Đổi mới đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn cần có thời gian
Trưởng Ban ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông lên tiếng trước đánh giá đề thi môn Ngữ văn bị trùng lặp, thiếu sự sáng tạo.
Chiều 29/6, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi năm 2023 giữ ổn định như năm 2022. Chủ yếu kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, đặc biệt không ra đề vào phần giảm tải. Đề thi có tính phân hoá tốt nhất trong khả năng, nội hàm đề thi đảm bảo vừa phục vụ xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Hà cũng lên tiếng trước việc đề thi môn Ngữ văn có sự trùng lặp với đề thi thử của một số tỉnh, thành phố.
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung nhiều công cụ để rà soát, phối hợp với Bộ Công an đối chiếu những nội dung trùng lặp nằm trong các đề thi thử, đề thi mẫu của các địa phương. Từ đó, hạn chế tối đa các nội dung, câu hỏi trùng lặp trong đề thi chính thức. Tuy nhiên, việc so sánh, sàng lọc còn phụ thuộc vào quy mô dữ liệu.
Trùng lặp ngữ liệu với các đề thi môn Ngữ văn của các tỉnh thành là điều không thể tránh khỏi
Các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức nhiều đợt thi thử nên việc trùng lặp ngữ liệu là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, việc ra đề thi phần Ngữ văn chỉ được lựa chọn trong 15/17 tác phẩm trong sách giáo khoa nên việc trùng ngữ liệu là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Về việc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn có sự trùng lặp với đề thi thử của Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi của Hà Nội sử dụng ngữ liệu và lệnh hỏi khác với đề thi tốt nghiệp chính thức. Trong đó, đề thi thử của Hà Nội đề cập đến việc làm chủ cảm xúc còn đề thi tốt nghiệp là cân bằng cảm xúc, có độ khó cao hơn.
Về sự tương đồng với đề thi thử của tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 nhận định, có sự giống nhau về ngữ liệu nhưng khác nhau về lệnh hỏi.
Dần hướng tới đổi mới đề thi tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018
Đề thi môn Ngữ văn có hai phần, trong đó, phần đọc hiểu đã sử dụng ngữ liệu ngoài chương trình, tổ ra đề luôn hướng tới nội dung liên quan đến các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục.
Phần làm văn, năm 2023 và năm 2024 sẽ kết thúc chương trình phổ thông 2006. Với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, không có quy định nào bắt buộc sử dụng một tác phẩm cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xây dựng đề thi mang tính sáng tạo nhiều hơn. Còn hiện tại, việc xây dựng đề thi chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng của chương trình 2006.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google