Về mặt pháp lý, anh đứng tên đại diện hiệu thuốc em định mở là chuẩn rồi. Mỗi lần thẩm định kiểm tra anh phải có mặt nên việc người có nhu cầu và người cho thuê ở cách xa nhau quá cũng không được", anh này cho hay.
Ở chiều ngược lại, chị H.T.H (một người đang thuê bằng dược sĩ) tiết lộ, để mở hiệu thuốc không nhất thiết cần mặt bằng rộng và đẹp. Thuê cơ sở kinh doanh tầm 3-5 triệu đồng, thêm tiền thuê bằng 3-4 triệu đồng nữa là có thể mở được nhà thuốc để kinh doanh. Vừa bán thuốc kết hợp tư vấn bán thực phẩm chức năng thì mỗi tháng có thể kiếm được vài chục triệu đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn TP HCM và TP Hà Nội có hơn 10.000 hiệu thuốc. Qua kiểm tra cho thấy, vi phạm nhiều nhất tại các nhà thuốc là vắng mặt dược sĩ trong lúc nhà thuốc hoạt động. Nhiều nhà thuốc đối phó bằng cách khi đoàn đến kiểm tra thì họ gọi điện cho dược sĩ chạy đến. Họ thường lấy lý do đối phó bằng cách nói dược sĩ "vừa chạy ra ngoài", "đi thăm người ốm"...
Đây là vấn nạn vô cùng nguy hiểm cho người bệnh vì không có dược sĩ tư vấn chuyên môn sử dụng thuốc, tương tác thuốc... khi bán thuốc cho người bệnh.
Người phụ nữ này cũng cho biết: "Thường thì những người sau khi có bằng cao đẳng dược một là mở quầy thuốc ở các huyện, 2 là học liên thông lấy bằng đại học dược sĩ. Trong khi đó, đa phần những dược sĩ đại học chính quy, trình độ cao họ thường lựa chọn những công việc mang tính thử thách và có thu nhập cao như làm nghiên cứu hoặc trình dược viên. Do đó họ để bằng không cũng chẳng làm gì và có xu hướng cho thuê để tăng thu nhập. Còn mình có hiểu biết về nghề nhưng lại thiếu này thiếu kia nên kết hợp với nhau, đôi bên cùng có lợi".
Theo chị H, việc thuê bằng dược như hiện nay bắt nguồn từ nhu cầu mở nhà thuốc quá lớn, lợi nhuận cao cùng với đó là việc đào tạo dễ dãi nên nhiều người chấp nhận bỏ tiền mua bằng hoặc đi học qua loa với mục đích có bằng y - dược.
Ngành y - dược sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người
Có cung, tất có cầu, kinh doanh thuốc tân dược vẫn là lĩnh vực "hot" khi số lượng quầy thuốc tăng lên nhanh chóng trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc đào tạo dược sĩ dễ dãi, tràn lan thuê mượn bằng cấp để mở hiệu thuốc như hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đe doạ trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Theo quy định hiện hành, việc mở quầy thuốc phải tuân thủ quy định mỗi bằng cấp dược chỉ được sử dụng một nơi và dược sĩ phải chịu trách nhiệm ở đó. Một bằng dược sĩ chỉ được đứng tên để mở quầy thuốc, nhà thuốc ở một nơi và dược sĩ đứng tên phải chịu trách nhiệm về hoạt động của quầy thuốc, nhà thuốc đó.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, tình trạng nhiều dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc còn cá nhân dược sĩ không có mặt, không đứng ở nhà thuốc. Thậm chí, có dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc ở nhiều nơi khác nhau...
Theo luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị, việc thuê, mượn bằng y-dược là hành vi nguy hiểm, vì người hành nghề mà không có bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ thì rất dễ xảy ra sự cố, sai sót, đặc biệt là trong lĩnh vực y - dược liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Do vậy cần có chế tài xử lý nghiêm minh, kịp thời.
Dưới góc độ pháp luật, hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để đăng ký kinh doanh, hoạt động dịch vụ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, hành vi cho thuê chứng chỉ hành nghề dược, chứng chỉ hành nghề khám bệnh là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 9 Điều 6 Luật Dược 2016.
Về chế tài xử phạt quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi cho thuê hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược có thể bị phạt tiền tối đa 20 triệu đồng. Ngoài ra, phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có); Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề dược.
"Trên thực tế, việc ngăn chặn, xử lý, phát hiện việc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để đứng tên đăng ký kinh doanh, hành nghề không khó. Tuy nhiên việc phát hiện, xử lý lại chưa được nhiều. Bên cạnh đó, khâu đào tạo y - dược, nhất là hệ cao đẳng hiện nay dễ dãi khiến chất lượng đầu ra không đảm bảo được chất lượng. Có những ngành nghề sai có thể sửa, nhưng với ngành y dược thì sai sót nhỏ cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người", luật sư Lực nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, một chuyên gia đào tạo lĩnh vực y tế cho rằng, ngành y dược là ngành đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân nhưng hiện đang được xem như những ngành nghề bình thường khác trong đào tạo. Hiện có quá nhiều trường có khoa, lớp y - dược trong hệ thống đào tạo khiến việc đào tạo không chuyên sâu, ảnh hưởng đến đầu ra của nhân lực.
Muốn cải thiện tình trạng trên phải chú trọng vào công tác phân cấp đào tạo, đúng mô hình, đúng đối tượng. Nên đào tạo chuyên khoa y, dược thay vì đa khoa tại những nơi có chuyên môn sâu trong lĩnh vực y tế. Nếu như vậy, khi tốt nghiệp học viên có thể làm việc được luôn, không cần đào tạo thêm, đào tạo lại.
Trên phạm vi cả nước, số lượng trường Đại học (ĐH) ngoài công lập được mở ngành đào tạo mới liên quan đến sức khỏe khá nhiều, có thể kể đến như: Trường ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Đại Nam, ĐH Duy Tân, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Tây Đô, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… Chưa kể đến hệ thống các trường đào tạo trực thuộc UBND tỉnh thành.
Điều đáng nói, do nhu cầu nhân lực ngành y tế còn cao, nhiều trường còn xem nhóm ngành khoa học sức khỏe là "cứu cánh" cho công tác tuyển sinh với số lượng đầu vào đăng ký lớn.
VIDEO: Sự thật trần trụi đằng sau tấm bằng cao đẳng y - dược chính quy
Bí mật "động trời" đằng sau tấm bằng cao đẳng chính quy ngành dược không qua đào tạo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google