Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Móng Cái, Quảng Ninh

Tuệ Nhi
16:00 - 20/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Móng Cái, Quảng Ninh- Ảnh 1.

Thành phố Móng Cái tổ chức khen thưởng học sinh đoạt giải nhất trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh; cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2023-2024. Ảnh: HV

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tại thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) thể hiện rõ nét. Theo thống kê, năm học 2024-2025, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) có 65 cơ sở giáo dục, trong đó có 55 trường từ cấp mầm non đến Trung học phổ thông và 1 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; 9 nhóm mầm non độc lập tư thục; số trường ngoài công lập là 7/55, chiếm 12,72%. Tổng số nhóm, lớp học các cấp, các loại hình là 891 lớp với tổng số 30.925 học sinh.

Đến nay, 100% trường học trên địa bàn được kiên cố hóa, 762 lớp học được kiên cố hóa. Có 50/55 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 90,9%. Dự kiến đến tháng 12/2024 có thêm Trường Trung học cơ sở Bình Ngọc, Trường Mầm non Hoa Sen Montessori đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 96,2%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng tiếp tục được thành phố quan tâm, chú trọng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới, triển khai chương trình giáo dục mới; 93,6% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo cấp học. Tổng số đảng viên tại các trường công lập là 955 người, chiếm 79,7%.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Móng Cái, Quảng Ninh- Ảnh 2.

Thành phố công bố quyết định điều động giáo viên đến công tác tại các trường thuộc vùng nghĩa vụ năm 2024. Ảnh: HV

Bên cạnh đó, thành phố Móng Cái cũng triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cơ bản kịp thời, đúng chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. 

Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục phản ánh sự chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học so với năm học trước. Học sinh của thành phố tham dự các kỳ thi, cuộc thi đạt kết quả tốt.

Đến nay thành phố Móng Cái đứng trong top 3 về chất lượng, số lượng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi Trung học cơ sở cấp tỉnh. Công tác xây dựng xã hội học tập đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Móng Cái, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, thời gian tới thành phố tập trung đổi mới căn bản công tác quản lý, tạo bước đột phá đưa giáo dục hướng đến phát triển toàn diện năng lực người học, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số. 

Hệ thống giáo dục được xây dựng đảm bảo tính mở và liên thông, theo hướng chuẩn hóa, dân chủ hóa, hiện đại hoá, xã hội hoá, hội nhập quốc tế...

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ở Móng Cái, Quảng Ninh- Ảnh 3.

Thành phố tổ chức hội thảo chuyên đề đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục (ngày 16/11/2024). Ảnh: HV

Ngành giáo dục Móng Cái phấn đấu đến năm 2030 vươn lên tốp đầu so với mặt bằng chung của các địa phương trực thuộc tỉnh; 100% lớp học được kiên cố hóa, trên 90% trường có đủ phòng học, phòng chức năng theo quy định. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 98%; tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt từ 35% trở lên.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành giáo dục Móng Cái sẽ tập trung thực hiện hiệu quả 7 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, phát triển hệ thống trường, lớp đạt chuẩn quốc gia, theo hướng chất lượng cao và tiếp cận cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại; đủ các phòng chức năng, phòng học bộ môn để đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đa dạng hóa loại hình (công lập, ngoài công lập...) đảm bảo phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu của người học.

Bình luận của bạn

Bình luận