Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược Bài 3: Học y mà dễ hơn bán rau thì nguy hại khôn lường

Nhóm Phóng viên
15:34 - 30/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo các chuyên gia, y - dược là lĩnh vực đặc thù, liên quan trực tiếp tới tính mạng con người, do vậy việc buông lỏng đào tạo, cấp bằng có thể gây ra những hệ luỵ khôn lường.

Thấy gì sau những tấm bằng có được từ đào tạo gian dối?

Sau khi loạt bài "Dối trá trong đào tạo cao đẳng y – dược" được đăng tải trên Báo Sức khỏe và Đời sống, nhiều chuyên gia ngành y tế với giới khoa học đã lên án mạnh mẽ hành vi gian dối này. Một số ý kiến cho rằng cần phải xử lý nghiêm, tịch thu bằng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

PGS.TS Phan Toàn Thắng, là bác sỹ tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1991, hiện là giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, khi đọc loạt bài "Dối trá trong đào tạo cao đẳng y – dược", ông đã ngay lập tức chia sẻ về trang Facebook cá nhân của mình. "Tôi hy vọng với sự thật vạch trần trong bài, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm để chấn chỉnh lại thực trạng đào tạo trong khối ngành y dược hiện nay", ông Thắng nói.

PGS.TS Phan Toàn Thắng chỉ rõ, hệ quả của những tấm bằng có được từ đào tạo gian dối rất nguy hại. Chủ nhân của những tấm bằng đó sẽ bán thuốc, nhưng nguy hiểm là họ không có chuyên môn mà lại bán thuốc điều trị cho bệnh nhân.

“Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược” tạo ra loại virus, nguy hại khôn lường - Ảnh 1.

PGS.TS Phan Toàn Thắng

"Thực trạng trong bài báo đã đưa ra cảnh báo có tình trạng bát nháo trong công tác đào tạo y dược hệ cao đẳng của khối trường ngoài hệ thống Bộ Y tế. Ngày xưa thế hệ tôi gần như không có chuyện đào tạo gian dối như vậy, học ra học chứ không có các "dịch vụ" như hiện nay. Sản phẩm đào tạo không học, không thi, không thực hành vẫn có bằng, khi ra ngoài xã hội sẽ phát tác như một loại virus, nguy hại khôn lường", PGS.TS Phan Toàn Thắng nhận định.

Ông Thắng cho biết, ở Singapore, điều dưỡng, y bác sĩ được đào tạo rất bài bản, thu nhập của người làm ngành này cũng rất cao. Điều dưỡng có mức lương khoảng 40 triệu đồng/tháng, y, bác sĩ có lương khoảng 100 triệu đồng/tháng. Nếu làm khu vực tư nhân thì thu nhập còn cao hơn. Ở Việt Nam, đáng tiếc là những cơ sở đào tạo kiểu vì lợi nhuận không hiếm, nên chất lượng lao động khối ngành này chưa cao.

Khối ngành y - dược cần được quản lý đặc thù

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng phải xử lý thật nghiêm sai phạm này, chấn chỉnh lại hoạt động đào tạo khối ngành y dược.

“Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược” tạo ra loại virus, nguy hại khôn lường - Ảnh 2.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT.

"Lĩnh vực nào cũng có người tốt và người xấu nhưng vấn nạn không qua học hành, đào tạo, thực tập có bằng cấp trong khối y dược thì vô cùng nguy hiểm, bởi nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Việc một số trường cao đẳng tìm đủ mọi cách chèo kéo để có học viên đăng ký, nộp học phí vào trường như Báo Sức khoẻ & Đời sống phản ánh nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại", TS Lê Trường Tùng nhìn nhận.

Theo TS Lê Trường Tùng, vụ việc này có nhiều điểm tương đồng với vụ cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô trước đây. Tuy nhiên mức độ lớn và nghiêm trọng hơn theo kiểu hình thành đường dây bởi đăng ký, nộp học phí vào một trường, thi tốt nghiệp một trường nhưng lại được một trường cấp bằng Dược.

TS Lê Trường Tùng cũng nêu rõ, đào tạo khối ngành y - dược và sư phạm phải được coi là đào tạo tinh hoa. Tinh hoa từ chất lượng đào tạo đến việc làm, lương bổng, nhìn nhận của xã hội. Và đã là tinh hoa thì không được phép cẩu thả trong bất kỳ khâu nào, đặc biệt là khâu đào tạo.

“Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược” tạo ra loại virus, nguy hại khôn lường - Ảnh 3.

Nữ cán bộ tuyển dụng thu thêm tiền học phí để chuyển học viên từ trường Cao đẳng Dược Hà Nội sang trường mới được cho là Cao đẳng Y tế Phú Thọ với mục đích được thi tốt nghiệp và cấp bằng sớm mà không cần phải học.

Để chấn chỉnh đào tạo y- dược, theo TS Lê Trường Tùng thì đào tạo hệ đại học hay cao đẳng, trung cấp thì vẫn cần kiểm soát kỹ chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện đầu vào và giám sát đầu ra. Cần quy định mức điều kiện đầu vào cao hơn các khối ngành khác, đầu ra phải đáp ứng được chuẩn đã có sẵn. Ví dụ trong khối ngành y - dược, trường phải có bệnh viện để sinh viên thực hành. Không thể để tồn tại trường đào tạo y dược mà không có nổi phòng thí nghiệm cho sinh viên thực tập.

"Giáo dục gắn với trách nhiệm xã hội. Cho "ra lò" những người không có trách nhiệm với chính bản thân mình như thế thì nguy hại lắm, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng người khác. Đào tạo mà cho ra lò phế phẩm thì tai họa", Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT nhấn mạnh.

Giáo sư, bác sỹ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ, ngành y dược vốn rất khắt khe trong đào tạo, tình trạng bát nháo, lộn xộn, không học, không thực hành mà được cấp bằng như trong loạt bài Báo Sức khỏe và Đời sống nêu là điều không thể chấp nhận được. Bát nháo, lộn xộn như không ai quản lý, đi học y - dược mà còn dễ hơn cả mua bán rau ngoài chợ là điều quá sức tưởng tượng.

“Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược” tạo ra loại virus, nguy hại khôn lường - Ảnh 4.

Giáo sư, bác sỹ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.

"Tôi mong cơ quan chức năng, chủ quản của các trường sẽ thẳng thắn nhìn nhận những tiêu cực đang tồn tại, có biện pháp chấn chỉnh để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành y dược",  ông Nguyễn Anh Trí nói.

Nhiều chuyên gia cũng đề nghị cơ quan công an cần phải vào cuộc để làm rõ đúng sai, xử lý trách nhiệm từng người. Phía các đơn vị chức năng khác cần tăng cường quản lý đào tạo khối ngành y dược, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý đến từng giảng viên, sinh viên. Khi quản lý, kiểm soát chặt thì các trường có muốn làm sai, làm bậy cũng khó.

VIDEO: Sự thật trần trụi đằng sau tấm bằng cao đẳng y - dược chính quy


Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống