Công dân khuyến học

Độc đáo lễ "nhúng nước lưới" của ngư dân đầu Xuân mới

Độc đáo lễ "nhúng nước lưới" của ngư dân đầu Xuân mới

Hà Phong

Hà Phong

18:50 - 31/01/2025
Công dân & Khuyến học trên

Ngày Mùng 3 Tết (31/1), trời nắng đẹp, ngư dân miền Trung đồng loạt dong buồm ra khơi, đi chuyến biển đầu năm lấy ngày mở biển đầu Xuân. Đồng thời, ngư dân cũng làm lễ "nhúng nước lưới" độc đáo, khai mở một năm đánh bắt cầu cho lộc biển dồi dào.

Độc đáo lễ "nhúng nước lưới" của ngư dân đầu Xuân mới - Ảnh 1.

Ngư dân Mỹ Khánh, Phú Diên, Phú Vang, Thừa Thiên Huế đi biển đầu Xuân. Ảnh: Huế Ngày nay

Từ nghề biển được truyền lại bao đời, ngư dân miền Trung giữ được nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của cư dân miền biển như: Phong tục cúng thuyền đêm giao thừa, tín ngưỡng thờ cá ông, phong tục vẽ mắt cho tàu, thuyền, lễ cầu ngư..., trong đó tục "nhúng nước lưới" còn gọi là "nhúng giã" là một nghi thức độc đáo, được thực hiện đầu năm mang ý nghĩa xuất hành, khai mở cửa biển, cầu mong cho một năm mới với những chuyến vươn khơi gặp may mắn, biển lặng, an yên, thuận lợi và cho nhiều hải sản.

Thường thì để "nhúng nước lưới" chủ tàu thả lưới giã xuống sông lớn, luồng lạch, cửa biển hoặc khu vực biển vùng lộng gần và cho tàu, thuyền kéo lưới trong một thời gian ngắn, dài tùy chủ định của mỗi chủ phương tiện. 

Độc đáo lễ "nhúng nước lưới" của ngư dân đầu Xuân mới - Ảnh 2.

Ngư dân Hải Tiến, Thanh Hoá đi biển đầu Xuân. Ảnh: TTH

Trung bình, cả quá trình rời bến bãi, di chuyển trên luồng tuyến đến vị trí, địa điểm thả lưới mất hơn 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, trước đó một vài ngày, chủ phương tiện phải chọn được ngày lành, giờ đẹp để thực hiện nghi thức.

Mùng 3 Tết, thấy tàu nào rời bến mà mũi tàu có các chậu hoa kiểng, hoa cúc vàng và cắm cờ Tổ quốc đầy không khí Xuân thì đó chính là tàu đi mở biển, nhúng nước lưới. 

Trước khi khởi động máy móc, tháo gỡ dây cột khỏi ụ nổi, thu neo lên tàu, thuyền để rời bến bãi, chủ phương tiện mang vật phẩm gồm: hoa quả, bánh kẹo, vàng hương, thành kính dâng lên ban thờ trong khoang lái và cầu khấn thần sông, thần biển phù hộ nhiều điều may mắn, sức khỏe dồi dào cho chủ phương tiện và bạn nghề; cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, không gặp sự cố bất trắc như bão, lốc xảy ra; phương tiện vận hành ổn định để những chuyến vươn khơi có tôm cá đầy khoang; anh em thuyền viên, bạn nghề luôn tương trợ, đoàn kết, yêu thương nhau.

Độc đáo lễ "nhúng nước lưới" của ngư dân đầu Xuân mới - Ảnh 3.

Ngư dân Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi thực hiện chuyến "xông biển" đầu Xuân. Ảnh: ĐĐK

Thời điểm thực hiện việc chuyến đi nhúng nước lưới tránh tối và mờ sáng, còn lại có thể chọn giờ và ngày xuất hành theo chủ ý. Đi nhúng nước lưới không nhất thiết phải đầy đủ các thuyền viên, bạn nghề tham gia. Tuy nhiên, chủ phương tiện phải có mặt, người nhà của chủ phương tiện nếu đi cùng thì càng tốt.

Chuyến đi mở biển cũng có ý nghĩa kết nối lại nhịp sống nghề biển sau một kỳ nghỉ Tết dài, lấy lại cảm giác lao động, sau khi tàu thuyền đã gối bãi. Càng có nghề khó, hiểm mà hay đi đánh bắt xa bờ thì ngư dân càng kiêng cữ nhiều, và có chuyến mở biển kỹ càng về nghi lễ. 

Độc đáo lễ "nhúng nước lưới" của ngư dân đầu Xuân mới - Ảnh 4.

Một tàu cá đi mở biển đầu Xuân. Ảnh: VNE

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon